Nhiều bệnh viện chưa chú ý kiểm soát nhiễm khuẩn

Vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng nhưng hiện nay tư duy, suy nghĩ của nhân viên y tế ở Việt Nam nói chung về kiểm soát nhiễm khuẩn thật sự chưa đầy đủ.

Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh
Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh

Ngày 19-3, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức Hội thảo kiểm soát nhiễm khuẩn Quốc tế năm 2024. Tham dự có đại diện Bộ Y tế, các bệnh viện trên địa bàn và sự chia sẻ của các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu điều dưỡng toàn cầu, Đại học Tokyo (Nhật Bản), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ - Văn phòng tại Việt Nam…

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong quá trình phẫu thuật, điều trị của người bệnh tại các cơ sở y tế thì vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng nhưng hiện nay tư duy, suy nghĩ của nhân viên y tế ở Việt Nam nói chung về kiểm soát nhiễm khuẩn thật sự chưa đầy đủ và chưa đúng vai trò của nó.

Việc kiểm soát nhiễm khuẩn giúp giảm thiểu nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện, giảm đề kháng kháng sinh, giảm chi phí và đảm bảo an toàn cho người bệnh. "Phải thay đổi tư duy về kiểm soát nhiễm khuẩn trước hết cho chính lãnh đạo các cơ sở y tế, các nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân người bệnh", TS-BS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn được thành lập từ sớm và đã có những bước phát triển nổi bật mang lại hiệu quả cao trong công tác khám và chữa bệnh: giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tình hình phơi nhiễm cho nhân viên y tế trong bệnh viện, tham gia vào nhiều hoạt động của bệnh viện từ việc tham vấn về kiểm soát nhiễm khuẩn đến can thiệp trực tiếp đến tận các khoa, phòng. Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai nhiều gói giải pháp như: gói phòng ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy, đề án cải tiến môi trường, gói phòng ngừa đa kháng thuốc… Cùng với đó, bệnh viện cũng xây dựng quy trình đáp ứng dịch tại cơ sở y tế.

Tại hội thảo, bà Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng - Dinh dưỡng - Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tính đến tháng 2-2024, trên cả nước mới chỉ có 96 bệnh viện tham gia giám sát và thực hiện báo cáo trong mạng lưới giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia.

Thực tế này cho thấy các bệnh viện vẫn chưa chú ý tới giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn, một số nơi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc tập hợp dữ liệu. Bên cạnh đó, nhân sự trong giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn cũng không ổn định, thường xuyên có sự luân chuyển, thay đổi, không được tập huấn, đào tạo đầy đủ nên đôi khi chưa hiểu đúng, hiểu đủ về việc giám sát.

Việc thiếu hụt sinh phẩm xét nghiệm do đấu thầu bị chậm giai đoạn hậu Covid-19 cũng ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm giám sát nhiễm khuẩn….

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát của các loại dịch bệnh như Covid-19, Zika, Ebola… và kháng thuốc không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Do đó, việc giám sát nhiễm khuẩn và phản ứng kịp thời trước các dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế và mỗi cá nhân”, bà Hà Thị Kim Phượng thông tin.

Tin cùng chuyên mục