Nhận biết cấu trúc của sao Hỏa

Các nhà khoa học quốc tế cho biết họ đã có đủ dữ liệu để mô tả cấu trúc bên trong của sao Hỏa. Dữ liệu thu thập từ tàu vũ trụ InSight của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại các trận động đất trên hành tinh này từ đầu năm 2019.
Cấu trúc bên trong sao Hỏa vừa được các nhà khoa học mô phỏng
Cấu trúc bên trong sao Hỏa vừa được các nhà khoa học mô phỏng

Qua đó, các nhà khoa học tiết lộ độ dày trung bình của lớp vỏ sao Hỏa là từ 24-72km, hơi mỏng hơn so với ước tính. Con số này cao hơn so với độ dày của vỏ Trái đất, trung bình từ 15-20 km. Nhưng phát hiện quan trọng là kích thước của lõi hành tinh này với bán kính 1.830 km, cao hơn nhiều so với các ước tính trước đây. 

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học lập bản đồ trực tiếp các lớp bên trong của sao Hỏa. Điều này cũng đã được thực hiện tương tự với Mặt trăng, nhưng sao Hỏa có tổng bán kính 3.390km, lớn hơn nhiều so với Mặt trăng và ở xa hơn nên việc nghiên cứu phức tạp hơn. Thông tin này cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh khác nhau.

Hệ thống đo địa chấn của tàu thăm dò InSight đã ghi lại hàng trăm chấn động trên sao Hỏa trong hai năm qua có các đặc tính phù hợp để đưa ra hình ảnh bên trong sao Hỏa. Giáo sư Tom Pike từ Đại học Hoàng gia London, Vương quốc Anh, một trong những nhà nghiên cứu hệ thống đo địa chấn của InSight, cho biết lần đầu tiên họ có thể nhìn vào bên trong một hành tinh khác bằng địa chấn học. 

Tin cùng chuyên mục