Kết quả điều tra nguyên nhân dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

Nhiều điều đáng sợ!

Thực phẩm sống có quá nhiều vi khuẩn

Chiều 7-4, PGS-TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, người phát ngôn của Bộ Y tế về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khuẩn tả đã lần đầu tiên công bố kết quả điều tra nguyên nhân của dịch bệnh nguy hiểm này xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc.

Thực phẩm sống có quá nhiều vi khuẩn

Theo ông Trần Đáng, nguyên nhân chính khiến dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khuẩn tả xuất hiện rải rác suốt từ cuối năm 2007 cho tới nay, với 3 đợt dịch xảy ra là do chúng ta chưa kiểm soát được nguồn chứa vi khuẩn, các thực phẩm nguy cơ cao và ý thức của người dân.

Trong số những nguyên nhân trên, qua điều tra các nguồn thực phẩm gây bệnh như rau sống, mắm tôm và thịt chó cho thấy, trong các thực phẩm nguy cơ này có quá nhiều vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh.

Đối với rau sống, do tình trạng người dân ở các vùng trồng rau của Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc như Chương Mỹ, Hoài Đức, Mê Linh, Nhổn vẫn sử dụng phân tươi và nước ao hồ để tưới rau nên lượng vi khuẩn tồn tại rất lớn. Do đó, qua xét nghiệm mẫu rau sống ở một số nhà ở Hà Nội cho dù đã được rửa sạch vẫn phát hiện vi khuẩn vi Colifoms, E.Coli và phẩy khuẩn tả với mật độ từ 50 - 500 con vi khuẩn trong 1 gram rau. Theo ông Đáng, kết quả này cho thấy, rau sống đã bị nhiễm bẩn và vi khuẩn từ rất lâu nên không thể rửa sạch.

Còn với mắm tôm, một thực phẩm được cho là nguyên nhân gây dịch trong đợt dịch trước, qua điều tra cho thấy, chủ yếu có nguồn gốc từ Thanh Hóa với năng suất khoảng 6.000 tấn/năm. Trước khi được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Bắc, mắm tôm Thanh Hóa thường được tập kết ở Hà Nam để pha loãng ra và trong quá trình pha loãng đóng chai do cơ sở chế biến không đảm bảo ATVSTP và môi trường khiến mắm tôm bị nhiễm khuẩn.

Kết quả xét nghiệm mẫu mắm tôm từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ cho thấy, nồng độ muối của mắm tôm ở nơi sản xuất trên 25% nhưng khi tới nơi tiêu thụ chỉ còn khoảng 18% - 23%. Đặc biệt các vi khuẩn kỵ khí B.Cerus, Coliforms có mật độ dày đặc từ 100 - 10.000 con/ml.

Thói quen mất vệ sinh

Thông tin liên quan

- TPHCM: Tiềm ẩn dịch tiêu chảy cấp

Mặc dù các thực phẩm sống, thực phẩm nguy cơ cao trên chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm nhưng lại có quá nhiều người sử dụng, cùng với đó là thói quen ăn uống mất vệ sinh. Kết quả điều tra cho thấy, có tới 78% bệnh nhân tiêu chảy cấp có khuẩn tả là do ăn uống các thực phẩm tiết canh, rau sống, mắm tôm, thịt chó và nước đá.

Bên cạnh đó, là tình trạng nhiều người không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng khiến nguy cơ lây nhiễm tả rất cao, hiện chỉ có khoảng 12% người dân rửa tay sạch bằng xà phòng.

Đối với những người kinh doanh thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố và thức ăn chín, do phần lớn chưa có thói quen sử dụng găng tay nylon và việc rửa tay sạch trước khi phục vụ cho khách nên nguy cơ thức ăn bị nhiễm bẩn là rất lớn.

Ông Trần Đáng cho biết, qua kiểm tra người chế biến và kinh doanh thức ăn đường phố thì tỷ lệ bàn tay có vi khuẩn E.Coli chiếm tới 80%. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm vi khuẩn trên bàn tay của những người làm dịch vụ thực phẩm tại 11 tỉnh thành phố cho thấy, có tới 92% bàn tay người chế biến thực phẩm ở Thái Bình có chứa vi khuẩn E.Coli, Hà Nội là trên 50%, TPHCM là 67,5%, Đà Nẵng 70,7%.

Ông Trần Đáng cũng nhấn mạnh, có vi khuẩn E.Coli là có các vi khuẩn đường ruột khác như tả, lỵ, thương hàn vì E.Coli là vi khuẩn “chỉ điểm” cho các vi khuẩn đường ruột.

Quốc Lập

12 địa phương có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm

Ngày 7-4, Bộ Y tế cho biết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khuẩn tả tiếp tục lan rộng ở 12 tỉnh, thành phố có bệnh nhân là Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Ninh Bình. Bộ Y tế cũng cho biết, tính tới thời điểm ngày 7-4, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đã lên gần 500 ca, với hơn 100 trường hợp xác định có khuẩn tả.

Q. Khánh

Tin cùng chuyên mục