Có thể nói, Tập đoàn FPT và VNG là 2 công ty công nghệ trong nước có sức ảnh hưởng nhất định với nền kinh tế số, đã tham gia tích cực vào lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc toàn dân chống dịch Covid-19.
Tham gia vào kinh tế số còn phải nói đến 3 nhà mạng lớn nhất hiện nay là Viettel, VinaPhone, MobiFone. Không chỉ cung cấp các ứng dụng, 3 nhà mạng này còn tạo nền tảng băng thông rộng để chạy các ứng dụng, khai thác dịch vụ. Số liệu cập nhật đến hết tháng 6-2019, cả nước có 134,5 triệu thuê bao di động, trong đó gần 52 triệu thuê bao di động sử dụng băng rộng (3G, 4G) - một con số không hề nhỏ. Trong mùa dịch hiện nay, nhu cầu về thoại, truyền tải dữ liệu của người dân đều tăng cao nhằm phục vụ cho học tập, giải trí tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh.
Ngoài ra, Việt Nam có hơn 14 triệu thuê bao băng rộng cố định với các nhà cung cấp như Viettel, VNPT, FPT Telecom… Mật độ băng rộng cố định của Việt Nam hiện mới chỉ xấp xỉ 16%, cho thấy nhu cầu phát triển hạ tầng băng rộng cố định ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Do đó, rất cần những chính sách hỗ trợ viễn thông kịp thời từ các nhà mạng này như giảm cước, giảm giá gói thuê bao để cùng chung tay hỗ trợ mọi người lúc khó khăn.
Cũng ghi nhận rằng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước, các nhà mạng di động, nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định đã có những đóng góp không nhỏ trong triển khai nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, hỗ trợ các dịch vụ trong y tế…
Hiện nay, mức cước viễn thông hay cước Internet đã được quy định chặt chẽ từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, cùng với chủ trương lớn của Chính phủ về việc chung tay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thì việc tìm chính sách giảm cước viễn thông, Internet cũng không phải là chuyện ngoài tầm với.