Nhân nghĩa Đồng Ông Cộ

Nhân nghĩa Đồng Ông Cộ

Tôi trở lại Đồng Ông Cộ, nay thuộc phường 12, quận Bình Thạnh (TPHCM) vào những ngày giữa tháng 11, khi cả nước long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để tìm lại những người quen thuở nào.

1- Đó là những người mà cũng vào những ngày tháng 11 của năm 1968, đã dũng cảm, mưu trí treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giữa Đồng Ông Cộ và dốc cầu Long Vân Tự. Lá cờ cách mạng phấp phới tung bay làm nức lòng người dân vùng Gia Định. Lúc bấy giờ Đồng Ông Cộ thuộc xã Bình Hòa, quận Gò Vấp. Dù chỉ cách chợ Bà Chiểu  khoảng 3km, nhưng khu Bà Chiểu phố xá sầm uất, xe cộ dập dìu, còn Đồng Ông Cộ như vùng sâu vùng xa, nhà cửa thưa thớt, đồng không mông quạnh toàn nhà lá, không điện, không nước, đêm về nhà nhà thắp đèn dầu leo lét, buồn đến não lòng. Giờ đây, tôi bâng khuâng đi trên con đường Bùi Đình Túy mà ngày xưa là con đường đất đỏ, độc đạo từ đầu xóm đến cuối xóm, đêm về tối thui, chỉ có tiếng chó sủa và ếch nhái vang lên như khúc nhạc đồng quê. Những lúc thủy triều lên, nước từ rạch Bà Láng, con rạch uốn quanh khu Đồng Ông Cộ rồi đổ ra sông Sài Gòn, tràn vào ngập lênh láng cả xóm, nhiều nơi sâu quá đầu gối, việc đi lại rất vất vả, đời sống của bà con khó khăn trăm bề. Vậy mà hôm nay, nơi đây đã thành phố thị khang trang, xe cộ ngược xuôi tấp nập, đường sá dọc ngang như bàn cờ, trường học, trạm xá bề thế sừng sững giữa trời cao.

Tôi quẹo sang đường Ngô Đức Kế, bồi hồi dừng chân trước ngôi chùa cổ Tập Thành. Ôi nhớ quá những đêm bên ánh đèn dầu chiếc bóng, tôi lắng nghe tiếng mõ tụng kinh vọng về buồn ảo não. Bên cạnh cổng chùa là cây bồ đề thật lớn, cành lá xanh mướt vươn ra như cánh tay dang rộng che bóng mát rượi... Tôi đứng lặng yên như mặc niệm. Tại cây bồ đề này, vào những ngày đầu chiến dịch Mậu Thân 1968, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay giữa muôn trùng bom rơi đạn nổ. Hàng hàng lớp lớp đoàn quân giải phóng hiên ngang tiến lên dưới lá cờ đã làm nên một mùa xuân Mậu Thân lịch sử.

Thuở ấy, trong xóm Đồng Ông Cộ thân yêu của tôi có ông “Bốn Chột”, vì ông chỉ còn một mắt, nên cả xóm gọi ông như vậy. Một buổi sáng trong tháng 11-1968, khi tôi đi ngang nhà ông “Bốn Chột”, với vẻ mặt nghiêm trọng, ông kêu tôi lại nói: “Nè, bộ có chuyện gì hay sao mà ở xóm trên gần chùa Tập Thành, người ta tụ tập đông nghẹt vậy?”. Tôi liền đến xem, giữa lúc mọi người đang hớn hở cười cười nói nói, đứng vây quanh nhìn lên một cành cây bồ đề cạnh bên cổng chùa Tập Thành, lá cờ nửa xanh nửa đỏ, chính giữa là ngôi sao vàng tung bay dưới ánh nắng ban mai chói lọi. Mọi người truyền tai nhau: “Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ngay sau đó, một trung đội cảnh sát dã chiến từ dinh Tỉnh trưởng Gia Định rầm rập kéo vào giải tán đám đông, tháo lá cờ xuống. Từ đó, đám lính đi tuần, bố ráp nghiêm ngặt. Vùng Đồng Ông Cộ bỗng dưng chẳng khác nào như vùng căn cứ, mật khu cách mạng biệt lập, lúc nào cũng có những đôi mắt cú vọ rình rập. Vậy mà sau đó không bao lâu, cũng vào một buổi sáng tinh mơ, trên một nhánh dừa nước trước cổng chùa Long Vân, cách đường Bạch Đằng chừng 200m, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại tung bay giữa trời cao lồng lộng. Bà con vùng Đồng Ông Cộ và khu Long Vân Tự kéo đến xem đông nghẹt.

Cây bồ đề trước chùa Tập Thành, nơi treo lá cờ mặt trận vào năm 1968. Ảnh: KHA ĐIỀN

2-  Tôi tìm đến ngôi nhà số 62 Ngô Đức Kế gần bên chùa Tập Thành, nơi đặt Trạm Quân y và đài quan sát của mặt trận Đồng Ông Cộ năm 1968. Trong nhà này từng có hầm bí mật che giấu các cán bộ hoạt động nội thành. Chủ nhà hiện nay là chị Nguyễn Thị Cúc vui vẻ mời tôi vào nhà. Ngôi nhà tuy đã xuống cấp, nhưng chủ nhà vẫn còn giữ lại hai nơi ẩn trú xây phía trên cửa sổ, sát với trần nhà. Mới nhìn vào chỗ này giống như một ngăn tủ để chứa vật dụng trong gia đình. Tôi ngạc nhiên vì không nghĩ đó là hầm bí mật, vì cứ nghĩ hầm bí mật phải xây dưới lòng đất, ai ngờ lại được xây trên cao. Chị Cúc cho biết: “Hơn 50 năm trước, căn nhà này do ba chồng tôi xây dựng, ngay từ đầu đã thiết kế ngăn hầm bí mật này rồi. Từ đó, có nhiều cán bộ về ẩn nấp, trong đó nhiều lãnh đạo cấp cao. Ba chồng tôi tên Nguyễn Thanh Giảng, cán bộ của Ban Trí vận, hoạt động nội thành. Sau năm 1968, ba chồng tôi bị bắt vì ngôi nhà này là đài quan sát và trạm quân y, chăm sóc cho các thương bệnh binh tại mặt trận Đồng Ông Cộ. Ông nhất quyết không khai báo nên bị tra khảo cho đến chết…”.

Tôi ngồi lặng yên nghe chị rưng rưng kể về một tấm gương thầm lặng mà anh hùng. Một tinh thần kiên trung bất khuất một thời ở Đồng Ông Cộ. Tôi chợt nhớ tiếng rao của bà bán hột vịt lộn vào năm Mậu Thân khốc liệt. Tiếng rao vang lên giữa trời đêm thanh vắng, đầu trên xóm dưới đều nghe. Tiếng rao của bà trở thành “nốt nhạc” đặc trưng của xóm Đồng Ông Cộ lúc nửa đêm về sáng. Đặc biệt bà bán hột vịt lộn thường đi bán với hai người con, cô con gái chừng 15 tuổi và cậu con trai chừng 13 tuổi. 

Sau ngày giải phóng, ông “Bốn Chột” làm Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, quận Bình Thạnh với tên Phi Hổ, ông chính là người treo lá cờ mặt trận giữa Đồng Ông Cộ. Ông Bốn còn cho tôi biết, bà bán hột vịt lộn là người của Ban Trí vận, hoạt động bí mật. Người con trai theo bà đi bán hột vịt lộn, trong một lần mang tài liệu mật bị cảnh sát truy lùng, anh lội qua rạch Bà Láng và bị nước cuốn trôi.

3- Lần này trở lại Đồng Ông Cộ tôi không gặp ai là người quen cũ, nhưng được nghe nhiều chuyện của người mới, ở vùng đất một thời hào hùng anh dũng. Ông Nguyễn Văn Lượm, Bí thư Chi bộ khu phố 3 phường 12, quận Bình Thạnh, người đã 35 lần hiến máu, tâm sự: “Khi phường vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó có việc “mỗi người là một địa chỉ nhân đạo”, mọi người náo nức tham gia. Người tặng học bổng, xe đạp, tập vở cho học sinh nghèo; người xây nhà tình thương, tặng quà tết cho hộ gặp khó khăn… Còn tôi nghèo quá, không biết lấy gì tặng nên đi thẳng đến bệnh viện hiến máu cứu người”. Có lần ông Lượm tổ chức sinh nhật của mình một cách độc đáo, khi ông cùng con trai vận động 16 người bạn đến dự sinh nhật cùng đi hiến máu. Anh Hồ Tấn Liễu ngụ ở khu phố 3, phường 12, cũng đã 33 lần hiến máu nhân đạo. Không chỉ vậy, khi có người qua đời mà hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh Liễu đi vận động và kể cả bỏ tiền túi ra lo hết chuyện hậu sự, từ chi phí tang lễ đến áo quan cho người bất hạnh. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, vợ anh Liễu, cho biết: “Điều đáng khâm phục là tấm lòng của một vị mạnh thường quân giấu tên, cứ mỗi lần chồng tôi gọi điện thoại báo tin có người nghèo qua đời cần giúp đỡ, chỉ vài giờ sau đã có xe chở áo quan đến đúng địa chỉ. Chuyện làm này đã mấy năm rồi”. Bà Nguyễn Thị Chín, nay đã 80 tuổi, ngụ tại 204/3 Nơ Trang Long phường 12 Bình Thạnh, lại dành toàn bộ số tiền lương hưu và tiền các con cho bà chi dùng hàng tháng để làm việc thiện: mua gạo giúp người nghèo, lo chống dột, sửa nhà, tặng học bổng, quà tết… Rồi chuyện của anh Vũ Đức Trọng ngụ tại 69 Bùi Đình Túy, cứ đều đặn mỗi tháng, anh tặng các cháu sinh viên, học sinh nghèo, mỗi người 100.000 đồng.

Còn nhiều chuyện nghĩa của người dân Đồng Ông Cộ không thể nào kể hết. Điều nhân nghĩa hôm nay đầy ắp tính nhân văn tình phường ngõ phố, mọi người chung tay xây dựng một Đồng Ông Cộ đời sống văn hóa, nghĩa tình, văn minh. Đó là sự nối tiếp truyền thống bất khuất của Đồng Ông Cộ năm xưa, kiên cường bám trụ chiến đấu gần 250 ngày đêm, để làm nên một chiến tích anh dũng đi vào lịch sử.

Tôi đi giữa phố phường Đồng Ông Cộ sầm uất, dập dìu xe cộ đông vui và nghe như trong gió chiều vẫn còn vọng về tiềm thức của tiếng súng trận chiến nơi đây năm Mậu Thân thuở nào và lá cờ mặt trận tung bay phấp phới.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục