Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc là một trong những nội dung của “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn là một điển hình.
Chặng đường dài hơn 150km từ TP Hà Giang đến cao nguyên đá Đồng Văn thật kỳ ảo. Đó là con đường khúc khuỷu, cua tay áo chạy men theo các triền núi đá cao sừng sững, một bên là vách đá dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm. Càng đi, con đường càng trở nên kỳ diệu với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ.
Truyền thuyết rồng thiêng
Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, nơi có cột cờ Lũng Cú, đỉnh chóp nón cực Bắc của Tổ quốc thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thị trấn Đồng Văn 24km. Thôn nằm phía trái ngay cạnh con đường rải đá dẫn từ cột cờ Lũng Cú ra cột mốc 422 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Hiện thôn có 96 hộ gia đình với 453 nhân khẩu, trong đó người Lô Lô chiếm đến 86 hộ, 371 người. Phong cảnh Lô Lô Chải rất đẹp, tựa lưng vào núi cao nhìn ra có thung lũng rộng, có núi trước mặt chắn gió, có núi hai bên làm tay ngai, có suối róc rách uốn quanh, có hồ nước tự nhiên rộng hơn 2.000m2 để điều hòa khí hậu, đất màu mỡ nên hoa cỏ bốn mùa tươi tốt, lúa, bắp (ngô), đậu… bội thu; trâu, bò, gà, heo, dê… béo tốt.
Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú có những ngôi nhà trình tường độc đáo (Ảnh: Nguyễn Tiến Quang)
Lô Lô Chải trước tiên là một bảo tàng kiến trúc truyền thống. Người Lô Lô và Mông ở đây đều làm nhà trình tường, tường đất dày từ 40cm, mái lợp ngói máng. Nhà đầu tiên nằm ở bên trái đường vào thôn là của gia đình anh Sình Dỉ Gai, 40 tuổi, trưởng thôn. Đây là nhà du lịch cộng đồng được nhiều người tìm đến. Anh Gai làm nhà trình tường này từ tháng 10-2015. Nhà dựng lên từ khung bằng gỗ rồi bắt đầu trình tường đất. Đất sét vàng, đất thịt nâu lấy ở chân núi sau nhà, người gùi đất về đổ vào khuôn gỗ, 4 người đứng hai đầu khuôn lấy chày nện kỹ cho đất nhuyễn, nén chặt; nhấc khuôn lên lại có người tiếp sức lấy bay vỗ, miết cho phẳng. Hơn chục người làm một tháng mới xong nhà. Nhà trình tường chắc chắn, bề thế, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Theo kiến trúc truyền thống, nhà thường chỉ làm ba gian. Gian bên phải là chỗ ở của ông bà, bố mẹ; gian giữa dành tiếp khách và tổ chức đám cưới, đám tang; gian trái là chỗ ở của con trai, con dâu, con rể. Trên gác dành cho khách khi ở lại và chứa nông sản. Nhà anh Gai làm để đón khách du lịch nên có 4 phòng riêng, 4 phòng tập thể, chứa được 40 khách. Hàng tuần từ thứ năm đến chủ nhật, nhà anh Gai đều có du khách cả trong và ngoài nước đến ăn uống, ngủ nghỉ. Ai đến cũng được gia đình anh niềm nở đón tiếp, hướng dẫn trải nghiệm văn hóa bản địa.
Đi khắp thôn, khách thích thú với những ngôi nhà trình tường đẹp và đậm bản sắc. Không chỉ nhà đẹp mà đến cái tường bao quanh nhà bằng đất trình hoặc đá xếp, đá xây cũng níu chân du khách. Quán cà phê Cực Bắc của gia đình anh Dìu Dỉ Chiến (39 tuổi) và chị Lục Thị Vấn (38 tuổi) là điểm đến yêu thích của bất cứ ai đặt chân đến Lô Lô Chải. Ngồi uống trà ở hiên nhà, bà Mùng Thị Guối, 76 tuổi, bác của anh Chiến, chỉ tay lên ngọn núi trước mặt kể với tôi câu chuyện truyền thuyết. Chuyện rằng, núi ở thôn Lô Lô trước kia cao hơn cả núi Rồng, đây là một trong 4 cửa ngõ của Đồng Văn. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Lô Lô Chải đã san bằng đỉnh núi để xây lô cốt. Lúc bạt núi có đôi vịt trắng bay đi và máu chảy suốt một tuần. Từ đó người Lô Lô nghèo.
Đến nay, các cụ cao niên trong làng vẫn thường kể cho con cháu nghe về truyền thuyết rồng thiêng. Nơi rồng thiêng xuất hiện được gọi là núi Rồng (nơi có cột cờ Lũng Cú ngày nay) và 2 hồ nước hai bên chính là long nhãn, tức mắt của rồng. Người làng Lô Lô được núi Rồng che trở, được “mắt rồng” cung cấp nước, từ vài ba hộ nay đã trở thành ngôi làng trù phú. Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô (còn gọi Long Cư, tức nơi rồng ở). Chuyện kể rằng, xưa kia một con rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư này. Song có điều làm nó động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt, bà con sống cực khổ. Vì vậy, trước khi về trời, rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng như ban nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Từ đôi mắt của rồng đã biến thành 2 hồ nước trong xanh và quanh năm không bao giờ cạn. Một hồ thuộc làng Lô Lô, hồ kia thuộc làng Thèn Ván của người Mông.
