Nhà hát đạt chuẩn - Từ mơ ước đến hiện thực: Đầu tư, nuôi dưỡng nghệ sĩ, sản phẩm và cả khán giả

TPHCM cần làm gì để thúc đẩy hiệu quả việc đầu tư, cũng như phát huy hết công năng của một nhà hát đạt chuẩn và xứng tầm? Không phải chỉ là chuyện đầu tư cho nghệ sĩ, cho sản phẩm văn hóa, mà còn là cả một quá trình dài để có thể nuôi dưỡng nghệ sĩ, sản phẩm và cả khán giả. Hơn hết, làm sao để người dân tìm đến nhà hát đạt chuẩn, để xem, để nghe những chương trình thực sự có chất lượng, cũng là một bài toán cần lời giải.

Nâng chất đội ngũ

Câu chuyện cần một nhà hát đạt chuẩn thực sự là nỗi niềm của giới nghệ sĩ dòng nhạc giao hưởng - hàn lâm TPHCM suốt mấy chục năm qua. Và họ đã chuẩn bị gì cho việc sử dụng nhà hát một cách hiệu quả, bằng chính năng lực sẵn có của mình?

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM (HBSO) cho biết, từ năm 2007, dự án đầu tư hệ thống trang thiết bị nhà hát đã được UBND TPHCM xem xét và đến năm 2008, UBND TPHCM đã duyệt dự toán thiết bị cho dàn nhạc giao hưởng với kinh phí hơn 47,5 tỷ đồng, mua tổng cộng 376 nhạc cụ mới các loại.

Ông Trần Vương Thạch khẳng định: “Số nhạc cụ này phát huy rất tốt cho hoạt động tổ chức biểu diễn của nhà hát trong suốt 10 năm qua với cả trăm suất biểu diễn trong nước, giao lưu quốc tế”.

Theo NSƯT Tấn Anh (của HBSO): “Từ rất lâu rồi, nhà hát đã có định hướng phát triển qua việc chú trọng đào tạo một đội ngũ nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết; xây dựng một danh sách kịch mục đa dạng, phong phú, có chiều sâu và chất lượng, mang tính quy mô, chuyên nghiệp, để có thể đáp ứng tốt sự vận hành của một nhà hát mới”.

Cụ thể, HBSO đã có kế hoạch đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà hát trong hơn 10 năm qua. Đó là việc đưa các nghệ sĩ đi học dài hạn theo chuyên ngành biên đạo múa, sáng tác, chỉ huy hợp xướng, âm nhạc (clarinet, vilolin) ở Hà Lan, New Zealand, Nga, như: Nguyễn Phúc Hùng, Hồng Châu, Vũ Việt Anh, Trần Nhật Minh, Nguyễn Mạnh Duy Linh…; học các khóa ngắn hạn về điện ảnh, lưu trữ và âm nhạc, thanh nhạc, trợ lý âm nhạc tại Anh, Đức...

Nhà hát đạt chuẩn - Từ mơ ước đến hiện thực: Đầu tư, nuôi dưỡng nghệ sĩ, sản phẩm và cả khán giả ảnh 1 Khán giả quốc tế theo dõi một chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM tại Nhà hát thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lực lượng nghệ sĩ sau khi tu nghiệp, học tập ở nước ngoài đã đem về nhiều kiến thức, tư duy mới áp dụng, sử dụng thiết thực vào hoạt động tổ chức biểu diễn của nhà hát, nâng tầm chất lượng và tính chuyên nghiệp của HBSO.

Tuy nhiên, có một thực tế là lượng đầu vào các khoa liên quan đến loại hình âm nhạc hàn lâm tại Nhạc viện TPHCM không cao, tỷ lệ tốt nghiệp khá thấp, cũng đặt ra một bài toán với nhà hát về nguồn nhân lực tương lai của loại hình này.

Hiện Nhạc viện TPHCM có các khoa: Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Âm nhạc dân tộc, Đàn dây, Kèn gõ, Piano, Thanh nhạc, Guitar - Accordeon, Nhạc nhẹ và âm nhạc công nghệ…

Có 2 khoa thu hút lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất là piano và thanh nhạc (cả trung cấp và đại học). Tuy nhiên, số lượng sinh viên, học sinh tốt nghiệp nhạc viện thường chiếm khoảng 50% - 60% so với số lượng ban đầu trúng tuyển vào nhạc viện, vì nhiều lý do. 

