Nhiều chuyên gia góp ý hoàn thiện Hiến pháp 2013

Hội thảo nhằm đánh giá, ghi nhận những bất cập, vướng mắc, thậm chí mâu thuẫn của Hiến pháp 2013 và các văn bản luật có liên quan.
PGS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên thường trực Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Hiến pháp 2013) phát biểu
PGS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên thường trực Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Hiến pháp 2013) phát biểu

Sáng 16-10, tại Trường Đại học Luật TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học “Hiến pháp 2013: 10 năm triển khai thi hành”.

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM chỉ ra sự ra đời của bản Hiến pháp 2013 với tư cách là đạo luật cơ bản và là xương sống của hệ thống pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, nhiều nội dung tiến bộ của Hiến pháp 2013 chưa được cụ thể hóa, hoặc cụ thể hóa nhưng chưa đủ, chưa đúng tinh thần của hiến pháp. Chính vì vậy, TS Lê Trường Sơn mong muốn các đại biểu tập trung làm rõ những nội dung cơ bản của hiến pháp, chỉ ra những điểm mới, cũng như tồn tại trong các quy định của Hiến pháp 2013, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao, phát huy hiệu quả thi hành Hiến pháp 2013.

Trên tinh thần xây dựng, đóng góp, các đại biểu đưa ra thảo luận sâu về Hiến pháp 2013. Nhóm tác giả gồm Thạc sĩ Nguyễn Tú Anh và Nguyễn Mai Anh với tham luận “Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và một số kiến nghị hoàn thiện” đã đưa ra nhận định về quyền con người trong Hiến pháp 2013 so với luật pháp quốc tế. Từ đó chỉ ra những điểm tiến bộ của đạo luật có giá trị cao nhất khi nhắc đến vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu

Theo góc nhìn của nhóm tác giả, mặc dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng trong quá trình triển khai, Hiến pháp 2013 đã bộc lộ không ít vướng mắc như: Hiến pháp 2013 nói riêng cũng như pháp luật Việt Nam nói chung chưa quy định về phạm vi các quyền có thể bị hạn chế trong trường hợp đặc biệt, một số thuật ngữ trong Hiến pháp chưa giải thích chi tiết, cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có cơ chế giám sát hiệu quả việc triển khai thi hành nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân trên thực tế…

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên thường trực Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Hiến pháp 2013) cho rằng, ngoài Hiến pháp 2013, các đạo luật khác cũng cần thể hiện rõ quyền công dân, quyền con người ở các mặt hạn chế và không hạn chế. Tuy nhiên, việc triển khai lại có sự thiếu sót, xem nhẹ. Chính vì vậy Quốc hội cần phải xem xét thể hiện quyền giám sát, đưa ra các phạm vi cụ thể, nội dung chi tiết để Chính phủ và các bộ triển khai.

Các ý kiến đóng góp được Ban tổ chức ghi nhận, tiếp thu, đồng thời gửi đến các cơ quan các cấp có thẩm quyền để đóng góp cho công tác tổng kết 10 năm triển khai Hiến pháp năm 2013.

Tin cùng chuyên mục