Ngày 15-12, ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, địa phương vừa phối hợp với các bên liên quan cùng đại diện Công ty CP Tiên Thuận tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân có ruộng đất bị sạt lở do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận (thủy điện Tiên Thuận) xả lũ gây ra.
Theo đó, phía Công ty CP Tiên Thuận đồng ý bồi thường cho người dân, tổng số tiền bồi thường là 867 triệu đồng. Số hộ dân bị ảnh hưởng nhận được tiền bồi thường là 12 hộ, đều ở thôn Hòa Thuận (xã Tây Thuận).
Ông Nguyễn Văn Tây (51 tuổi, thôn Hòa Thuận) có 500m2 đất canh tác ở cánh đồng tục danh Soi Xum bị sạt lở do thủy điện Tiên Thuận xả lũ, nhận được bồi thường 150 triệu đồng.
Theo ông Tây, tại buổi chi trả tiền bồi thường có đại diện UBND xã Tây Thuận, đại diện Công ty CP Tiên Thuận và 1 đại diện ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp.
“Phía ngân hàng và doanh nghiệp đồng ý bồi thường đất canh tác của chúng tôi sạt lở từ năm 2015 đến nay. Ban đầu, diện tích đất tôi có là 500m2, Từ năm 2015 đến nay, thủy điện xả lũ, cuốn trôi của tôi trên 300m2, diện tích còn lại cũng đang bị sạt lở. Thế nên, tôi yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường toàn bộ diện tích, kể cả đất bị ảnh hưởng đang dần sụt đổ xuống sông”, ông Tây cho biết.
Theo ông Tây, tất cả người dân đều hài lòng với mức đền bù của doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, một số người dân lo lắng vì sợ nhận tiền bồi thường thì mất đất canh tác, sau này tiêu hết tiền lại không có đất, mất sinh kế lâu dài.
Ngoài ra, người dân Hòa Thuận mong muốn doanh nghiệp khai thác thủy điện cần phải có giải pháp hoạt động, vận hành phát điện khoa học và có trách nhiệm hơn để không xảy ra tình trạng sạt lở tương tự, ảnh hưởng đến đất đai, đời sống người dân…
Cùng ngày (15-12), Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng thông tin, bên cạnh việc chi trả bồi thường cho người dân, địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài trong hoạt động, vận hành phát điện đảm bảo không để lặp lại các bất cập. Đặc biệt, đề nghị chủ đầu tư cần phải đầu tư tuyến kè và các giải pháp vận hành trong mưa lũ để bảo vệ diện tích ruộng đất canh tác và đời sống người dân vùng hạ du của thủy điện này…
Về sinh kế của người dân, ông Chín cho hay, rất khó để đảm bảo cho sinh kế và cấp lại đất cho người dân vì Luật Đất đai mới rất khó khăn, không thể bố trí đất canh tác cho các hộ dân được. Người dân chỉ có thể tham gia vào quỹ đất dự phòng và phải thông qua đấu thầu để có đất canh tác.
“Tuy nhiên, tới đây, địa phương sẽ theo dõi, cập nhật thiệt hại cụ thể để có báo cáo trình lên cấp trên xem xét về các nguyện vọng của các hộ dân”, ông Chín nói.
Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh, từ khi đi vào hoạt động vào năm 2014, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận (đóng trên địa bàn thôn Hòa Thuận) mở cửa thoát, không xây kè đi giữa cánh đồng canh tác rau màu có tục danh Soi Xum của người dân thôn Hòa Thuận.
Trong nhiều năm hoạt động, quá trình vận hành phát điện xả nước tạo lũ của thủy điện đã khiến cho cánh đồng Soi Xum bị sạt lở rất nặng nề.
Điều đáng nói, sau khi gây sạt lở, phía Công ty CP Tiên Thuận lại “chây ỳ” trách nhiệm khắc phục, bồi thường khiến các hộ dân rất bức xúc, kéo đến bao vây thủy điện này, gây mất an ninh trật tại địa phương.
Theo một số nguồn tin, hiện tình hình hoạt động, kinh tế của Công ty CP Tiên Thuận đang rất khó khăn. Vì vậy, rất khó để doanh nghiệp này thực hiện lời hứa xây kè kiên cố để bảo vệ đất làng cho người dân ở hạ lưu.
Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với PV Báo SGGP, ông Phạm Đức Quân, Giám đốc Công ty CP Tiên Thuận cũng cam kết, về lâu dài trong thiết kế, đơn vị cũng sẽ xây kè mái và cho duy tu lại Nhà máy thủy điện Tiên Thuận để đảm bảo hoạt động, khắc phục các sự cố vừa qua.
Được biết, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, đến năm 2014 mới đưa vào vận hành 2 tổ máy phát điện, công suất lắp máy trên 10MW, với tổng mức đầu tư 234 tỷ đồng. Đây là 1 dự án thủy điện loại nhỏ nằm trong "cụm thủy điện" nhỏ và vừa ở thượng nguồn sông Côn - dòng sông được Bộ Công thương quy hoạch "gánh" trên mình 14 thủy điện. Nhà máy thủy điện Tiên Thuận hoạt động cầm chừng, phát sinh nhiều bất cập Quá trình hoạt động, thủy điện Tiên Thuận hưởng nước từ dòng chảy sau của nhà máy thủy điện An Khê – Ka Nak, nên rất bị động về nguồn nước và thường xuyên “đói nước”. Những năm qua, mùa hạn kéo dài khốc liệt càng khiến cho tình hình của thủy điện Tiên Thuận khó khăn, hoạt động cầm chừng, gây nhiều tai tiếng... |