Nhà văn Trần Thanh Giao: Người chăm chỉ tìm ngọc

Nhà văn Trần Thanh Giao: Người chăm chỉ tìm ngọc

Chỉ trong vòng hơn một tháng có tới 3 nhà văn lão thành Nam bộ từ giã cõi đời, sau hai ông Trang Thế Hy và Thanh Giang giờ tới lượt ông Trần Thanh Giao. Cả 3 nhà văn đáng quý này đều có công lao đối với sự phát triển của văn học Sài Gòn - TPHCM và cả nước mấy mươi năm qua.

Một lực điền trên cánh đồng chữ

Sáng 19-1, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đang công tác ở Bến Tre nhắn tin cho tôi xác minh thông tin nhà văn Trần Thanh Giao đã mất. Tôi biết anh cũng bất ngờ như tôi cùng những đồng nghiệp khác trước sự ra đi đột ngột của bậc lão thành. Mới cách đây gần hai tuần, tôi còn gọi điện hỏi thăm ông, luận bàn sôi nổi về chuyện văn chương. Ông bảo sức khỏe có vấn đề nhưng chưa đến nỗi nào, vẫn sinh hoạt bình thường và hàng ngày vẫn viết.

Nhớ bốn tháng trước, ông cùng đoàn của Hội Nhà văn TPHCM đi thực tế sáng tác ở Phan Thiết, leo lên tận đỉnh Hải đăng Kê Gà và không vắng mặt bất cứ sinh hoạt nào của đoàn. Ông luôn đúng giờ và kêu gọi các nhà văn phải “đúng giờ, đúng giờ, đúng giờ” để tôn trọng người khác. Nhìn ông rất cứng cáp, nhanh nhẹn và đầy hứng khởi.

Hiếm có nhà văn đã ở tuổi bát tuần mà vẫn không ngừng đi và viết đều như Trần Thanh Giao. Càng lớn tuổi ông càng viết hay, viết sắc sảo hơn. Vào đầu năm 2015, với tác phẩm Chui qua đáy sông Sài Gòn, ông đã đoạt giải nhất Cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên” do Báo SGGP và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Đây là lần thứ hai ông đoạt giải thưởng của Báo SGGP, lần thứ nhất là vào năm 1985 cũng trong một cuộc thi bút ký với tác phẩm Đường xe xuyên rừng Sác. Có lẽ ông là cây bút chuyên nghiệp cao tuổi nhất đoạt giải cao nhất của một cuộc thi văn học và báo chí gần đây. Đó là chưa kể một năm trước ông cũng đoạt giải khuyến khích Cuộc vận động Sáng tác văn bia truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.

Nói tới nhà văn Trần Thanh Giao, tôi hay nghĩ đến hình ảnh người lực điền trên cánh đồng chữ, người âm thầm đi tìm ngọc để dâng hiến cho đời, nhưng không phải lúc nào cũng được bội thu và tìm được của quý. Ông không thuộc hàng xuất sắc nhất của thế hệ mình, nhưng ông là cây bút thuộc hàng chuyên nghiệp nhất. Ông không phải thuộc loại ngôi sao sáng nhất, nhưng ông cũng là hành tinh lặng lẽ có cách tồn tại riêng mình bằng hành trình bền bỉ, nghiêm cẩn và đầy tâm huyết trong từng câu văn, con chữ. Đặc biệt, ông luôn quan tâm truyền lửa văn chương đến những bạn trẻ mới vào nghề.

Nhà văn Trần Thanh Giao nhận giải nhất cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên” của Báo SGGP

Gần 60 năm sáng tác, nhà văn Trần Thanh Giao đã xuất bản gần 20 tác phẩm nhiều thể loại, tiêu biểu như các tập truyện ngắn Dòng sữa, Đi tìm ngọc, Giữa hai làn nước hoặc các tiểu thuyết Đất mới vỡ, Cầu sáng, Một thời dang dở và tập nghiên cứu, khảo luận Văn học TPHCM 1975 - 2005. Nhà văn Trần Thanh Giao đã hợp cùng những đồng nghiệp gốc miệt vườn Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Anh Đức, Viễn Phương, Bảo Định Giang, Mai Văn Tạo, Kiên Giang, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Thanh Giang, Võ Trần Nhã… đã làm giàu có thêm văn học Nam bộ thế kỷ 20. 

Một tình yêu đau đáu với văn chương

Trong những lần trò chuyện, nhà văn Trần Thanh Giao hay nói rằng cuộc đời ông là những chuyến đi không ngừng. Lúc còn học ở Cần Thơ, ông đã liên tục đi về giữa Cần Thơ - Mỹ Tho - Sài Gòn để vận động phong trào đấu tranh học sinh yêu nước. Khi vào bưng biền kháng chiến chống Pháp làm Báo Độc Lập, rồi tập kết ra Bắc lần lượt làm các Báo Nhân Dân, Thống Nhất và sau đó là Giải Phóng, ông cũng liên tục xê dịch, vì nghề báo là nghề… đi. Nhờ đó mà ông rèn luyện được sức khỏe, đôi chân thêm dẻo dai, làm việc không biết mệt mỏi. Và chính nghề báo giúp ích rất nhiều cho sáng tác văn học của ông.

Như nhiều cây bút khác, Trần Thanh Giao khởi đầu làm thơ, viết phóng sự từ thời còn học sinh. Đến khi ra Bắc, ông mới viết truyện, với truyện ngắn đầu tay là Thăm nhà được đăng trên Báo Thống Nhất năm 1958, nhưng truyện Câu chuyện một chiều thứ bảy được giải thưởng mới thực sự là “tấm giấy thông hành” cho ông bước vào làng văn.

Nhìn lại một thời kỳ văn học đã qua, nhà văn Trần Thanh Giao cũng trăn trở: “Theo tôi, thế kỷ 20 vừa qua đã xuất hiện nhiều nhà văn Việt Nam có tài năng lớn, nhưng do hạn chế từ quy định cảm thụ thẩm mỹ của thời đại, do hoàn cảnh khó khăn của đất nước, nhà văn không được tự do phát huy hết khả năng của mình. Một thời, chúng tôi viết cái gì cũng phải rào trước đón sau, suy suyển một chút là bị phê phán ngay”. Từ năm 1986, đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, nhà văn được “cởi trói”, nhưng cũng chưa xuất hiện nhiều tác phẩm hay và điều này cũng được ông lý giải: “Hiện nay, tôi lại thấy nhà văn có ba thứ ràng buộc. Đầu tiên là sự chi phối của kinh tế thị trường. Thứ hai, vẫn còn sự ngộ nhận tính dân tộc trong cảm xúc thẩm mỹ. Chẳng hạn, anh nào viết về nông dân hay những vấn đề xã hội, nhân tình thế thái, thường được chú ý. Trong khi, những anh nào hướng đến cảm xúc thẩm mỹ lớn, có tính dự báo, lại không được để ý lắm. Cuối cùng, sau thời mở cửa, anh nào mạnh viết đập phá cái cũ thì cũng được khen. Do đó, khó mà có được tác phẩm để đời. Đây cũng là bài học để các nhà văn trẻ tự vượt qua”.

Kinh nghiệm sống và viết ấy của nhà văn Trần Thanh Giao đáng cho thế hệ sau suy ngẫm. Cả một đời say mê, chăm chỉ, tâm huyết với văn chương, sự ra đi đột ngột của ông để lại niềm thương tiếc cho mọi người, nhất là những bạn văn trẻ từng được ông chăm lo, bồi đắp.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục