Nhiều đồng chí lãnh đạo và đoàn đến viếng đồng chí Phạm Quang

Nhiều đồng chí lãnh đạo và đoàn đến viếng đồng chí Phạm Quang

(SGGP).- Chiều 25-10, tại Nhà tang lễ TPHCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM), lễ viếng đồng chí Phạm Quang, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Sóc Trăng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Thành ủy, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành ủy TPHCM đã diễn ra trang nghiêm.

Là một trong những người có mặt sớm nhất, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viếng và chia buồn sâu sắc cùng gia quyến đồng chí Phạm Quang. Trong sổ tang, đồng chí Nguyễn Minh Triết trân trọng ghi: “Kính viếng đồng chí Phạm Quang, người lãnh đạo, người Anh mà chúng tôi vô cùng quý trọng”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều đồng chí lãnh đạo các ban ngành trung ương, TPHCM và các tỉnh gửi lẵng hoa viếng.

Tối cùng ngày, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm; Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM Võ Thị Dung; Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Phạm Quang.

Theo Ban tổ chức lễ tang, tính đến 22 giờ ngày 25-10, đã có gần 100 đoàn đại diện bộ ngành Trung ương, lực lượng vũ trang, các ban ngành, đoàn thể TPHCM, đồng chí, đồng đội, bạn bè đến viếng và tiễn biệt đồng chí Phạm Quang.

HỒNG HIỆP

Ba tôi

Lúc 8 giờ 10 phút ngày 25-10-2014, ba tôi (ảnh) đã từ giã cõi đời nhẹ nhàng và thanh thản. Cuộc ra đi của ba dẫu có đột ngột nhưng dường như ông đã dự báo được trước. Những ngày này, ba hay nói với chúng tôi những câu như là tổng kết cuộc đời mình và dặn dò con cháu nhiều điều. Ba tôi cho rằng cuộc đời ba mặc dù không giữ vị trí cao nhưng trọn vẹn với lý tưởng, gia đình, bạn bè, đồng chí. Ông dặn dò con cháu phải tiếp tục giữ vững truyền thống gia đình, sống tử tế và có ích.

Nhiều đồng chí lãnh đạo và đoàn đến viếng đồng chí Phạm Quang ảnh 1

Cũng như nhiều gia đình Việt Nam, gia đình tôi trong chiến tranh cũng loạn ly, tù đày, mất mát, hy sinh. Và sau ngày hòa bình cũng được đoàn tụ, cũng được nhân lên thành một gia đình lớn hơn, có dâu, rể ở các vùng miền đất nước.
Dòng họ tôi không phải là “danh gia thế tộc”, hầu hết là người lao động, người yêu nước, biết gắn mình với sự nghiệp chung, với sự tồn vong của dân tộc. Gia đình tôi không giàu sang về vật chất nhưng biết trọng nghĩa tình và luôn hướng mọi thành viên đến với điều hay, lẽ phải.

Ba má tôi là hình ảnh của thế hệ thanh niên “lên đàng”, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các chú, cậu cô, dì... cũng đi theo con đường ấy. Đến thế hệ chúng tôi cũng vậy. Cũng rất lý tưởng, luôn học tập và rèn luyện không ngừng. Giữa biết bao thử thách của cuộc đời, cuộc sống, chúng tôi cố tránh những sa ngã, tụt hậu, cố gắng giữ truyền thống gia đình và làm gương tốt cho các con. Các em, các cháu khi không giữ chức này, chức nọ nhưng luôn phấn đấu để giữ được cốt cách gia đình, để trở thành người có ích.

Ba tôi sống thanh bạch, giản dị. Ông như luôn giữ được cái dáng vẻ của một thư sinh Trường College Cần Thơ ngày nào. Ông không bao giờ dám xài sang bởi một thời khắc khổ trong ngục tù đế quốc, không nghĩ là sống được và có ngày vượt ngục, xổ lồng tung cánh. Ông vẫn còn nói và viết rất mạch lạc bởi như có cả một cuộc đời gắn bó với công tác tuyên truyền, thông tin báo chí - nhiều thời gian làm Tổng biên tập của Báo Chiến đấu tỉnh Sóc Trăng, Tổng biên tập Báo Giải phóng của Khu Tây Nam bộ và Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM. Đến nay, có những bài tùy bút của ba tôi viết trên Báo Chiến đấu của tỉnh Sóc Trăng có người vẫn còn thuộc.

Điều ba tôi tâm đắc và thấm thía về đạo làm người là lòng nhân ái, là biết hài hòa lợi ích riêng vào lợi ích chung, là không ngừng học tập nâng cao trình độ. Ba tôi cho rằng cuộc đời mình đã thuận theo dòng chảy của thời gian, của lịch sử dân tộc. Chính tình thương gia đình, đồng bào, đồng chí đã đưa ông đứng vào hàng ngũ những người yêu nước. Chính việc không ngừng rèn luyện ý chí, phẩm chất con người, phẩm chất cách mạng đã giúp ông vượt qua được nhiều thử thách, gian truân, đã đứng vững và đi lên. Ý chí kiên cường ấy có được nhờ sự kế thừa của thế hệ đi trước và được nhân lên trong lò lửa đấu tranh cách mạng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh sáng ngời chính nghĩa.

Đối với chúng tôi, tài sản lớn nhất mà ba má dành cho là vô giá và có sức sống lâu bền. Đó là cốt cách làm người, là con đường ba má tôi đã chọn.

87 tuổi đời, 66 tuổi Đảng, ba vẫn thường hay nói với các con mình là cuộc đời ba đã thuận theo dòng chảy của thời gian, của lịch sử dân tộc, là “tuy ba không làm được sự nghiệp gì to tát, nhưng cũng đã trải qua nhiều gian truân thử thách, có những thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi nhưng ba vẫn vượt qua được, đã đứng vững và đi lên. Điều ba học được là phải rèn luyện ý chí, phải tự khẳng định mình là người Việt Nam yêu nước, trước vô vàn những phức tạp của cuộc sống, cuộc đấu tranh. Ý chí đó ba được truyền nối từ ông các con”.

Những ngày này, khi tiễn đưa ba về với tổ tiên, tôi lại ghi nhớ sâu sắc lời ba đã từng ân cần dặn dò các con “đời người là phải không ngừng rèn luyện ý chí, đấu tranh cho lẽ phải trên đời, cho công bằng xã hội, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của mọi người trong đó có mình. Và như vậy cuộc đời mới có ý nghĩa!”.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục