Nhiều doanh nghiệp đã giải được cơn khát vốn

Bà Phạm Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho hay, ngay khi ngân hàng nới hạn mức tín dụng, doanh nghiệp (DN) đã được thông báo và xét duyệt cho vay tín chấp để giải quyết công việc cuối năm.

Các thủ tục yêu cầu được nới lỏng hơn, chẳng hạn như thay vì phải chứng minh kết quả hoạt động hiệu quả trong 3 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2022) tính đến thời điểm làm hồ sơ vay, thì chỉ cần chứng minh ở thời điểm trước năm 2019 cũng được chấp nhận. “Mức lãi suất ở thời điểm này khá cao so với năm trước, nhưng vay được tiền cũng rất tốt, bởi DN cần nguồn vốn để xoay xở. DN lữ hành như chúng tôi rất mong ngân hàng nới lỏng thêm các điều kiện cho vay, đồng thời hỗ trợ lãi suất, nguồn vốn”, bà Phạm Phương Anh nói.

Một số hãng lữ hành khác cũng chia sẻ đã tiếp cận được các gói vay cuối năm, bao gồm cả thế chấp lẫn tín chấp. Trong đó, lãi suất vay thế chấp dao động từ 14%-17%/năm, tùy ngân hàng. Trước đó, các DN du lịch phản ánh, vay tín chấp gần như… bất khả thi do ngân hàng yêu cầu chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động 3 năm vừa qua, trong khi đây là khoảng thời gian khó khăn bởi dịch Covid-19.

Việc tiếp cận các gói vay cuối năm được xem như là “liều thuốc” trợ lực kịp thời cho DN. Tuy vậy, một số DN du lịch cũng cho rằng, lãi suất ngân hàng cho vay cao như hiện tại đã “ăn” hết phần lợi nhuận (vốn đã rất thấp), nên họ không vay. Do vậy, các DN này kiến nghị nên có chính sách ưu đãi lãi suất để kích cầu phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam.

Hiện một số DN là thành viên Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cũng đã được ngân hàng giải ngân vốn sau khi được nới hạn mức tín dụng. Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, một số DN vừa được vay với lãi suất hợp lý để chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp tết. “Tuy nhiên, để các DN tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi trong các tuần cuối năm thì các ngân hàng phải giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, từ khâu thẩm định khoản vay đến hoàn thiện hồ sơ pháp lý...”, ông Dũng kiến nghị.

Còn theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, mặc dù nhiều ngân hàng đang cố gắng giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn mong có gói ưu đãi cho DN xuất khẩu nông sản. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng kiến nghị Nhà nước nên có lãi suất hợp lý cho DN ngành nông nghiệp, bởi lĩnh vực này thường gặp nhiều rủi ro về thiên tai và lợi nhuận không cao.

Tin cùng chuyên mục