1. Khi đi trao quà của Báo SGGP tại vùng lũ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), trong những hoàn cảnh thương tâm, có hoàn cảnh của anh em nhà ông Hồ Xuân Vững và Hồ Xuân An (khối 2, thị trấn Hưng Nguyên) là buồn nhất! Chúng tôi đến nơi, gọi mãi mới có một người đàn ông từ trong nhà lội nước đi ra (nước ngập nửa người). Đó là ông Vững. Ông lắp bắp như người có lỗi: “Mong các bác thông cảm, tôi bị mù. Khi không bị lụt thì tôi theo nếp quen đi ra nhanh chứ lũ lên mọi thứ đều xáo trộn nên không lường được đường”.
Trong câu chuyện, ông bảo hoàn cảnh của ông như vậy cũng không thể khốn khổ như “thằng An” em ông. Anh An nhà ở ngay bên cạnh, cũng nhà cấp bốn thấp lè tè như nhà anh trai. Anh An cũng bị mù, người đang rất yếu nên được chuyển đến nhà hàng xóm cao hơn để tiện sinh hoạt. Ông Vững và vợ phải “thay mặt” gia đình anh An nhận quà của Báo SGGP. Nghe nói, gia đình họ hiện đang lâm vào bước đường cùng, thuộc diện khó khăn nhất trong vùng.
Cách đây khoảng 4 tháng, gia đình anh An được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” của Đài Truyền hình TPHCM. Số nợ của gia đình được xóa và còn được cấp thêm một ít vốn để vợ chồng làm ăn. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh, lâm bệnh nặng mất. Tội cho cháu Hồ Thị Hằng, mới 4 tuổi, bình thường thì người cha có thể tạm lo được cho cháu, nhưng trận lũ vừa rồi dâng lên, anh An đổ bệnh nên lo không nổi, vậy là phải nhờ người làm hồ sơ gửi cháu vào Làng trẻ SOS.
2. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Chu Văn Thỏa (81 tuổi, xóm Bắc Sơn 1, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông Thỏa xây dựng gia đình với bà Lương Thị Đăng và sinh được 7 người con. Bốn người con đầu lành lặn, đã xây dựng gia đình riêng, tuy nhiên họ rất nghèo nên không thể giúp được cha mẹ và các em. Ba người con sau là Chu Thị Hợi, Chu Văn Thành và Chu Văn Tới đều bị mù.
Bà Đăng thì vừa bị điếc, chân bị tật, mắt cũng bị lòa. Riêng ông Thỏa mắt sáng nhưng lại bị sụn xương cách đây khoảng 10 năm nên giờ bị còng lưng. Khi chúng tôi đến, ông Thỏa đang ngồi lẩn thẩn ngoài bậc thềm trước nhà, bà Đăng thì mò mẫm trong bếp. Ông Thỏa vào gọi toáng lên là có khách, phải một hồi sau bà mới nhích người quay ra khỏi cái bếp bà đang đun lửa. Vì không đi được nên bà phải nhấc theo chiếc ghế nhựa để làm điểm tựa, rất lâu sau mới ra được đến cửa, nhưng rồi như sợ người lạ, bà lại quay vào cho dù ông vừa gọi vừa nạt. Chị Hợi thấy khách lạ thì chui ngay vào trong nhà trốn, ông Thỏa vừa phải dỗ ngọt vừa dọa nạt, chị mới… ra ngoài nhận mì, nhận gạo.
Thật là buồn và xót xa cho những mảnh đời thua thiệt!
DUY CƯỜNG