Trong xã hội Việt Nam xưa, người phụ nữ thường được đánh giá qua các phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng và Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… Còn trong thời đại phát triển ngày nay, những phẩm chất nổi bật của người phụ nữ Việt Nam là gì? Đó là nội dung của cuộc tọa đàm “Giữ gìn và phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại” do TS Nguyễn Thị Bích Hồng và Th.S Phạm Thị Thúy chủ trì (Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức).
Đông dảo chị em phụ nữ tham gia buổi tọa đàm vào sáng ngày 16-10-2015 tại NVH Phụ nữ
Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang
Trong thời hội nhập, phụ nữ Việt Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong gia đình và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Giờ đây, hơn bao giờ hết, người phụ nữ trở thành linh hồn cho những giá trị văn hóa, truyền thống trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng, TS Nguyễn Thị Bích Hồng nhận định rằng, trong xã hội hiện nay cũng đang xuất hiện một bộ phận phụ nữ có lối sống ỷ lại, coi trọng giá trị vật chất, từ chối thiên chức làm mẹ, đổ hết trách nhiệm nuôi dạy con cái cho nhà trường... Vì vậy, cần có định hướng rõ các giá trị đạo đức phù hợp với đặc điểm thời kỳ hội nhập quốc tế, giúp người phụ nữ có đủ bản lĩnh, sức đề kháng trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Trước mắt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tạo tiền đề xây dựng phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho người phụ nữ Việt Nam, được đúc kết trong 4 phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Trong đó, “tự tin” là sự ý thức, tin tưởng vào những giá trị của bản thân; “tự trọng” là tôn trọng nhân phẩm, hoàn thiện bản thân và sống có trách nhiệm; “trung hậu” là nhân hậu, trung thực, không im lặng trước cái xấu và cuối cùng là “đảm đang”, một đức tính của người phụ nữ luôn xuất hiện ở mọi thời kỳ. Trong thời đại hội nhập, khi người phụ nữ luôn phải gánh vác trách nhiệm cả trong gia đình và ngoài xã hội thì phẩm chất “đảm đang” chính là sự khéo léo của việc vun vén hài hòa giữa công việc và hạnh phúc gia đình.
Thách thức của thời đại
Sự phát triển của xã hội hiện đại đã đưa vị thế của phụ nữ ngày nay ngang bằng với nam giới. Tuy nhiên, theo Th.S Phạm Thị Thúy, chính trong giai đoạn này người phụ nữ đang phải đứng trước những thách thức lớn của thời đại. Những thiên chức đã trở thành truyền thống của người phụ nữ, không gì có thể thay thế được như làm vợ, làm mẹ và làm dâu... đang gặp phải những trở ngại trong xã hội hiện đại. Nhiều phụ nữ trẻ hăng say với công việc nên không mặn mà việc lập gia đình, nhiều gia đình trì hoãn hoặc từ chối việc sinh con vì sợ ảnh hưởng hoặc mất việc. Các gia đình hạt nhân ở đô thị thường tồn tại đơn lẻ, không có sự gắn kết giữa các thế hệ, trẻ em được gửi nhà trẻ từ rất sớm và không được bố mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc trong những năm tháng đầu đời, dẫn đến thiếu hụt về tâm lý, những giá trị truyền thống bị lung lay… Tất cả những vấn đề trên đều xuất phát từ những áp lực gia đình, xã hội và người phụ nữ phải gánh vác. Một ngày của người phụ nữ hiện đại luôn quay quanh áp lực công việc, tính toán chi tiêu, thu vén việc nhà và nuôi dạy con cái ... Chỉ riêng việc duy trì bữa ăn gia đình trong thời buổi “gạo châu củi quế”, nhất là đối với các gia đình thu nhập thấp đang trở thành một thách đố đối với bất kỳ người phụ nữ nào muốn giữ lửa gia đình đầm ấm. Trong khi phụ nữ quay cuồng trong mớ bòng bong ấy, thì những hiểm họa từ bên ngoài có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Hình ảnh người vợ đầu bù tóc rối không phải là một cảnh tượng dễ chịu với bất cứ một đức lang quân nào. Thêm vào đó, việc nuôi con trong thời đại công nghệ số cũng là một thử thách không hề nhỏ…
Để giữ gìn và phát huy phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại, hỗ trợ họ đương đầu với những thách thức của giai đoạn mới cần có những giải pháp tuyên truyền định hướng của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của giới truyền thông và cả ngay trong trường học. Thị trường lao động cũng cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ cho người phụ nữ; đồng thời triển khai rộng rãi đề án giáo dục về giới và kiến thức tiền hôn nhân.
Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ từ phía xã hội, bản thân người phụ nữ muốn phát huy những phẩm chất và giá trị của mình, điều cốt lõi là phải xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân. Tất cả phụ nữ đều mong muốn được yêu thương, được có một gia đình hạnh phúc. Điều đó không có nghĩa họ phải kiếm thật nhiều tiền, có vị trí thật cao trong xã hội, cho con học trường nổi tiếng… Lời khuyên quan trọng nhất từ phía hai chuyên gia dành cho mọi người phụ nữ hiện đại là cần hiểu rõ mình cần gì, muốn gì và phấn đấu đạt được những điều mình mong muốn.
NHƯ Ý