Nhạc sĩ Trần Tiến: Mong những trái tim bình yên sau chiến tranh

Những ngày cuối tháng 4-2023, giữa bao bộn bề chuẩn bị cho đêm nhạc đặc biệt Live concert Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt cùng những cơn đau dai dẳng vì bệnh tật, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn nhận lời chia sẻ cùng độc giả Báo SGGP về một dòng chảy từ quá khứ khói lửa đến hiện tại đượm màu hiện sinh.

Là lửa thì phải cháy…

* PHÓNG VIÊN: Đâu là động lực để thế hệ ông từng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, dù giữa thời đạn bom?

- Nhạc sĩ TRẦN TIẾN: Động lực duy nhất là đòi lại tự do cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Thế hệ tôi ngày ấy chỉ biết có vậy, không biết gì hơn thế. Riêng ở lĩnh vực âm nhạc, tôi thường quan tâm đến những con đường không còn tiếng súng, đến những con người không còn áo lính và mong những trái tim bình yên sau chiến tranh.

Nhạc sĩ Trần Tiến
Nhạc sĩ Trần Tiến

* Đêm nhạc đặc biệt Live concert Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt có 3 phần, ứng với từng chặng đường hoạt động âm nhạc của ông. Đặc biệt, trong phần 1 mang tên Guitar, là câu chuyện về người lính và phận người trong chiến tranh. Nhắc về thời ấy, ông nhớ nhất điều gì?

- Nhiều khi, tôi vẫn giật mình bởi tưởng như nghe tiếng bom đâu đó. Trong những chuyến đi trước đây của tôi, một người bạn vẫn thấy tôi vào rừng mắc võng nằm khóc một mình. Vì tôi nhớ Trường Sơn, nhớ đồng đội... Những điều đeo đẳng trong ký ức và nhớ nhất, tôi đã viết ra trong các bài hát về chủ đề này. Ngoài âm nhạc, không còn gì để kể quá nhiều nữa…

* “Đứng dậy, đứng dậy thôi/ Bao nhiêu năm qua ta không gục ngã/… Cái chết bên ta tựa lông hồng…/ Đứng dậy, hãy vượt qua số phận/ Trái tim còn yêu”. Điều gì giúp ông vượt qua được bạo bệnh mấy năm nay, để không chết sau 30 lần trải qua xạ trị ung thư vòm họng giai đoạn 4 và sáng tác ca khúc Không gục ngã?

- Sợ chết! Tôi sợ chết nên phải chiến đấu để giành lại sự sống. Ngày xưa, nhà thơ Nga Sergey Esenin có câu nói vĩ đại: “Sống không có gì mới, và chết cũng không có gì mới hơn”. Nhưng tôi nghĩ, nói cho cùng, sự sống vẫn tốt hơn chứ! Tất nhiên phải sống khỏe và vui. Và nhất là sống phải thấy mình hạnh phúc. Nếu sống không hạnh phúc, thì chết chẳng có gì đáng buồn, đáng để nhỏ nước mắt.

* Ông từng chia sẻ, bản thân chỉ đóng góp 20% tài năng, còn lại trời cho. Trời cho ông 2 lần suýt chết để viết 2 ca khúc khiến mình kiên cường; cho ông đi chiến trường, cho ông những tháng năm tuổi trẻ vất vả để thấm hiểu cuộc đời… Ông thấy đời cho mình điều gì quý giá? Với ông, sự tổng kết đáng giá nhất về âm nhạc của người nhạc sĩ nằm ở đâu?

- Nằm ở trong trái tim người nghe, bạn ạ! Tôi chưa từng có ý định tổng kết đời mình làm gì. Đến tập nhạc tôi còn chưa in, album còn chưa làm…

Tôi như gã cao bồi còn rong ruổi trên lưng ngựa, gã du ca còn lang thang với cây đàn cho đến ngày không đi nổi nữa thì bay về cõi mây trắng. Chẳng nên quay lại ngó mình là ai, đã làm gì. Có cần thiết thế không? Là mưa thì phải rơi, là gió thì phải thổi, là lửa thì phải cháy, là chim thì phải hót… Có gì mà phải tổng kết. Hãy sống những cuộc sống mở, đừng vội đóng lại làm chi.

Kẻ phiêu bạt đi qua nửa thế kỷ

* Đêm nhạc sẽ diễn ra vào ngày 13-5 tới trong không gian hoành tráng của Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) dù trước đó ông từng nhận mình là “kẻ du ca”. Khán giả sẽ nghe, nhìn thấy gì ở một “kẻ du ca” 76 tuổi?

- Tôi đã đi hát cả đời mình trong và sau chiến tranh. Cũng đôi khi, tôi hát chung trong một vài chương trình bán vé. Tuy nhiên, tôi chủ yếu hát từ thiện lấy tiền nuôi trẻ mồ côi học nhạc trong Trường nhạc “Mặt trời nhỏ” do tôi tự mở trong 7 năm, từ năm 1991 đến năm 1998.

Tôi không thuộc về showbiz, cũng không tự nhận mình là ai cả. Những cái tên mỹ miều là do khán giả và giới truyền thông gán cho. Tôi chỉ tự nhận mình là kẻ phiêu bạt, giang hồ đã đi qua nửa thế kỷ. Vậy thôi!

* Những năm tháng dài nằm viện điều trị bệnh, câu chuyện nào của các bệnh nhân xung quanh từng gặp khiến ông xúc động?

- Tôi nhớ, có những ngày ở bệnh viện, tôi đi theo sau một thanh niên. Cậu ấy và tôi bắn tia thứ 14 rồi đến tia thứ 15 thì tôi không thấy bóng dáng cậu ấy nữa. Tôi hỏi bác sĩ mới biết cậu ấy mất rồi vì không chịu nổi tia thứ 15. Tôi cũng đã gần như ngã gục khi bắn đến tia thứ 30. Trong những giây phút khó khăn để gượng dậy đó tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, lời bài hát Không gục ngã vang lên trong đầu tôi. Tôi viết ra để động viên bản thân và sau đó hát tặng mọi người.

* Từng hơn 2 lần đối mặt “án tử” trước bệnh tật, ông chiêm nghiệm như thế nào về sự sống - cái chết, coi trọng điều gì ở hiện tại?

- Tôi có nói điều này trong bài hát mới của tôi, tựa đề Còn có một ngày. Có thể gọi, đó là chiêm nghiệm của tôi: Hãy yêu hết mình, yêu đến thành dại khờ/ Hãy đi đến cùng, con đường chúng ta mơ/ Hãy cháy hết mình, cùng thế giới rộng dài/ Hãy sống dường như, còn có một ngày/ Còn có một ngày, vội về ôm lấy/ Cha mẹ nhớ thương ta, bạn bè ấu thơ xưa/ Còn có một ngày, tìm người xa vắng/ Cuống quýt nói điều, còn giấu sâu trong tim/ Hãy chơi hết mình, vui dưới bầu trời này/ Hãy đi đến cùng đau buồn, đắng cay kia/ Hãy cháy hết mình, cùng thế giới rộng dài/ Hãy sống dường như, còn có một ngày/ Còn có một ngày,/ Thời gian như cuốn phim vội vã quay nhanh/ Còn có một ngày, nhìn trời mây trắng,/ Quý giá vô cùng, từng phút giây trôi qua/Hãy sống dường như, còn có một ngày…

* Gần đây, nhiều dự án kết hợp giữa các thế hệ nghệ sĩ được ra mắt. Trong đó, ông có kết hợp cùng ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh trong dự án Storii-Tellers, cùng ca sĩ Đen Vâu với Đi trong mùa hè. Ông kết hợp với họ vì điều gì?

- Tôi chỉ là một trong số những người lính còn lại sau chiến tranh. Xa lạ với giới làm nghệ thuật để kiếm view (lượt xem), kiếm tiền, kiếm sự nổi tiếng. Tôi không chủ động kết hợp với ai và định làm dự án gì. Tôi đã quá già để làm việc đó. Các bạn trẻ đến mời tôi nói chuyện và hát chung thì tôi hát. Giúp được ai điều gì là tôi làm.

Cũng như những con chim sẻ ngoài trời cứ thích chui vào nhà kính của chung cư tôi, rồi không biết làm cách nào thoát. Tôi đi tập chạy, thấy vậy, cố cứu chúng ra ngoài trời cho khỏi chết đói. Những con chim bé bỏng không nhờ tôi và tôi cũng không định học gì từ chúng.

Chia sẻ cùng độc giả Báo SGGP về những tháng năm đã và đang trôi qua, nhạc sĩ Trần Tiến gửi vào bài hát Phiêu bạt:

Tìm tự do cánh chim ngang trời/ tìm lẽ sống dấn thân trên đời/ tìm hạnh phúc hiếm hoi giữa nơi trần gian/ một tay súng chiến binh ngang tàng/ một nghệ sĩ trái tim dịu dàng/ ngọn lửa ấm cháy trong hai người: tình yêu/ mai này, kiếp nhân sinh gọi/ buồn hay vui cũng một cõi đời/ về với chân trời mây trắng/ cao bồi súng buông trên đồi/ chàng du ca hát lời giã từ/ cả hai bay vào hư vô…

Tin cùng chuyên mục