Người láng giềng kỳ lạ

“Chú Thủ! Chú Thủ!”, bà con trong xóm hay gọi như vậy vì chú rất vui tính. Nhà ai có đám tiệc, gả cưới, chú đều đến giúp đỡ một cách nhiệt tình. Bọn nhỏ ham chơi bỏ học, chú cũng đến khuyên vài lời, vậy mà bọn trẻ lại nghe... 
Người láng giềng kỳ lạ

“Chú Thủ! Chú Thủ!”, bà con trong xóm hay gọi như vậy vì chú rất vui tính. Nhà ai có đám tiệc, gả cưới, chú đều đến giúp đỡ một cách nhiệt tình. Bọn nhỏ ham chơi bỏ học, chú cũng đến khuyên vài lời, vậy mà bọn trẻ lại nghe... 

Vượt lên chính mình

Chú là Trần Văn Thủ, sinh năm 1962, ngụ ấp Thới Thuận A, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Chú bị mất đôi tay nhưng làm được nhiều việc, chỉ chậm hơn người lành lặn một chút thôi. Chú kể: “Năm lên 7 tuổi, vào một buổi chiều tôi đi chơi với đám bạn ở bãi rác phế liệu, nơi có nhiều ống sắt gỉ sét và trái pháo sáng. Mấy đứa bạn nghịch cạy lấy thuốc pháo dồn vô ống thép rồi châm lửa đốt thì một tiếng nổ long trời vang lên khiến cả đám ngã nhào, máu chảy đầy mình. Riêng tôi đôi tay bấy nhừ, phải cưa bỏ; may lắm hai mắt mới giữ lại được”. Nhà nghèo, chú Thủ được ba mẹ nuôi dưỡng và có lần nghe ba mẹ định bán 2 công đất để làm đôi tay giả cho chú để tiện lợi trong việc sinh hoạt hàng ngày, chú không đành vì phải bán đất của ông bà để lại. Chú Thủ nói với ba mẹ: “Phần con đã vậy rồi, làm tay giả tốn kém và vướng bận thêm thôi! Bán đất rồi sau này anh em con sống bằng cách nào? Con không muốn vì con mà đánh đổi cái giá lớn như vậy đâu”. Rồi ba mẹ mất, Thủ bơ vơ mưu sinh với đôi tay cụt.

Chú Trần Văn Thủ chăm chỉ làm vườn với đôi tay cụt

Cuộc sống nhà nông phải cuốc đất trồng khoai, tưới rau, chăm bón vườn cây ăn trái, toàn những việc dùng sức lao động nên ban đầu chú tập dùng hai khúc tay kẹp, khều, níu vật dụng; dùng lồng ngực làm điểm tựa để nhấc cây cuốc hoặc cán gàu tưới nước và mỗi lần vận động rất khó khăn, vì cứ trơn tuột không nắm kéo vào đâu được, nhưng dần rồi cũng quen. Để tiếp sức cho tay, chú còn sử dụng đôi chân, những ngón chân để vun liếp cải, bắt cá dưới mương đìa, đan rổ… và được bà con lối xóm thán phục.

Chú được ba mẹ để lại 2 công ruộng. Dân trong xóm làm ruộng có vụ thất vụ trúng, còn riêng chú làm mùa nào cũng trúng hơn hàng xóm nhờ biết chăm chút kỹ từ khâu dọn đất, chọn giống… theo phương châm “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”. Người ở xa nghe “Thủ cụt tay” trực tiếp làm ruộng không ai tin, nên nhiều người hiếu kỳ, cứ vào vụ lại kéo đến coi và tròn mắt ngạc nhiên với các thao tác của chú trên đồng (chỉ trừ khâu sạ lúa mới nhờ người khác). Dù tổng số lúa thu hoạch mỗi vụ của chú không được bao nhiêu so với người khác vì đất ít, nhưng chú nhiều lần được Hội Nông dân xã khen tặng về cách chăm sóc và tận tụy, kỹ lưỡng canh tác lúa. Ngoài việc chăm sóc 2 công ruộng, chú còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi bán vé số, kiếm thêm mỗi ngày hơn 150.000 đồng.

Về chuyện cưới vợ, chú kể: “Năm đó tôi 47 tuổi, có đứa cháu gọi bằng chú xây nhà ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nhờ tôi đến phụ coi thầy thợ và dọn dẹp mỗi chiều khi thợ về. Tôi dùng đôi chân và hai khuỷu tay làm việc nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp, ai cũng khen. Trong số đó có cô Lê Thị Mai, người có nhà ở gần đó, qua tuổi 40 và… còn độc thân, có cảm tình với tôi nên hay lân la qua nói chuyện. Khi ba mẹ của Mai tiếp xúc với tôi vài lần, thấy cách ăn nói và tính nết cũng dễ thương nên đồng ý cho hai đứa quen nhau. Vậy là, sau khi đứa cháu xây xong ngôi nhà thì tôi cũng làm đám cưới với Mai vào cuối năm 2009”.

Cống hiến giữa đời thường

Trong thời buổi “cơm áo gạo tiền”, ai cũng tranh thủ từng giờ từng ngày cho cuộc mưu sinh, nhưng với chú Thủ lại có nhận định khác: “Dù có “trăm công ngàn việc” nhưng khi lối xóm có hữu sự phải đến giúp ngay, dù cho ngày đó có thể kiếm được đôi ba trăm ngàn cũng phải bỏ vì tình nghĩa “láng giềng gần” quý hơn”. Với suy nghĩ đó, nên mỗi khi nhà nào lợp mái, xây tường, cưới gả, giỗ quảy thì chú đến trước để cùng bàn bạc, trao đổi từng công việc với gia chủ nên bà con trong xóm hay khen: “Có mặt Thủ thì mọi việc chu toàn, vén khéo, đẹp đẽ hơn…”.

Mặc dù học hành chỉ đến lớp 7 nhưng chú rất sáng dạ và thường lắng nghe người khác nên học hỏi được một số kinh nghiệm, kiến thức phổ thông tương đối khá để ứng dụng vào cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chú Trần Văn Thủ hạnh phúc bên vợ con

Tuy không có tên trong tổ hòa giải, nhưng trong xóm có việc mất đoàn kết hoặc tranh chấp ranh đất, chú cũng ghé qua phân trần phải trái vài lời tế nhị, vậy mà đôi bên thấm thía, mọi sự việc yên ả, đoàn kết trở lại. Cuối năm 2015, xã có chủ trương kêu gọi dân hiến đất để nới rộng con đường ngang trong ấp lên 4m. Việc này có một số người không đồng tình, chính quyền và đoàn thể họp đi họp lại nhiều lần, giải thích, vận động nhưng vẫn không xong. Khổ nỗi, chỉ vài hộ không chịu hiến đất thì công trình không thể thi công được, thời gian quy định có hạn, nếu không có mặt bằng thì công trình sẽ chuyển qua nơi khác. Chú Thủ tâm sự: “Tôi nghĩ đây là việc nhà nước quan tâm đến sự phát triển nông thôn nên mở rộng đường giao thông, để đời sống bà con mình ngày một tốt đẹp hơn. Lộ càng rộng, đất càng có giá nên tôi hiến phần đất của mình trước rồi đến từng gia đình “chưa thông” nói khéo nên sau đó lần lượt những hộ này cũng đồng tình với chủ trương nới lộ, thế là thành công”.

Mỗi ngày, người trong ấp Thới Thuận A thấy chú Thủ đi đi về về với hai khúc tay cụt ngủn nhưng trên khuôn mặt luôn lộ nét lạc quan, yêu đời. Dù cơ thể không còn lành lặn, nhưng tinh thần an nhiên, tấm lòng tốt của chú trong cuộc sống đời thường khiến nhiều người gọi chú là: Người láng giềng kỳ lạ.

Nhật Hồng

Tin cùng chuyên mục