Nhặt sạn văn nghệ

Về cuộc “chiến tranh đặc biệt”

Về cuộc “chiến tranh đặc biệt”

Trong bài “Một tâm hồn thơ chân chất và đôn hậu” đăng trên tuần báo Văn Nghệ số 30 (29-7-2006), tác giả Đỗ Quang Vinh viết: “Từ cuối năm 1960, hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại, khiến đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược, tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt” với phương châm hết sức thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt”.
Cần nói rõ để khỏi hiểu sai:

- Trong suốt chiều dài cuộc xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ luôn sử dụng chính quyền tay sai để thống trị nhân dân. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được sử dụng cho đến cuối năm 1963 bị đảo chính và giết chết, chứ không phải “thất bại” năm 1960.

- Nói riêng về chiến tranh thì trước đó là cuộc “chiến tranh một phía”, còn từ 1961 đến 1965 là cuộc “chiến tranh đặc biệt” với thủ đoạn được Nhà Trắng áp dụng: Tài chính viện trợ + Vũ khí, phương tiện chiến tranh + Chỉ huy (cố vấn) Mỹ + quân ngụy.

T.N.T.
 

Sở Khanh đâu có “thơn thớt nói cười”!

Trên trang “Xưa và nay” báo An ninh Thế giới số cuối tháng 7-2006 có đăng bài “Nguyễn Du – Truyện Kiều với người đương đại” của Hồ Ngọc Sơn. Bài viết khá sâu sắc, không có gì phải bàn cãi, chỉ có một câu trích dẫn thơ có vẻ không hợp lý. Đó là câu: “Nguyễn Du xem loại người này là “Sở Khanh”, “Bề ngoài thơn thớt nói cười/Mà trong nham hiểm giết người không dao”. Thực ra, câu thơ này là Thúy Kiều nghĩ về Hoạn Thư khi nàng bị Hoạn Thư bắt về làm con hầu.

Theo thiển ý của tôi, về Sở Khanh, có lẽ nên dẫn câu “Đem người đẩy xuống giếng khơi/Nói lời, rồi lại nuốt lời được ngay”.

TRẦN ĐĂNG TÂN (Công ty VEDAN, Đồng Nai)
 

“Sa Điện” hay Sa Diện?

Chuyên mục “Từ trong di sản” của Đài Truyền hình Đồng Nai phát sóng gần đây có ra câu đố (đại ý): “Tiếng bom Sa Điện (năm 1924) nói về nhân vật lịch sử nào?” Đáp án: chọn Phạm Hồng Thái hoặc Lê Hồng Phong...

Trong câu hỏi trên, địa danh Sa Diện (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc) đã bị viết sai thành Sa Điện. Chẳng những ra câu hỏi sai, mà trong phần đối thoại, tranh luận của hai nhân vật xung quanh nội dung câu trả lời, từ Sa Diện cũng bị nói sai nhiều lần.
Cái sai kiểu này không mới, nhưng vẫn gặp hoài.

BA HIỀN
(Ngô Tất Tố, Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục