Người Lô Lô ở Lũng Cú: Biến văn hóa thành tài sản

Người Lô Lô ở Lũng Cú: Biến văn hóa thành tài sản

Khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống nhưng lại không làm mất đi bản sắc truyền thống; bảo tồn được nét đẹp văn hóa của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để hấp dẫn du khách. Đó là cách mà người dân Lô Lô Chải đang cần mẫn thực hiện.

Chuyện người hiền Nhật Bản

Tôi quen ông Yasushi Ogura khi thấy trên facebook của một người bạn. Xem ảnh, thấy ông thích văn hóa dân tộc như mình nên tôi gửi lời mời kết bạn. Ông chấp nhận, vào xem những ảnh tôi mới đăng về nơi ông đang lưu lại, ông bấm nút “thích” rồi nhắn tin cho tôi: “Cậu cũng đang tìm hiểu văn hóa Lô Lô à?”. Thế là chúng tôi “bắt đúng sóng” và dần trở nên thân tình.

Hóa ra, thôn Lô Lô Chải - nơi tôi bắt đầu say mê cũng đã in dấu ấn của người Nhật Bản này. Ông Yasushi Ogura sinh năm 1957, người Tokyo, Nhật Bản nhưng tháng nào cũng sang Việt Nam. Nhiều năm ông sinh sống, làm việc tại Việt Nam, yêu mến Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn và văn hóa Lô Lô. Làm từ thiện không gì bằng hỗ trợ kiến thức cho người dân để họ cùng tham gia và thay đổi cuộc đời. Tâm niệm vậy nên sau một thời gian điền dã, ông Yasushi Ogura đã quyết định chọn nhà chị Lục Thị Vấn để hỗ trợ mở một quán cà phê đẹp, duy nhất và độc đáo ở đất này. Ông thuyết phục gia đình vượt qua ngại ngần, hướng dẫn họ cách phục vụ khách và góp gần như toàn bộ vốn ban đầu để mua sắm bàn ghế gỗ, ấm chén cốc, xây 2 nhà vệ sinh tự hoại...

Ở một bản heo hút nơi cực Bắc của Tổ quốc mà có một quán cà phê đẹp để ngồi thư thái ngắm núi non trùng điệp, kiến trúc truyền thống với nhà trình tường, tường đá, cổng gỗ, thưởng thức những cốc cà phê, ấm trà… do người Lô Lô phục vụ và trò chuyện thân tình với những con người hiền lành chân chất này, thật là thú vị. Sau khi quán đi vào hoạt động, ông Yasushi Ogura bàn giao cho các gia đình trong bản Lô Lô quản lý, kinh doanh. Từ đó, quán cà phê Cực Bắc là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến tham quan cột cờ Lũng Cú. Vừa đến chỗ rẽ vào lối lên cột cờ, du khách đã nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn rất ấn tượng của quán với hai cô gái Lô Lô hoa cười tươi tắn, duyên dáng. Ông Yasushi Ogura chia sẻ: “Du khách khi đến với quán cà phê Cực Bắc sẽ góp phần giúp người dân có hướng khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống nhưng không làm mất đi bản sắc truyền thống mà còn bảo tồn được nét đẹp văn hóa của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để hấp dẫn du khách. Từ đó, những nét đẹp, những giá trị của người Lô Lô, của cao nguyên đá Đồng Văn sẽ ngày một phát triển và có cơ hội bảo tồn trong tương lai”. Sau quán cà phê Cực Bắc, ngôi nhà trình tường của gia đình anh Sình Dỉ Gai cũng được ông Yasushi Ogura hỗ trợ một nửa kinh phí xây dựng, làm dịch vụ homestay và cũng với mục đích từ thiện, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nhớ có lần đã hẹn gặp ông Yasushi Ogura ở Lô Lô Chải mà cuối cùng tôi lại bận, không lên được. Tôi nhắn tin trên facebook xin lỗi và tỏ ý tiếc nuối, được ông nhắn lại an ủi: “Em cứ ưu tiên công việc của mình đi nhé. Tháng nào anh cũng sang Việt Nam mà”. Quả vậy, điều mà cháu Hạnh, chị Vấn, chị Xuyến, anh Gai… ở Lô Lô Chải mong chờ nhất là hàng tháng, cứ tầm từ ngày 15 hoặc 20 trở đi là ông Yasushi Ogura lại sang, để khi chỉ vẽ cho nhà này cách thức giao tiếp với khách, cách bày biện mâm cơm; hỗ trợ nhà kia kinh phí chuyển chuồng bò ra xa nhà ở để bảo đảm vệ sinh, cảnh quan… Tháng nào người đàn ông hiền lành ấy cũng bay từ Tokyo sang Nội Bài, rồi lên ngay ô tô đi hai chặng và một chặng xe ôm để đến với Lô Lô Chải. Hành trình đằng đẵng và vất vả, nhưng ông bảo chỉ cần thấy việc làm của mình giúp ích được cho bà con là bao mệt nhọc tan biến hết.

Giữ gìn bản sắc

Cảnh đã đẹp, người ở Lô Lô Chải càng hay. Anh Gai tự hào khoe: “Người Lô Lô rất ham học, nhiều người tốt nghiệp đại học. Thôn Lô Lô đi (làm) cán bộ nhiều nhất trong 8 thôn của xã”. Bố mẹ mất sớm phải ở với chú, nhà nghèo nên anh Gai chỉ học hết lớp 8 rồi nghỉ để kiếm sống. Nhưng anh đã mày mò tự học, năm 2002 làm khuyến nông viên của xã, năm 2006 đến nay làm trưởng thôn. Nhanh nhạy, ham làm nên khi thấy có nhiều khách du lịch đến tham quan thôn, anh đã nắm bắt cơ hội khai thác mô hình du lịch cộng đồng.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô. Ảnh: H.G.

Vốn văn hóa, tài sản du lịch của thôn rất phong phú. Tập quán canh tác của đồng bào đã là một sản phẩm du lịch độc đáo. Các dân tộc ở đây chủ yếu là làm nương rẫy và ruộng bậc thang, với mô hình thổ canh hốc đá, xen canh gối vụ và luân canh. Nương là loại hình canh tác phổ biến nhất của người Lô Lô. Nương có nhiều loại, phân biệt theo những phương thức canh tác: nương dùng gậy chọc lỗ, nương cuốc (ở nơi có độ dốc cao), nương cày (đất bằng). Loại nương phổ biến là thổ canh hốc đá. Sống ở vùng núi đá vôi, đất đai để trồng trọt rất hiếm nên người Lô Lô nơi đây đã biến những hốc đá cằn cỗi thành những vạt bắp xanh tốt. Ở kỹ thuật canh tác, chúng ta có thể biết được những tri thức bản địa của họ. Ví dụ, họ nhặt đá trên nương xếp vào khe giữa các mô đá, ngăn thành gờ nhỏ giữ đất cho từng hốc, từng mảnh để khỏi xói mòn khi mưa lũ. Hàng năm, cứ vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai, đồng bào bắt đầu đi cuốc thổ canh hốc đá. Họ thường chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm 4 người: người đi đầu cuốc bổ hốc, người tiếp sau tra hạt, người thứ ba bỏ phân và người cuối cùng lấp lỗ. Việc bổ hốc tốn nhiều sức lực hơn các khâu còn lại nên đàn ông thường đảm nhận việc này; còn đàn bà, người già yếu và trẻ con đảm nhiệm những thao tác tiếp theo. Nương thổ canh hốc đá thường được trồng xen canh các loại cây khác nhau. Ngoài nông nghiệp, người Lô Lô còn làm một số nghề thủ công truyền thống như ngói máng, mộc, thêu…

Trang phục của dân tộc Lô Lô độc đáo, đa dạng sắc màu và cầu kỳ hoa văn trang trí. Trang phục của nam giới là quần đen với áo đen thân dài đến trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải. Trên đầu thường chít khăn, dắt mối khăn phía sau gáy. Phụ nữ Lô Lô mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau. Áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài chùm phía sau hông, xà cạp quấn chân...

Phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Lô Lô độc đáo nhất phải kể đến lễ tổ tiên được tổ chức vào ngày 14-7 âm lịch hàng năm. Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 - 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ “dùy khế”) và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (dùy khế) - các ông tổ 3 - 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Tuy mỗi gia đình đều có ban thờ riêng nhưng lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm.

Khi đó, trưởng họ phải cử người đi mượn trống đồng về để làm lễ. Đây là bảo vật linh thiêng của cộng đồng, luôn có đôi; trong đó, chiếc trống cái (giảnh đú) luôn to hơn trống đực (giảnh kê). Đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng, dòng tộc. Sau đó, mời nghệ nhân đánh trống đồng tại nhà trong lễ cúng tổ tiên; mời và nhờ người hóa trang thành người rừng để múa nghi lễ. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa.

Ngoài ra, những nghi lễ, hội hè của người Lô Lô như hôn nhân, tang ma, lễ cầu mưa, lễ cúng thần đất sau khi cấy lúa, lễ cúng cơm mới sau khi gặt lúa, Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ… cũng rất đa sắc và diễn ra quanh năm. Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho biết: “Hiện nay các thế hệ thanh niên đi học hết rồi, ít quan tâm đến việc bảo lưu và gìn giữ văn hóa dân gian của dân tộc. Chúng tôi bây giờ phải cố gắng truyền dạy cho thế hệ trẻ sau này tập và nhớ các phong tục tập quán của dân tộc Lô Lô. Các điệu múa dân ca, dân vũ như múa tra hạt, múa đi nương, múa làm cỏ, múa hát lúa, múa vui được mùa, múa nhớ về cội nguồn, múa cúng rừng, múa dệt vải, hát mừng năm mới, hát mừng đám cưới… đang được truyền dạy cho trẻ nhỏ” .

Thực hiện Chương trình bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống do Bộ VH-TT-DL triển khai, tỉnh Hà Giang đã chọn làng Lô Lô Chải thực hiện. Dự án đã bảo tồn, tôn tạo được 3 ngôi nhà có kiến trúc cổ của dân tộc Lô Lô; xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái; củng cố, thành lập đội văn nghệ; phục dựng một số loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian, bảo tồn lễ cúng thần rừng, lễ cúng lúa mới, bắp mới, nghi lễ đám cưới, đám tang, nghề thêu dệt trang phục truyền thống; phục chế 3 đôi trống đồng Lô Lô; trình diễn nghệ thuật đúc đồng và diễn tấu sử dụng trống đồng.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần khơi dậy và hình thành trên địa bàn mô hình kinh tế mới: Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa gắn với cộng đồng của người dân địa phương. Đồng bào nhận thức rõ hơn về giá trị văn hóa truyền thống, lựa chọn những yếu tố tích cực để bảo tồn, phát huy, gắn kết cộng đồng, giúp bà con xây dựng đời sống kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục