“Bạn bè cùng trang lứa với tôi, người nào có tiền thì mua vài mảnh đất. Còn họ bảo tôi có vấn đề vì toàn mua những cái tranh lăng nhăng treo ở nhà…”, ông Nguyễn Minh, chủ nhân của hơn 200 bức tranh quý của mỹ thuật Việt Nam, tự trào như thế. Có lần tổ chức triển lãm về họa sĩ Nguyễn Cao Thương ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chúng tôi mời ông Minh tham dự. Ông bận không dự được nhưng cẩn thận chuyển tận tay cho chúng tôi mượn bức tranh Nguyễn Cao Thương tự họa bằng sơn dầu trong bộ sưu tập của ông.
Lòng tự tôn dân tộc
Đầu năm 2014, khi nhà sưu tầm nghệ thuật Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Kim, tuyên bố sẽ tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà mình mang về từ những phiên đấu giá ở nước ngoài, công chúng yêu mỹ thuật ai cũng háo hức. Khi ACCAviet tổ chức triển lãm “Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác” diễn ra vào tháng 10-2015 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), trưng bày 63 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các họa sĩ thành danh từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người yêu tranh nô nức đến xem và tấm tắc ngợi khen.
Về nghệ thuật, lần đầu tiên công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh quý như Floral Still Life (80cm x 60cm, sơn dầu trên toan) và Marché aux pleurs (90cm x 120cm, sơn dầu trên lụa) của Lê Phổ; Gossip, Spring, Two lovers, Lovers in a landscape của Vũ Cao Đàm; Escharpe verte (65cm x 27cm, màu nước và mực nho trên lụa, 1975) của Mai Trung Thứ; A Pyrenees woman (40,5cm x 32,5cm, sơn dầu, không rõ năm sáng tác) của Lê Thị Lựu... Tiếp đến là ở giá tiền. Trong thời buổi kinh tế khó khăn mà có người Việt Nam đã bỏ ra đến 68.000USD để mua tranh như bức Marché aux pleurs của Lê Phổ vào năm 2014 tại nhà đấu giá Lesliehinman Auctoneers (New York, Mỹ). Mà đâu chỉ có thế, cả 63 bức họa được trưng bày, mỗi bức đều có giá chí ít cũng vài ba chục ngàn USD.
Họa sĩ Thành Chương cho rằng, vượt ra khỏi khuôn khổ của triển lãm và sự kiện này buộc những người yêu nghệ thuật không chỉ có cái nhìn đúng đắn, thực chất hơn về những thành tựu của mỹ thuật Việt Nam, mà còn ghi nhận sự đóng góp, tình yêu lớn lao của những người có tâm huyết, có trình độ như ông Nguyễn Minh trong việc đưa những tác phẩm hội họa có giá trị tiếp cận với công chúng.
Nhà sưu tập tranh Nguyễn Minh. Ảnh: BẰNG VÂN
Tình yêu tranh Việt
Từ lâu, Nguyễn Minh là cái tên quen thuộc trong giới sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chơi đồ cổ nên năm 1988, Nguyễn Minh bước chân vào nghiệp sưu tầm. Năm 1990, cơ duyên đã đưa chàng trai ngoài 30 tuổi này mua được hàng chục bức tranh quý trong bộ sưu tập của ông Đức Minh (Bùi Đình Thản), người được xem là nhà sưu tầm tranh lớn nhất Việt Nam, khi gia tài này tan đàn xẻ nghé. Nhưng rồi như anh tự nhận, do còn trẻ, kinh tế hạn chế, cũng như chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc sưu tầm nên anh đã nhanh chóng bán đi phần lớn số tranh mình mua được.
Phải đến năm 2010, từ Minh “Hàng Chiếu”, Minh “Hàng Chỉ” (tên gọi theo những con phố ở thành phố Hà Nội mà ông Nguyễn Minh cư trú) mới lột xác trở thành một Nguyễn Minh - nhà sưu tầm tranh và đồ cổ chuyên nghiệp. Có cảm hứng với những bức tranh sơn dầu, sơn mài khổ lớn nên Nguyễn Minh thường xuyên qua lại nhà của các họa sĩ, cố họa sĩ để gặp họ hay con cái họ trò chuyện, tìm hiểu và hỏi mua tranh. Những bức tranh đó đều là tài sản lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình các họa sĩ nên cũng không dễ mua. Có những bức ông phải đi lại cả chục lần, đợi qua 5 - 7 cuộc họp gia đình họ rồi mới được sở hữu.
Ông Tira Vanichtheeranont, nhà sưu tầm nghệ thuật người Thái Lan, kể: Năm 2008, tại khu Trung tâm thương mại Siloom (Bangkok, Thái Lan), ông tới thăm gian hàng kế bên của người bạn Nguyễn Minh. Hôm ấy, Nguyễn Minh đã mở lô tranh tới hơn 200 bức của Mai Văn Nam, Phan Thông... cho ông xem. Ông lập tức mê mẩn và thuyết phục bằng được Nguyễn Minh nhượng lại cho một vài bức. Từ đó, ông đã “phải lòng” tranh Việt Nam và chuyên sưu tầm những bức ký họa, đặc biệt những bức mà các họa sĩ vẽ về những giai đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam.
Năm 2012, chính Tira đã dùng quan hệ của mình giúp Nguyễn Minh hồi hương hai bức tranh từ Thái Lan về Việt Nam. Chuyện là, ông Peter Paris, trong thời gian sống và làm việc ở Hà Nội trong vai trò tham tán thương mại của Đại sứ quán Italia tại Việt Nam đã sưu tầm được rất nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam, trong đó có hai bức Đền cửa Hàn, lưới cửa Hội (Nguyễn Văn Tỵ) và Đền Ngọc Sơn (Đinh Minh). Khi hết nhiệm kỳ, ông Peter Paris về sinh sống với vợ tại Bangkok, Thái Lan và mang những tác phẩm ấy theo. Sau khi ông Peter Paris mất, bà vợ là Nilkamhaeng Passama bắt đầu thanh lý bộ sưu tập của chồng. Biết tin, ông Tira lập tức tiếp cận để mua tranh và hỗ trợ Nguyễn Minh tiếp cận và mua được hai bức tranh quý đưa trở lại Việt Nam.
Nhưng cái tên Nguyễn Minh bắt đầu vang danh trong giới sưu tầm tranh khi ông bôn ba ra nước ngoài và đấu giá thành công những tác phẩm của các họa sĩ học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông Minh nhớ lại: “Tôi vẫn thường sang Hong Kong hoặc Singapore mua vài món đồ cổ. Tháng 4-2013, trong lúc đấu giá đồ cổ tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong, tôi vô tình gặp 3 bức tranh Chợ bên bờ biển (lụa, 1934) của Nguyễn Tường Lân, Cô gái bên bình hoa lay ơn (sơn dầu, không rõ năm sáng tác) của Lê Phổ, Hai chị em (sơn dầu, 1964) của Vũ Cao Đàm. Khi ấy, tôi rất xúc động. Tranh đẹp quá! Tôi cứ bần thần ngắm mãi... Lâu nay, cứ xem tranh của các cụ qua sách báo hoặc nghe kể, nay được nhìn thấy tận mắt những tác phẩm ấy ở một nhà đấu giá lớn như Sotheby’s, tôi quá ấn tượng, cảm giác nao nao trong lòng. Tinh thần tự cường dân tộc lên cao, tôi nung nấu suy nghĩ nếu giá vừa tầm sẽ quyết mua cho bằng được... và rất may tôi mua được cả ba bức. Một trong ba bức ấy tôi phải mua với giá tương đương một chiếc ô tô hạng sang ở Việt Nam”.
Không tính toán thiệt hơn
Từ cơ duyên ấy, cuộc đời ông Minh rẽ sang một hướng khác. Ông lục tìm tài liệu để nghiên cứu về các họa sĩ từng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông chú tâm theo dõi lịch hoạt động của các nhà đấu giá trên khắp thế giới, để cứ thấy ở đâu rao bán tranh của các họa sĩ thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là đi. Trời không phụ lòng người, tháng 7-2013, có 4 bức tranh của Vũ Cao Đàm: Gossip, Spring, Two Lovers, Lovers in a landscape về tay ông sau những phiên đấu giá căng thẳng tại các nhà đấu giá lớn ở Hong Kong và Mỹ. Tháng 2-2014, ông Minh lại đấu giá thành công ở New York, Mỹ và mua được hai bức tranh của họa sĩ lừng lẫy thời mỹ thuật Đông Dương Lê Phổ, đó chính là Floral Still Life với giá 25.400USD và Marché aux pleurs giá 68.000USD.
Lòng tự tôn dân tộc là vô giá, với tâm niệm thế nên ông Minh luôn bận bịu với những chuyến đi Đông đi Tây để đấu giá tranh của các danh họa Việt Nam và 2013 là năm thành công đặc biệt của Nguyễn Minh ở một loạt nhà đấu giá lớn nhỏ trên thế giới như: Sotheby’s và Christie’s (Hong Kong, Trung Quốc), Marsart Autioneer & Appraisers (Jerusalem, Israel), Bruck (Mỹ), Borobudur (Singapore)... để đưa hàng chục tác phẩm của các danh họa Việt Nam về quê hương.
Bức tranh Mẹ và con (sơn dầu, 1967, Vũ Cao Đàm) trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Minh
Căn nhà 3 tầng của ông Nguyễn Minh ở con phố đẹp nhất Hà Nội (số 23A, phố Phan Đình Phùng, phường Hàng Gai, quận Ba Đình) chứa đầy tranh, đồ cổ. Thời kinh tế suy thoái thế này, nhiều người “sống dở chết dở” thế mà ông vẫn phơi phới bỏ tiền mua tác phẩm nghệ thuật. Nghe tôi thắc mắc vậy, ông Minh cười bảo: “Tích lũy được một ít, không mua nhà, sắm xe như người ta nên tôi đầu tư cho nghệ thuật và không tính thiệt hơn”.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG