Nhật Bản: Hàng trăm ngàn bệnh nhân viêm gan B được đền bù

Đơn kiện kéo dài
Nhật Bản: Hàng trăm ngàn bệnh nhân viêm gan B được đền bù

Chính phủ Nhật Bản ngày 23-1 quyết định sẽ chi 3.200 tỷ yên (gần 39 tỷ USD) cho hàng trăm ngàn người được cho là bị viêm gan siêu vi B (VGSVB) sau khi tiêm ngừa chung kim tiêm cách đây nhiều thập niên.

Sử dụng kim tiêm chung trong các đợt tiêm ngừa được cho là nguyên nhân lây lan viêm gan siêu vi B ở Nhật Bản.

Sử dụng kim tiêm chung trong các đợt tiêm ngừa được cho là nguyên nhân lây lan viêm gan siêu vi B ở Nhật Bản.

Đơn kiện kéo dài

Quyết định nói trên có thể sẽ kết thúc vụ kiện của hàng trăm ngàn người kéo dài nhiều thập niên qua nhưng sẽ đặt ra gánh nặng chi tiêu đối với Chính phủ Nhật Bản vốn đang bị bội chi ngân sách.

Theo tờ Japan Times, với quyết định này, sẽ có khoảng 430.000 người bị VGSVB được bồi thường. Đại diện các nguyên đơn, ông Mieko Taniguch nói: “Chúng tôi chấp nhận mức đền bù này và yêu cầu chính phủ rút ra bài học”. Một nguyên đơn khác cho rằng những bệnh nhân VGSVB ngoài nỗi đau bệnh tật còn bị xã hội đối xử, phân biệt vì họ không hiểu được cách lây nhiễm của virus (chỉ lây qua máu và đường tình dục).

Chị Ilbaraki, 37 tuổi, một trong số những người bị VGSVB cho biết, chị được chẩn đoán bị VGSVB cách đây 13 năm khi được chích ngừa tại trường đại học ở Sapporo. Bác sĩ cho rằng chị có thể bị nhiễm từ lúc đó vì chị không mắc bệnh gì trầm trọng, không bị thương để truyền máu và mẹ chị cũng không bị nhiễm VGSVB. Đến nay chị cũng không có triệu chứng bệnh nhưng bị căng thẳng vì là người mang mầm bệnh.

Trước đó, hồi đầu tháng 1, tòa án Sapporo đề nghị Chính phủ Nhật Bản trả từ 12,5 triệu đến 36 triệu yên cho mỗi bệnh nhân VGSVB tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi người. Ngoài ra tòa án này cũng buộc đền bù 500.000 yên chi phí y tế và đi lại cho mỗi người lành mang mầm bệnh.

Năm 2006, Tòa án tối cao Nhật Bản từng ra phán quyết buộc chính phủ bồi thường 5,5 triệu yên cho 5 người nhiễm VGSVB do tiêm ngừa tập thể. Đơn kiện của họ đã được nộp lên tòa án Sapporo từ năm 1989. Chính phủ Nhật Bản lúc đó cho biết họ chỉ bồi thường cho 5 người này và sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể sau này. Kể từ tháng 3-2008 tới nay đã có 630 người nộp đơn kiện lên các tòa án Nhật Bản đòi bồi thường vì nhiễm VGSVB.

Sẽ có luật đền bù?

Chính phủ Nhật Bản cho biết họ đang xem xét một luật đặc biệt để đền bù cho cả những người bị VGSVB không nằm trong đơn kiện do lây nhiễm từ việc sử dụng chung kim tiêm trong các đợt tiêm ngừa. Khoản đền bù có thể chi trả trong vòng 30 năm tới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội các Yukio Edano, cho tới nay, Chính phủ Nhật Bản chưa có kế hoạch cụ thể. Chương trình đền bù có thể bắt đầu vào năm 2012 với mức chi 5 năm đầu là 1.000 tỷ yên.

Chính phủ Nhật Bản đang vận động lực lượng đối lập sớm thông qua luật đền bù cho các bệnh nhân VGSVB. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho vấn đề này sẽ là vấn đề lớn trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản vẫn chưa mạnh lên và tình trạng nợ công đang lên mức kỷ lục. Vì đây là chiến dịch đền bù kéo dài nên Chính phủ Nhật Bản cho rằng không chỉ chính phủ hiện nay mà các chính phủ tương lai cũng sẽ có trách nhiệm và yêu cầu các đảng đối lập thông qua luật đền bù là có cơ sở.

Luật về tiêm ngừa của Nhật Bản ban hành vào năm 1948, nhằm mục đích ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm như lao, bạch hầu, sởi,… từ đó nước này đã có nhiều chiến dịch tiêm ngừa quy mô lớn cho các trẻ em ở trường học. Kim tiêm sử dụng chung cho tới tận những năm 1980. Ước tính toàn Nhật Bản có khoảng 1,1 đến 1,4 triệu người bị VGSVB.

Tờ Daily Yomiuri dẫn lời giáo sư Shinsho Yoshiba thuộc Bệnh viện Đại học Fujigaoka ở Yokohama, cho rằng Chính phủ Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về việc để lây lan VGSVB vì ngay từ năm 1953, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo rằng sử dụng chung kim tiêm hoặc xy lanh có thể lây lan VGSVB. Lúc đó, nếu không sử dụng kim tiêm dùng một lần vẫn có nhiều cách để khử trùng kim tiêm nhưng nhiều nhà khoa học Nhật Bản cho rằng việc này đã không được chú trọng.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục