Nguy cơ từ lò lửa Trung Đông

Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran đang gây không ít lo ngại cho cộng đồng quốc tế vì cho rằng mâu thuẫn giữa hai quốc gia sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sự ổn định tại khu vực vốn đầy bất ổn này.

Nhận định của giới phân tích cho rằng Saudi Arabia chơi một trò chơi nguy hiểm khi xử tử 47 giáo sĩ, trong đó có giáo sĩ kỳ cựu dòng Shiite Sheikh Nimr al-Nimr. Mỹ - đồng minh của Saudi Arabia, đang lo lắng vì nguy cơ giải quyết cuộc xung đột tại Syria lẫn Yemen sẽ rơi vào bế tắc. Kể từ sau vụ tấn công 11-9-2001, Mỹ và Saudi Arabia đã trở thành liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, giữa hai quốc gia vẫn có những bất đồng. Gần đây nhất là phương thức giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Riyadh yêu cầu Mỹ gia tăng hoạt động quân sự, xúc tiến việc đưa bộ binh vào Syria cũng như tăng viện trợ vũ khí cho phe đối lập nhưng Washington vẫn thận trọng về đề xuất này. Saudi Arabia còn tỏ thái độ không hài lòng khi Washington đẩy nhanh kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran. Động thái được Riyadh cho rằng giúp Teheran tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông khi chính thức trở lại chính trường quốc tế.

Saudi Arabia vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran nhưng trên thực tế, quan hệ giữa hai nước luôn trong tình trạng đóng băng do xung đột về sắc tộc, tôn giáo và chính trị vốn có mầm mống từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979. Phần lớn các nước ở Trung Đông có đa số dân cư theo Hồi giáo dòng Sunni với thủ lĩnh là Saudi Arabia luôn có sự bất đồng với các nước theo Hồi giáo dòng Shiite, đứng đầu là Iran. Bất đồng giữa hai dòng tôn giáo lớn nhất của Hồi giáo dẫn đến tranh chấp ảnh hưởng về chính trị. Chính vì thế, Saudi Arabia  luôn muốn Syria và Yemen được lãnh đạo bởi những đảng phái của người Sunni trong khi Iran thì muốn các nước trên được lãnh đạo bởi những đảng phái của người Shiite. Sự khác nhau giữa hai dòng tôn giáo khiến Iran và Saudi Arabia luôn đứng về hai phía trong các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng tại Syria hay tại Yemen. Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết đòi Tổng thống Syria al-Assad phải ra đi trong khi Iran luôn sát cánh cùng Nga để bảo vệ ông Assad. Khi quân đối lập dòng Shiite ở Yemen, dưới sự hỗ trợ của Iran, đã giành được quyền kiểm soát đất nước thì Saudi Arabia lại dẫn đầu một liên minh quân sự gồm các nước Sunni để tấn công Yemen. Không những vậy, Iran và Saudi Arabia cũng đang có sự tranh chấp quyết liệt để giành ảnh hưởng về kinh tế ở Trung Đông trong lĩnh vực dầu mỏ.

Theo Washington Post, vụ xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr sẽ mở ra một chương mới đầy căng thẳng trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite ở Trung Đông. Biểu tình phản đối liên tiếp nổ ra tại Bahrain, Iran, Pakistan. Mỹ đã nỗ lực đưa Saudi Arabia và Iran cùng ngồi chung bàn đàm phán với hy vọng sẽ sớm có kết quả trong cuộc nội chiến Syria nhưng vụ việc cho thấy sự xuất hiện của kẻ thù chung là IS cũng không thể cải thiện quan hệ giữa hai bên. Nếu cả Iran lẫn Saudi Arabia không muốn hạ nhiệt căng thẳng thì nguy cơ về  một cuộc chiến tổng lực giữa hai dòng Sunni và Shiite ở Trung Đông là điều có thể dự đoán trước.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục