Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Điện Biên Phủ luôn là cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Chính thức ra mắt phục vụ công chúng từ năm 2022, bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên là một trong những điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách khi đến với Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên. Song ít người biết rằng, bản nhạc nền của bức tranh này là tác phẩm sáng tạo của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

PHÓNG VIÊN: Cơ duyên nào đã đưa ông đến với bức tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên - bức tranh tròn lớn duy nhất tại Việt Nam?

Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN: Tranh tròn toàn cảnh là một thể loại tranh hiếm gặp trên thế giới. Tận mắt tôi mới được chứng kiến 2 tác phẩm và bức tranh tại Điện Biên Phủ là bức thứ 3. Một trong số đó là bức toàn cảnh Trận chiến Borodino nổi tiếng của F.Roubaud hiện được trưng bày tại bảo tàng về trận đánh Borodino ở Moscow (Liên bang Nga). Tác phẩm được xem là biểu tượng tinh thần yêu nước của người dân Nga, được vẽ bởi các họa sĩ tài năng của Nga. Các nét vẽ sử dụng kỹ thuật thể hiện cổ điển, có chút lạnh lùng, bởi vậy người đến tham quan, chiêm ngưỡng chủ yếu là tập thưởng thức nghệ thuật hội họa.

Bức tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên lấy cảm hứng từ các tác phẩm trên, nhưng lại rất khác bởi người sáng tạo không chỉ tái hiện chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn chuyển tải rất nhiều cảm xúc đến cho người xem. Nhận lời mời của người đứng đầu dự án hội họa đặc biệt này, tôi và nhạc sĩ Đức Trịnh đã đến quan sát quá trình thực hiện tác phẩm. Ngay lúc đó, tôi và anh Trịnh đã cùng bắt tay vào tìm mô-típ, chọn các tác phẩm âm nhạc để có thể tạo nên không khí chan hòa nhạc - họa.

Ban đầu chúng tôi dự tính khách tham quan sẽ mất trung bình khoảng 30 phút để xem hết toàn bộ tác phẩm. Do đó, chúng tôi đã soạn bản nhạc dài cũng đúng 30 phút. Tuy nhiên, đến khi ghép với thực tế, chúng tôi phát hiện ra không cần thiết phải dài như vậy vì người xem là liên tiếp, không vào ra đồng loạt, nên nếu dài quá thì sẽ có nhiều người chỉ có thể nghe một phần. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định rút xuống còn 16 phút.

Việc lựa chọn tác phẩm âm nhạc để cùng hòa trộn giai điệu trong một tác phẩm lớn có khó khăn không, khi có quá nhiều nhạc phẩm xuất sắc về Điện Biên?

Đúng là có rất nhiều nhạc phẩm hay viết về Điện Biên như Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân, Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thành và đặc biệt là chùm 3 ca khúc Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, và Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận…, nhưng chúng tôi chỉ lựa chọn và sử dụng một vài câu trong những nhạc phẩm đó. Trong 16 phút đó, chúng ta chỉ nghe thấy 1, 2 câu hát, còn tất cả biến thành nhạc không lời.

Chính nhạc không lời mới chuyển tải được và ăn khớp, hỗ trợ hình ảnh. Chúng tôi đã xác định từ đầu, âm nhạc đóng vai trò như phông nền, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người vào bức tranh, nên nếu sử dụng lời hát thì sẽ phân tán sự chú ý của người xem đối với tác phẩm hội họa. Chính vì thế, khi xem tranh, du khách còn được đắm mình trong âm hưởng dân ca Tây Bắc và giai điệu của các ca khúc nổi tiếng ra đời trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh, âm nhạc và lời thuyết minh hòa quyện với nhau, mang đến nhiều cảm xúc, đưa người xem về ký ức vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Đây không chỉ là bức tranh tròn đầu tiên ở Việt Nam mà còn là tác phẩm lớn có sự kết hợp giữa hội họa và âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam.

Đối với tôi, tác phẩm âm nhạc viết cho bức tranh tròn Chiến thắng Điện Biên được coi như một bản giao hưởng nhiều chương và tôi cũng mất khoảng 6 tháng để viết, trên cơ sở những tác phẩm đã chọn lựa trước đó. Công việc khá khó khăn, đòi hỏi tập trung cảm xúc, chuyên môn cao. Tác phẩm này cũng mất thêm 3 tháng để dàn nhạc dàn dựng hoàn chỉnh.

Nhạc sĩ có áp lực không khi sáng tạo một tác phẩm mới trên nền của các cây đại thụ?

Có một nguyên tắc đối với người sáng tạo, đó là trước giấy, nhạc, đàn thì mọi người sáng tạo đều bình đẳng như nhau. Trong môi trường sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật thì thay vì phải ngó trước, nhìn sau, cái anh phải đối diện chính là bản thân. Anh viết như thế nào là do anh, của anh và không được dẫm chân vào lối của người khác đã đi để bắt chước. Như vậy không phải là sáng tạo nữa. Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật. Tôi bắt tay vào thực hiện tác phẩm này với sự hào hứng, sự dâng trào của cảm xúc chứ không băn khoăn lo lắng. Tôi đã lên Điện Biên nhiều lần và gắn bó máu thịt với mảnh đất này sau nhiều chuyến thực tế sáng tác, đào tạo nghệ thuật cho địa phương. Điện Biên đi lại khá vất vả, xa xôi, nhưng tôi lại gắn bó hơn nhiều địa phương khác.

Sau 8 năm công diễn nhạc kịch Lá đỏ - tác phẩm được ví như khúc tráng ca về một thời hoa lửa, vở nhạc kịch Vầng trăng Him Lam viết về chiến dịch Điện Biên Phủ của nhạc sĩ liệu có kịp ra mắt công chúng trong dịp đặc biệt này?

Tôi hoàn thành sáng tác nhạc kịch Vầng trăng Him Lam đầu năm 2024 và mong vở diễn ra mắt kịp thời, có thể biểu diễn ngay giữa chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Nhưng bởi đây là tác phẩm viết để hưởng ứng và tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian giai đoạn 2022-2025, nên còn phải qua những quy trình nghiệm thu mới có thể đưa vào dàn dựng và biểu diễn. Tôi cũng từng xin ban tổ chức có thể linh động để chúng tôi có thể tự tìm nguồn dàn dựng vở diễn, nhưng tiếc là đã không thực hiện được vào dịp đặc biệt này.

Bức tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên được đánh giá là một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh. Bức tranh được chia thành bốn trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, Chiến thắng. Tổng thể tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động bằng tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh rộng hơn 3.000m2, vẽ bằng chất liệu sơn dầu theo một vòng tròn trong không gian 360 độ (dạng tranh panorama) với chiều cao 20,5m, dài 132m, đường kính 42m, kết hợp thêm cả nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật. Tranh tái hiện 4.500 nhân vật, tuyến thời gian kéo dài suốt 55 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954). Để thực hiện bức tranh, gần 100 họa sĩ đã phải làm việc liên tục trong khoảng 9 năm. Năm 2022, bức tranh đã nhận giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục