Một tuyển tập truyện ngắn mới sáng tác và một tiểu thuyết tái bản sau 20 năm, Nguyễn Mạnh Tuấn, một trong những nhà văn nổi bật của văn đàn Việt Nam suốt 40 năm nay đã xuất hiện lại trong văn đàn đầy ấn tượng.
Có một thời gian dài, ông chủ yếu viết báo, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình và trong lĩnh vực nào Nguyễn Mạnh Tuấn cũng luôn khẳng định ngòi bút mạnh mẽ, không hề mỏi mệt, dù đã bước sang tuổi “thất thập”.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (trái) trong lễ ra mắt tác phẩm Nỗi sợ hãi mầu nhiệm.
“Ranh giới mờ”
Tuyển tập truyện ngắn Nỗi sợ hãi mầu nhiệm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM giới thiệu và tổ chức giao lưu tác giả, tác phẩm. Câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra là tập truyện ngắn này phải chăng là một dạng hồi ký của tác giả. Câu hỏi này không phải là ngẫu nhiên khi rất nhiều chi tiết trong các truyện ngắn có liên quan tới cuộc đời như trong Nỗi sợ hãi mầu nhiệm, nhân vật chính có nhắc đến người cậu là một danh y nổi tiếng và thực tế là nhà văn cũng có người cậu là danh y. Hay trong truyện Hà Nội mến yêu, câu chuyện về những người bạn “xúi dại” đánh nhau để được nhập khẩu Hà Nội đã được chính những người trong cuộc khẳng định là có thật. Trong buổi giao lưu, nhân vật Hạ Đức San trong truyện cũng xuất hiện với tên thật ngoài đời là Hạ Đức Sơn - một người bạn của tác giả. Thậm chí, trong các truyện, nhân vật chính cũng lấy tên là Tuấn. Chính vì những yếu tố đó, nhiều bạn đọc đã cho rằng Nỗi sợ hãi mầu nhiệm như một dạng hồi ký của nhà văn, được viết ngắn để chuẩn bị cho tác phẩm hồi ký trọn vẹn sau này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương lại không tán đồng ý kiến rằng đây là một dạng hồi ký, mà cho rằng đây là một tác phẩm dạng phi hư cấu, nhà văn đã khéo léo kết hợp giữa tự truyện và văn xuôi hư cấu để chuyển tải tư tưởng của mình. Đây là một hình thức sáng tác tạo nên có một ranh giới mờ giữa hư cấu và hồi ký, bạn đọc sẽ bị cuốn theo những chi tiết thật để đến với mục đích thật sự của người sáng tác. Điều này từng xảy ra với tác phẩm Nhà văn về làng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, dù chính tác giả đã khẳng định đó là tiểu thuyết thuần túy nhưng nhiều người vẫn cho rằng tác phẩm có một phần là hồi ký của tác giả.
Còn nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn thì tự nhận xét về tác phẩm mới của mình là “một nửa của sự thật” và khác cách mà nhiều người hay nói rằng “nửa sự thật không phải là sự thật”, với nhà văn thì nửa sự thật hay một mẩu của sự thật đi chăng nữa thì cũng đã đủ để trở thành chìa khóa để mở ra một sự thật trọn vẹn.
Duy trì niềm tin
Đạo diễn Tô Hoàng, một người bạn của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và cũng là độc giả tác phẩm mới nhất của nhà văn, đã nhận xét rằng hiện nay có rất nhiều tác phẩm viết về cái thời mà Nguyễn Mạnh Tuấn đã sống và kể lại trong tập truyện ngắn của mình. Thế nhưng, chẳng có mấy ai có cách kể chuyện như của nhà văn. Có người thì tô hồng, ca tụng, lại có người thì hằn học, cay đắng… Riêng Nguyễn Mạnh Tuấn trong Nỗi sợ hãi mầu nhiệm lại có cách kể chuyện khác hẳn, ông không che giấu những bất công, cay đắng, tiêu cực của một thời nhưng xuyên qua câu truyện của mình, ông lại giúp bạn đọc thấy những điều tốt đẹp, những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Như trong truyện ngắn lấy làm tên tập truyện, sau một trận bom, chui ra khỏi hầm, nhân vật chính sửng sốt vì chiếc xe đạp (một tài sản quý giá thời đó) đã biến mất. Tức tối, giận dữ rồi đau khổ chấp nhận sự thật, nhân vật đành bỏ đi thì bất ngờ thấy một bác trung niên hộc tốc đạp xe đến hỏi xe đạp của ai đây. Thì ra, bác và con đi cùng một xe, sau trận bom trong lúc chưa tỉnh táo mỗi người nhảy lên một chiếc xe đạp (cùng kiểu) chạy đi, phải một lúc sau mới sực nhớ ra nên quay lại để tìm chủ xe.
Câu chuyện trên cũng chính là một minh họa tư tưởng chính của tác giả về sự tương đồng của thế hệ trẻ ở hai thời đại khác nhau. Theo Nguyễn Mạnh Tuấn, cả hai thế hệ đều có một khó khăn chung là “duy trì niềm tin”. Mỗi thế hệ đều có những vấn đề của nó và với người trẻ, việc vững vàng, tin chính mình có thể vượt qua những khó khăn là điều quan trọng nhất. Và niềm tin lớn nhất của tác giả được đặt ngay trang đầu tiên của tập truyện: “Vô đạo ắt vô luân. Vô luân ắt vô phúc”.
Sống được nhờ sáng tác
Một tác giả sống được nhờ sáng tác có thể hiểu ở hai nghĩa, nghĩa vật chất khi các sáng tác cung cấp đủ vật chất cho cuộc sống của tác giả và nghĩa tinh thần khi tác giả có sáng tác được đón nhận và tên tuổi sống cùng các sáng tác đó.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có thể xem là một trong những tác giả hiếm hoi hiện nay làm được cả hai. Ông cho rằng nghề nhà văn cũng như các nghề khác, nếu chịu làm việc và làm tốt thì ai cũng sống khỏe. Nhà văn lấy ví dụ khi mới viết kịch bản phim truyền hình, ông cũng chỉ được nhận 3 triệu đồng/tập phim như nhiều người khác, sau đó tác phẩm được đón nhận, giá trị sáng tác được nâng cao và đến nay mức trả cho ông đã lên đến 15 - 20 triệu đồng/tập. Đó chính là sự công nhận tài năng và cũng là nỗ lực lao động sáng tác của một tác giả.
Về tinh thần, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn lấy ví dụ một tác phẩm văn chương hiện nay bán được khoảng 10.000 bản tức là khoảng 10.000 bạn đọc tiếp xúc với tác phẩm. Trong khi đó, một kịch bản phim có thể lên đến hàng triệu người xem, biết đến. Vấn đề là nhiều người trong giới sáng tác lại có cái nhìn xem thường với các sáng tác kiểu như thế. Với Nguyễn Mạnh Tuấn thì đó là cách nhìn ấu trĩ vì sáng tác chỉ có hay hoặc dở, nếu hay thì dù là sáng tác trong lĩnh vực nào thì những sáng tác đó đều có vai trò và giá trị đối với cuộc sống như nhau.
TƯỜNG VY