Người về tuyến đầu

Trước hết, phải nói rõ là để hoàn thành bài viết này, tôi đã thực hiện những cuộc kết nối trực tuyến trong đêm muộn, vì hiện tại các anh vẫn đang làm nhiệm vụ ở Bệnh viện Đà Nẵng. Khác với những gì tôi nghĩ đến, câu chuyện mà các anh chia sẻ không phải là những ngày vất vả bên trong phòng cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19…

1. Những tấm hình mà các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) gửi cho tôi trong các buổi tối gọi điện hay nhắn tin tâm sự sau giờ trực, thật đẹp.

Đó không phải là những tấm hình quá nét hay lung linh, thấy được đầy đủ thao tác nghiệp vụ của các anh bên giường bệnh nặng mà nhiều báo đã đăng tải. Thậm chí có những tấm hình còn mờ câm, do được chụp bằng điện thoại bọc bên ngoài là túi chống nước, ngăn virus. Đó đơn giản chỉ là tấm hình các anh đang ăn cơm. Những mái đầu không tóc (xin cho tôi được gọi như vậy), bên những ô cửa sổ, cửa ra vào, mỗi người cách nhau ở khoảng cách an toàn hơn 2m. Các anh vẫn còn nguyên bộ đồ bác sĩ, nhễ nhại mồ hôi. Có lẽ, chỉ mới cách đó không lâu, mọi người vẫn còn trong ca trực ở phòng điều trị bệnh nhân Covid-19… Một tấm hình khác, khá mờ của vị bác sĩ vừa bước ra từ phòng cách ly, trên ngực áo còn ghi tên anh kèm nơi làm việc, bằng bút mực màu xanh…

Bác sĩ Đàm Minh Khuê (Bệnh viện Nhân dân 115), người đã gửi cho tôi những tấm hình đó, chia sẻ thật đơn giản: “Nhiều y bác sĩ ở đây cũng chọn cách “xuống tóc” để đỡ nóng và hạn chế việc virus bám trên tóc trong quá trình làm việc”. Qua chia sẻ của bác sĩ Khuê, để việc điều trị cho bệnh nhân tốt nhất, toàn bộ môi trường làm việc không sử dụng điều hòa. Sau khi cởi bộ trang phục bảo hộ dày cộm, kín mít ra, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt còn vết hằn vì đeo khẩu trang, mắt kiếng chuyên dụng xuyên suốt, đó là niềm hạnh phúc của người khoác áo blouse trắng. “Nhìn thấy công việc chung dần ổn định, mọi khó khăn cũng không còn là vấn đề gì nữa”, bác sĩ Đàm Minh Khuê cho biết.

Người về tuyến đầu ảnh 1 Đoàn bác sĩ TPHCM có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng

Hành trang của các bác sĩ TPHCM về tuyến đầu còn là những tờ giấy điều động công tác và đều không ghi mốc thời gian ngày về, nhưng điều đó không khiến các anh bận tâm. “Nhận được giấy điều động công tác, tôi rất sẵn sàng và tự nguyện, cũng không để ý ngày giờ hay thời gian về lại thành phố, về với gia đình. Điều đó không quan trọng. Khi được điều đến Đà Nẵng, tôi chỉ mong có thể hỗ trợ và chia sẻ công việc cùng các đồng nghiệp ở đây thật tốt, để từng bước kiểm soát được dịch bệnh”, Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc (Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM) cho biết.

2. Khi dịch bùng phát trở lại trong cộng đồng, Đà Nẵng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều địa phương trong cả nước và TPHCM cũng không nằm ngoài sự chung tay đó.

Vừa trò chuyện với gia đình xong, anh nối máy lại với chúng tôi, anh nói: “Ngày nào xong việc cũng gọi về hỏi thăm nhà, nói chuyện với mấy đứa nhỏ, để đỡ nhớ và để mọi người ở nhà an tâm, không lo lắng”. Nói về ngày nhận nhiệm vụ đi Đà Nẵng chi viện, Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc kể: “Hôm đó, khi chuẩn bị báo cáo đề tài với bệnh viện thì tôi nhận được thông báo đi công tác Đà Nẵng. Buổi chiều, sau khi báo cáo đề tài xong, tôi về nhà chuẩn bị và sáng hôm sau ra sân bay đi Huế rồi xe đón sang Đà Nẵng”.

Hỏi về những khó khăn hay áp lực khi làm việc nơi tuyến đầu, các anh đều nói “không đáng kể” và dành những lời khen ngợi cho những đồng nghiệp của mình ở Đà Nẵng. “Đồng nghiệp và mọi người ngoài này làm việc rất vất vả, trong vòng mười mấy ngày đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến Hòa Vang có cả khu vực chạy thận. Đây là một nỗ lực rất lớn và phải nói là mọi người rất giỏi”, bác sĩ Phú Quốc chia sẻ.

Trực tiếp làm việc nơi tuyến đầu, có thể chịu nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nhưng bác sĩ Quốc vẫn chia sẻ bằng giọng nói đầy quyết tâm: “Ngày đầu tiên ra đây, nhìn thấy đồng nghiệp và mọi người ngoài này làm việc cực nhọc, bản thân tôi tự dặn mình phải chung tay chia sẻ công việc và hỗ trợ hết mình với mọi người chứ không lo lắng hay hoảng sợ. Đi công tác dài ngày thì ai cũng có nỗi nhớ gia đình, mà hơn nữa là ra tuyến đầu chống dịch thì gia đình cũng có phần lo lắng, nhưng nhìn lại đồng nghiệp của mình và mọi người ở đây đang nỗ lực và làm việc rất vất vả thì chuyện mình xa nhà cũng không đáng là gì hết”.

Trong khi đó, bác sĩ Khuê và người bạn đời của mình đã đăng ký kết hôn nhưng tạm hoãn lễ cưới lại, anh điền tên mình vào danh sách các y bác sĩ ra Đà Nẵng hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Anh tâm sự: “Đối mặt với dịch bệnh mà nói không sợ cũng không phải, tôi cũng có chút lo lắng nhưng vượt lên trên hết là lương tâm và trách nhiệm của một người khoác áo ngành y. Mẹ tôi là bác sĩ nên việc này cả nhà rất ủng hộ, như cách tiếp nối truyền thống ngành y của mẹ”. Trong cuộc trò chuyện, khi nhắc về gia đình, xen lẫn đâu đó là nỗi nhớ nhà của bác sĩ trẻ, nhưng giọng anh vẫn tâm huyết và chắc chắn: “Cũng nhớ nhà lắm chứ, nhưng việc quan trọng và trước hết là hoàn thành thật tốt nhiệm vụ ở đây”.

Cũng như bác sĩ Khuê, đâu đó trong phút trò chuyện, gia đình là nỗi nhớ và niềm tự hào vì đã luôn ủng hộ để các anh hoàn thành tốt công việc của bác sĩ nơi tuyến đầu. “Ở nhà động viên tôi ngoài này cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn tôi thì động viên mọi người trong nhà vững tâm, không lo lắng. Mọi người đều tự động viên nhau và vững tin lắm!”, bác sĩ Nguyễn Phú Quốc cho biết.

Tin cùng chuyên mục