Cây… du lịch
Tam giác mạch là loài cây thân mềm, khi mới trổ hoa li ti màu trắng hoặc phớt hồng, cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt hình tam giác. Đây là loại cây quá bình dị trên cao nguyên đá, người dân vẫn trồng cây chez (tên gọi khác của tam giác mạch) để nuôi gia súc, gia cầm. Sau mùa thu hoạch lúa nương hoặc bắp vào tháng 7, tháng 8, để đất khỏi trống đến mùa gieo trồng năm sau, đồng bào rải hạt tam giác mạch để lấy rau chăn nuôi. Cây tam giác mạch sẽ vẫn lặng lẽ trong gió như thế nếu không có một ngày, những bạn trẻ đi du lịch phượt tình cờ nhận ra vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa quyến rũ của những cánh đồng hoa đẹp mắt ở vùng cực Bắc của Tổ quốc. Rồi chính sức lan truyền của mạng xã hội, truyền thông đã phong vương cho loài hoa này thành một biểu tượng của miền sơn cước. Và cũng phải khâm phục sự nhanh nhạy của lãnh đạo tỉnh Hà Giang khi nắm ngay cơ hội đưa tam giác mạch, từ một loài cây giản dị trở thành “cây du lịch”.
Tam giác mạch, “cây du lịch” của tỉnh Hà Giang (Ảnh: H.G.)
Hoa tam giác mạch đang trở thành cây trồng thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân địa phương. Năm 2015, thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp chính quyền đã vận động bà con gieo trồng cây hoa tam giác mạch để làm cảnh quan du lịch và được hỗ trợ về giống, phân bón. Trước đây, diện tích đất canh tác của đồng bào ở 4 huyện vùng cao nguyên đá huyện Đồng Văn chủ yếu để trồng bắp một vụ hoặc 2 vụ trong năm, năng suất bình quân đạt 4 - 5 tấn/ha, thu nhập 18 - 22 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 8 - 10 triệu đồng. Đến năm 2015, với chủ trương của tỉnh, các hộ trồng tam giác mạch có thu nhập 10 - 15 triệu đồng. Mỗi vụ tam giác mạch chỉ cần thời gian 2,5 tháng và quan trọng thời kỳ này đất rỗi, lâu nay bà con chỉ trồng để lấy hạt chăn nuôi gia súc; còn nay đã có đầu ra, hạt bán cho người mua về làm bánh, thân cây làm rau ăn, du khách đến tham quan, chụp ảnh (10.000 đồng/người) đã mang lại thu nhập cho người dân. Đây chính là lợi ích rõ rệt nhất của việc phát triển loài cây này.
Nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Đồng Văn, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch trồng cây cảnh quan, hoa tam giác mạch dọc theo các trục đường chính, các điểm tham quan; có cách làm riêng trong việc sản xuất, chế biến thành những sản phẩm đặc trưng của địa phương như nấu rượu, làm bánh, kẹo từ bột tam giác mạch, nấu món ăn (canh, xào) từ rau tam giác mạch… Và năm 2015, không chỉ chờ đến lễ hội hoa tam giác mạch, suốt từ đầu tháng 10, những đoàn du khách từ khắp các nơi rầm rộ vượt đèo lên cao nguyên đá. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Tuổi Trẻ, nhớ lại: “Nhiều đoàn khách đặt tour chỉ có yêu cầu đưa đến chỗ nào có cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp để chụp ảnh là được”. Những ngày đó, hình ảnh thân thuộc nhất ở các cung đường Hà Giang là từng đoàn du khách không phân biệt tuổi tác, giới tính say sưa đứng, ngồi, nằm tạo dáng trong ruộng hoa tam giác mạch đẹp miên man để lưu lại những bức ảnh đẹp. Nhiều người đi Hà Giang về còn mang túi hạt tam giác mạch tặng bạn bè, người thân như một sản phẩm du lịch quý giá. Nhiều địa phương khác ở miền núi phía Bắc cũng đang theo Hà Giang trồng tam giác mạch để tạo cảnh quan, thu hút khách du lịch.
Sau 4 ngày lang thang khắp các cung đường để chụp ảnh hoa tam giác mạch, ngồi vào mâm cơm ấm cúng ở nhà anh Sình Dỉ Gai, chúng tôi ồ lên khi thấy có rượu tam giác mạch và rau tam giác mạch nấu canh. Anh Gai cười tươi tắn bảo: “Chụp ảnh hoa tam giác mạch nhiều rồi. Tối nay các anh chị uống rượu và ăn rau tam giác mạch xem có ngon không?”. Quả là hương vị đặc trưng, cọng rau tam giác mạch mềm, thơm, ăn rất mát; còn rượu nấu từ hạt tam giác mạch thì uống êm và thơm. Hôm sau ra về, anh Gai còn gói cho chúng tôi cả cân hạt tam giác mạch mang về gieo trồng cho nhớ… Hà Giang. Vậy là chúng tôi đã có một tour trải nghiệm đủ các cung bậc của cây tam giác mạch.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG