Nhà phong cách học đầu ngành

Nhà phong cách học đầu ngành

Phó Giáo sư Cù Đình Tú là một trong những chuyên gia đầu ngành, tên tuổi nổi bật trong giảng dạy, nghiên cứu phong cách học ở nước ta. Gần nửa thế kỷ, thầy gắn bó cùng ngành giáo dục. Từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước đến sau này, thầy thuộc thế hệ đầu đàn của ngành giáo dục Phú Thọ, giáo dục Việt Bắc và của ngành ngôn ngữ học Việt Nam.

Phó Giáo sư Cù Đình Tú và người thân trong lễ trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Phó Giáo sư Cù Đình Tú và người thân trong lễ trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Thầy từng dạy học và làm hiệu trưởng trường cấp 1, 2 tại vùng đất Cao Xá, Phong Châu ở quê hương Phú Thọ trong những năm chống Pháp. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi tu nghiệp ở Liên Xô, thầy dạy học và nghiên cứu, tham gia công tác quản lý tại 3 trường đại học lớn có truyền thống đào tạo giáo viên cho cả nước: làm Trưởng bộ môn Ngôn ngữ Trường Đại học Sư phạm Vinh, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay thuộc Đại học Thái Nguyên), Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Thầy đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, phong học hàm PGS năm 1984, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990.

PGS Cù Đình Tú là nhà sư phạm, nhà khoa học tâm huyết, tài hoa. GS Nguyễn Minh Thuyết kể cho tôi biết: Ngay từ lúc 28 tuổi, thầy Cù Đình Tú đã cùng GS Hoàng Tuệ và một đồng nghiệp trẻ khác viết giáo trình Việt ngữ tập 1, một trong những giáo trình đầu tiên về ngôn ngữ học ở Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sơ tán ở Phú Lương, điều kiện rất khó khăn thiếu thốn, thầy vẫn viết được nhiều công trình. Ngoài một số bài báo được dư luận chú ý, thầy đã công bố Giáo trình Tiếng Việt hiện đại (viết chung), Ngữ âm học hiện đại (viết chung). Đặc biệt, cuốn Tu từ học tiếng Việt hiện đại đã trở thành giáo trình có tiếng vang vào đầu những năm 80, sinh viên các trường đại học rất yêu thích. Khi về công tác tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cuốn sách này đã được thầy phát triển thành chuyên luận Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt. Cuốn sách được Nhà xuất bản Giáo dục tái bản một số lần, có mặt ở cả Thư viện Trường Đại học Michigan (Hoa Kỳ). Công trình hơn 300 trang này đã đưa thầy lên vị trí một trong những chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học Việt Nam.

Giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm, PGS Cù Đình Tú rất quan tâm và đã tham gia tích cực biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập. Thầy đã biên soạn Tiếng Việt lớp 6, Tiếng Việt lớp 7 và cùng đồng nghiệp biên soạn Tiếng Việt lớp 10, Tiếng Việt lớp 11 (Ban Khoa học xã hội), Tiếng Việt lớp 11 (sách chỉnh lý, hợp nhất năm 2000). Ở những cuốn sách này, bạn đọc vẫn thấy một Cù Đình Tú chắc chắn, sắc sảo nhưng giản dị, giàu kinh nghiệm sư phạm trong cách viết sách dùng cho đối tượng ở các nhà trường phổ thông.

Thành công của PGS Cù Đình Tú trong cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu trước hết chính là thành công của sự đam mê nghề nghiệp, sự tìm tòi, tiếp cận nhanh nhạy với các tri thức khoa học hiện đại và thực tế đời sống giáo dục cùng với khả năng thẩm văn tinh tế, sâu sắc. Những lần tới thăm, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi các câu chuyện khó dứt về nghề dạy học, những cuốn sách quý thầy mới tìm được, những tìm tòi thú vị của thầy từ một câu thơ, câu văn, tác phẩm hay tới chương sách thầy mới viết. Trong con mắt của nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp, PGS Cù Đình Tú là người có khả năng thẩm văn tinh và sâu. Thầy đã học được rất nhiều cách thẩm văn của GS Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh, GS Hoàng Tuệ, GS Lê Chí Viễn. Giảng dạy, nghiên cứu về phong cách, thầy luôn hướng tới những đỉnh cao của phong cách văn chương để truyền say mê, cảm hứng cho học trò về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt và văn chương Việt Nam, văn chương thế giới…

Gần 10 năm nay, thầy mắc bệnh hiểm nghèo, phải ngồi trên xe lăn, nhưng mỗi lần học trò và đồng nghiệp tới, mọi người lại gặp một PGS Cù Đình Tú vừa nhiệt tình, hào hứng, sôi nổi, vừa tinh tế, ý vị trong những câu chuyện dạy học và ngôn ngữ Việt Nam. Nhận được tin thầy đã mất, nhiều học trò và đồng nghiệp chúng tôi đều nhớ và thương thầy. Riêng tôi, những kỷ niệm nghĩa tình về thầy Chủ nhiệm khoa Cù Đình Tú, những ấn tượng tốt đẹp về nhà khoa học Cù Đình Tú khó có thể phai mờ.

BÙI MẠNH NHỊ

Tin cùng chuyên mục