Không chỉ nguồn nhân lực, mà tìm khán giả cho loại hình âm nhạc kén người nghe này cũng không dễ…

Cần những dự án học đường

Chị Nguyễn Ngọc Thanh Châu (đường số 8, phường 17, quận Gò Vấp), 3 năm nay nhờ một cô giáo dạy kèm con gái 12 tuổi học đàn piano tại nhà. Tất cả bắt đầu từ khi cháu Thanh, con gái chị Châu được xem một chương trình hòa nhạc trên tivi và mong muốn được học nhạc ngay từ thời điểm đó.

Chị Châu tâm sự: “Nói thật, bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua đàn rồi thuê cô giáo phụ đạo cho cháu là cả một vấn đề. Nhưng vui là cháu rất thích học đàn. Thay vì chơi game, hay suốt ngày lên mạng như những đứa trẻ cùng tuổi, cháu lại mê đàn piano. Dù khởi đầu khá trễ, nhưng tôi tin con gái sẽ đeo đuổi giấc mơ này đến khi trưởng thành”.

Chị Thanh Châu cho biết thêm, chị và một số phụ huynh khác trong trường cũng mong muốn nhà trường có những tiết học nhạc, học năng khiếu như vậy, nhưng nhà trường không có kinh phí, cũng như nhu cầu của học sinh trong khối rất ít.

Trong khi đó, các lớp học piano lại phần lớn ở trung tâm thành phố, là cư dân quận vùng ven, chị Thanh Châu không đủ kiên nhẫn để hàng tuần cho con đi luyện đàn xa.

Theo nhận định của đại diện Sở VH-TT TPHCM, với câu chuyện phổ cập âm nhạc cổ điển, âm nhạc thính phòng trong người dân, đến nay, TPHCM vẫn chưa thực hiện một cách có hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, nói: “Với vai trò là cơ quan quản lý về văn hóa, chúng tôi cũng tâm tư về việc này, nên kết hợp với các sở ngành như thế nào để tham mưu cho UBND TPHCM kế hoạch đưa âm nhạc cổ điển, hàn lâm đến trường học và các đơn vị, giống như đề án đưa đờn ca tài tử vào học đường mà Sở VH-TT TP đã thực hiện. Sở VH-TT sẽ phối hợp với một cơ sở đào tạo để đề ra một giáo trình, với sự giảng dạy của các chuyên gia am hiểu về marketing sản phẩm nghệ thuật, am hiểu về nghệ thuật của TPHCM và của cả nước.

"Một khóa tập huấn dù không dài nhưng cũng đủ giúp cho lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp, văn hóa nghệ thuật nhận diện được mình đang đứng ở bản đồ nghệ thuật như thế nào và vai trò của các đơn vị nghệ thuật này trong sự phát triển của văn hóa nghệ thuật thành phố; cách họ tiếp cận với công chúng, họ mang lại sản phẩm nghệ thuật công chúng cần, bên cạnh đó là định hướng cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng một môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh và phát triển đúng mức. Đây là cách mà Sở VH-TT đang làm”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết thêm.

Hiện nay, Sở VH-TT đang thực hiện chương trình văn hóa học đường. Trước đây, TPHCM đã đưa kịch nói vào học đường (sân khấu Hồng Vân và sân khấu IDECAF) và sẽ thực hiện tiếp tục việc đưa âm nhạc vào học đường.

Về âm nhạc hàn lâm, Sở VH-TT đang phối hợp với Nhạc viện TPHCM xây dựng, từng bước đưa những nhóm nhạc nhỏ vào học đường theo cách dễ tiếp cận nhất, qua các dàn hòa tấu kèn, các nhóm tứ tấu, ngũ tấu mang tính pha trộn với nhiều dòng âm nhạc khác, mới mẻ trẻ trung.

Tức là thông qua hình thức âm nhạc hàn lâm, nhưng tổ chức theo cách trẻ trung và mới mẻ, để các bạn trẻ, các em học sinh dễ tiếp nhận.

Cũng phải ghi nhận, thời gian qua, còn có một số nhóm biểu diễn khác trên địa bàn thành phố, phối hợp xã hội hóa để đưa nghệ thuật hàn lâm đến học đường, với mong muốn các em hiểu và tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc hàn lâm.

Theo Sở VH-TT, để các em hiểu, cảm nhận được những nét đẹp, tính chân thiện mỹ của âm nhạc cổ điển, cần phải có một giáo trình hoàn chỉnh và phù hợp. Chính việc đưa âm nhạc hàn lâm vào học đường sẽ hình thành một lớp khán giả trẻ có thể gắn bó lâu dài với loại hình âm nhạc này.

Đầu tư cho tương lai

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 1437/QĐ sửa đổi Đề án Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Đây cũng chính là một bước tháo gỡ những khó khăn của thành phố còn vướng mắc lâu nay.

Từ rất nhiều nhiệm kỳ qua, Thành ủy TPHCM và lãnh đạo TPHCM đã dành nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, không chỉ lĩnh vực bác học, hàn lâm mà còn là các lĩnh vực khác như: múa (múa dân gian, ballet), xiếc, đạo diễn sân khấu - điện ảnh…

Trong đó, chú trọng hàng đầu đến việc đào tạo con người để quản lý, nguồn lực cho công tác quản trị, tổ chức biểu diễn, marketing các sản phẩm văn hóa. Đó là những yếu tố hết sức cần thiết trong tổ chức hoạt động và vận hành cả một bộ máy nhà hát trong thời gian tới đây.

“Khi nhà hát giao hưởng hoàn thành trong tương lai, khi chúng ta đầu tư hoàn chỉnh về mọi thứ, kiến trúc, kết cấu, tổ chức bên trong một nhà hát đã đạt chuẩn rồi thì sự giao thoa giữa các nhạc cụ trong một không gian phù hợp sẽ đạt tới trình độ thẩm mỹ rất cao khi đến tai người nghe. Và khi nhà hát đã đạt những yêu cầu của một nhà hát hàn lâm rồi, chúng ta có thể kết hợp biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau theo khuynh hướng thời đại", Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

"Bên cạnh việc chúng ta sẽ có những vở vũ kịch, nhạc kịch, giao hưởng đúng chuẩn, thì chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác, để cung cấp cho người dân thành phố, du khách quốc tế những chương trình nghệ thuật nhiều màu sắc. Khi dự liên hoan cải lương toàn quốc mới đây, tôi nghĩ, nếu có một một sân khấu lớn, đủ chuẩn để có thể công diễn những vở lớn như Dương Vân Nga của đạo diễn Hoa Hạ - được đầu tư công phu như vậy, thì sẽ tuyệt vời như thế nào”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận định.

Cũng theo đại diện Sở VH-TT, ngoài chương trình bên trong nhà hát, chúng ta còn có thể tổ chức những chương trình bên ngoài nhà hát, hướng đến giá trị cộng đồng như cách người Singapore đang làm với Nhà hát Sầu Riêng của họ.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, nói: “Chúng ta không thiếu nguồn lực, nhưng vấn đề là cơ sở vật chất cho văn hóa chưa được đầu tư đúng mức".

Khai thác giá trị kinh tế của sản phẩm văn hóa
TPHCM đang định hướng xây dựng quận 2, quận 9 và Thủ Đức là khu đô thị sáng tạo; quy hoạch phân vùng rõ ràng, đâu là khu đô thị, đâu là khu công nghệ cao, khu nhà ở, khu phát triển làng nghề, khu văn hóa nghệ thuật… theo xu thế thế giới.
Với một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa mà Chính phủ đã phê duyệt, TPHCM cũng đang xây dựng kế hoạch để triển khai ngành “công nghiệp văn hóa”, thì giá trị kinh tế trong văn hóa là điều có thể nghĩ tới. Trước đây, chúng ta có suy nghĩ, văn hóa chỉ để phục vụ, nhưng hiện tại, tôi hoàn toàn có cơ sở để tin, văn hóa có thể trở thành những giá trị kinh tế.
Chúng ta cần học theo ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản để thấy cách họ khai thác vốn quý của nghệ thuật dân tộc quá giỏi. Nếu chúng ta đầu tư đúng mức, khai thác, quản trị và marketing đúng mức thì một sản phẩm văn hóa hoàn toàn có thể mang lại giá trị kinh tế.
Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM

Tin cùng chuyên mục