Nguy cơ ung thư vì lạm dụng phẩm màu

Những món ăn bắt mắt nhờ được pha trộn bởi các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc đang ngày càng phổ biến. 
Cơ quan chức năng kiểm tra kinh doanh buôn bán phẩm màu thực phẩm tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM)
Cơ quan chức năng kiểm tra kinh doanh buôn bán phẩm màu thực phẩm tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM)
Việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến nước giải khát, thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai, cà phê, khô bò… sẽ gây độc hại cho sức khỏe con người về lâu dài.

Đẹp nhưng độc

Tại một sạp bán khô bò ở chợ Bình Tây (quận 5, TPHCM), chị Hà, chủ sạp cho biết, khô bò loại hảo hạng được lấy từ công ty quen, bán rất chạy và có giá ưu đãi nhất chợ chỉ 480.000 đồng/kg. “Bên chị còn bán khô bò được nhập từ Australia, giá cao hơn, chừng 1,2 triệu đồng/kg và chất lượng khỏi chê”, chị Hà giới thiệu. Nhưng khi chúng tôi đặt nghi vấn về màu sắc của miếng khô bò, liệu có sử dụng phụ gia hay phẩm màu công nghiệp gì không, chị Hà phân trần: “Chúng tôi hoàn toàn không sử dụng phẩm màu trong quy trình sản xuất khô bò. Thịt bò được ướp với nhiều loại gia vị, qua nhiều công đoạn chế biến mới thành khô bò thành phẩm”. Song, chúng tôi đặt một phép tính nhỏ so với giá cả thị trường hiện nay, thịt bò tươi cũng có giá gần 300.000 đồng/kg. Phải trên dưới 2kg thịt bò tươi mới chế biến được 1kg khô bò. Vậy chỉ với 480.000 đồng/kg khô bò mà theo chủ sạp nói là sạch, không phẩm màu, phụ gia thì là điều không tưởng!

Mới đây, Khoa nhi của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã phải tích cực điều trị cho một bệnh nhi bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó 3 ngày bệnh nhi có ăn thịt bò khô nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Trong gia đình có 1 chị họ cũng ăn và bị đi tiểu đỏ, tuy nhiên tình trạng nhẹ hơn. Qua sự việc này, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc lạm dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm tại gia đình cũng như các cơ sở sản xuất.

Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TPHCM, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng phẩm màu công nghiệp trong chế biến thực phẩm. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì sẽ gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế… 

Cũng theo TS Phan Thế Đồng, màu sử dụng trong chế biến thực phẩm với mục đích chính là nhằm cải thiện màu sắc và tăng tính hấp dẫn. Tuy nhiên, màu chỉ là chất tăng tính cảm quan và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng. “Màu sử dụng trong chế biến thực phẩm gồm 2 nhóm chính là màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên được chiết xuất chủ yếu từ các loại thực vật nên có tính chất không ổn định, thay đổi theo thời gian, nhiệt độ, ánh sáng, độ pH… Vì vậy, các loại màu tổng hợp thường được nhà sản xuất ưu tiên lựa chọn bởi giá thành rẻ, giữ màu bền đẹp. Tuy nhiên, việc lạm dụng màu công nghiệp sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là khả năng gây ung thư ở người tiêu dùng khi sử dụng lâu dài”, TS Phan Thế Đồng cho biết.

Cẩn thận lựa chọn

Điều lo lắng hiện nay là hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm để cho ra đời các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường. 

Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Cùng với đó, quy định sử dụng chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt và yêu cầu nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, vì hám lợi, để tạo thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã tự ý dùng các phẩm màu tổng hợp, thậm chí cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che giấu các sản phẩm bị hư hỏng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. “Những sản phẩm khó nhuộm màu thì thường được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp. Do đó, người dân cần đặc biệt chú ý khi mua các loại hạt hoặc thực phẩm khó nhuộm màu. Đặc biệt, khi mua cần lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia”, TS Phan Thế Đồng khuyến nghị đến người tiêu dùng.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Phải hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Và quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã có quy định cụ thể về những hành vi vi phạm ATTP. Trong đó, Điều 317 BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm”. Tuy nhiên, mức phạt này chỉ nên áp dụng đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm. Còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm bị truy tố thì với mức phạt tiền cao nhất chỉ 100 triệu đồng sẽ khó có tính răn đe. Trong khi số tiền thu lợi bất chính của các tổ chức này trong thực tế rất lớn. 

Luật sư NGÔ VIỆT BẮC (Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên)

Tin cùng chuyên mục