
Hầu hết người yêu nhạc đều biết đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập (hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nhạc sĩ VN, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Âm nhạc TPHCM - ảnh) qua những sáng tác ông viết từ thời thanh niên nồng nàn tình cảm chân phương, nhiệt huyết với tình yêu quê hương, đất nước.
Sức sống tươi trẻ ấy đã gắn liền với phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, góp phần hun đúc, nuôi dưỡng bao tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc của những người con đất Việt. Đến nay, dẫu đã bước qua tuổi 70, nhưng ở ông, tinh thần lạc quan trẻ trung ấy dường như cứ vậy, chẳng hề mất đi. Lửa nghề vẫn luôn đầy ắp tâm hồn, ông mải miết tìm kiếm và khéo góp nhặt những xúc cảm, lúc tươi tắn, khi trầm lắng sâu nặng ân tình cuộc sống, để gửi vào bao tác phẩm tặng đời, tặng người.

Nhắc đến tên ông, khán giả sẽ nhớ ngay những sáng tác thời học sinh, sinh viên cả nước cùng kề vai sát cánh, kiên quyết tranh đấu, chống áp bức: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng... hay những ca khúc đong đầy cảm xúc trai trẻ Tình yêu mãi mãi, Mưa thì thầm, Tình ca mùa xuân, Trị An âm vang mùa xuân, Oẳn tù tì… Đến những năm gần đây, các tác phẩm của ông ra đời luôn gắn liền với bao sự kiện của đất nước, của thành phố như: Cảm xúc trên Bến Nhà Rồng (sáng tác nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước), Quân đoàn 4 anh hùng (kết quả từ chuyến đi thực tế sáng tác về Quân đoàn 4), Mùa xuân mới (viết về nông thôn mới), Câu chuyện lửa (ca khúc tuyên truyền phòng cháy chữa cháy), Đồng dao đèn đỏ đèn xanh (một sáng tác cổ động an toàn giao thông dành cho các cháu thiếu nhi)…
Trong hầu hết các tác phẩm, tình cảm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống, luôn được ông thể hiện thật nhẹ nhàng, giản dị, tươi trẻ, nhiều ý nghĩa. Giá trị đạt được ấy có xuất phát từ cái tâm thanh tao, từ cuộc sống đời thường bình dị và thói quen sinh hoạt thường nhật giản đơn nhưng cũng đầy thi vị của ông: sáng thức dậy nghe nhạc, rồi đi làm, trưa nghỉ ngơi, buổi tối dành cả cho âm nhạc với hàng loạt công việc nghiên cứu, nghe những tác phẩm mới, thưởng thức các tác phẩm quốc tế, đọc báo và xem tin tức trên truyền hình, cập nhật những vấn đề thời sự… Có lẽ vì thế mà hầu hết bạn bè, đồng nghiệp, người thân, các nhạc sĩ trẻ khi tiếp xúc với ông đều bày tỏ sự trân trọng, quý mến người nhạc sĩ hiền lành, ít nói, có cái nhìn sâu, rộng về cuộc sống, lịch sử, văn thơ, đặc biệt là sự quan tâm lớn đối với sự phát triển âm nhạc nước nhà.
Tâm tư nhiều trăn trở với nghề, ông đã chia sẻ nỗi niềm dành riêng cho các nhạc sĩ trẻ: “Nhạc sĩ trẻ hiện nay chiếm hữu nhiều ưu thế, được trang bị tốt về chuyên môn kỹ thuật, đa phần tốt nghiệp nhạc viện. Tuy nhiên, vì đa số họ đi vào thị trường sáng tác một cách không có định hướng, thiếu sự tìm tòi, sáng tạo, một số lại chỉ biết khai thác âm nhạc trên internet, trên băng đĩa rồi mô phỏng theo, sao chép không sàng lọc và việc chạy theo sự nhanh nổi tiếng, vì thu nhập đã khiến họ viết không có chiều sâu, không có bản sắc riêng… đã gây nên một lỗ hổng lớn trong hoạt động phát triển âm nhạc trong thời gian qua. Tôi nghĩ, các bạn nên có những trăn trở và nỗ lực lao động sáng tác hơn nữa, phải nhận thức đúng, biết tìm tòi ngôn ngữ và thay đổi bút pháp, đặc biệt các tác phẩm phải mang hơi thở thời đại, bám vào cuộc sống và khai thác chất liệu từ cuộc sống - nhất là các chất liệu dân gian vốn có của dân tộc, để tạo phong cách, bản sắc riêng. Mặc khác, nhạc sĩ trẻ nên tích cực thâm nhập cuộc sống thực tế để tích lũy kiến thức, mở rộng quan điểm, góc nhìn mới, tiếp cận những đề tài nóng bỏng để kích thích sức sáng tạo, đó cũng là phương thức tìm kiếm, thu thập những xúc cảm cần thiết cho các sáng tác. Nhạc sĩ trẻ phải đi để trưởng thành”.
Với trái tim nghệ sĩ luôn nhạy cảm với những biến đổi của thời cuộc, nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn mong mỏi các tác phẩm âm nhạc ra đời từ trong lịch sử - kho tàng âm nhạc của quốc gia, sẽ được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, có chủ trương và cấp kinh phí để tiếp tục phổ biến quảng bá dưới nhiều hình thức những tác phẩm kinh điển và cả những tác phẩm gắn với sự phát triển của đất nước được sáng tác trong thời gian qua. Vì theo ông: “Muốn tạo nên không khí sáng tạo mới, một nền âm nhạc mới và để lấn át đi, giành giựt lại thị trường âm nhạc thời gian qua có sự phát triển lệch hướng thì chúng ta phải phổ biến, quảng bá những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Chúng ta phải xây dựng tốt các hoạt động quảng bá tuyên truyền tác phẩm nghệ thuật giá trị để chống lại những sản phẩm âm nhạc không làm mạnh, kém văn hóa. Một khi có sự đầu tư chu đáo, cụ thể, với những chương trình được dàn dựng chất lượng cao, thì các nhạc sĩ sẽ có niềm tin, sự hào hứng sáng tác, tác phẩm – đứa con tinh thần có nhiều cơ hội tiếp cận với công chúng, giúp các tác phẩm phát huy giá trị và không bị mai một, đồng thời cũng là cách định hướng văn hóa giải trí, sự thưởng thức âm nhạc của công chúng”.
THÚY BÌNH