Nhiêu khê giải thể doanh nghiệp

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong những năm qua trên địa bàn TPHCM có gần 10.000 DN đăng ký ngưng hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Hầu hết các DN này khi tạm ngưng hoạt động đều để lại những khoản nợ, không thuế VAT, thu nhập DN BHXH, lương và các chế độ của người lao động. DN ít để lại khoản nợ vài chục triệu đồng, DN nhiều lên đến hàng tỷ đồng.

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong những năm qua trên địa bàn TPHCM có gần 10.000 DN đăng ký ngưng hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Hầu hết các DN này khi tạm ngưng hoạt động đều để lại những khoản nợ, không thuế VAT, thu nhập DN BHXH, lương và các chế độ của người lao động. DN ít để lại khoản nợ vài chục triệu đồng, DN nhiều lên đến hàng tỷ đồng.

Nhiều chủ DN ngưng hoạt động cho biết, không phải họ cố ý “giả chết” để “đắp chiếu” DN và trốn tránh nghĩa vụ thuế, mà chủ yếu do thủ tục giải thể DN và phá sản DN hiện nay rất nhiêu khê. Trong khi thủ tục xin giấy phép thành lập DN hiện nay đã đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn được nữa, với chỉ 5 thủ tục và 5 ngày là đã có giấy phép thì muốn giải thể DN phải cần đến 12 loại thủ tục, với thời gian để hoàn tất bộ hồ sơ trình Sở KH-ĐT phải mất hơn 1 tháng.

 Trong đó, như nhiều DN cho biết, để hoàn tất danh sách chủ nợ đã thanh toán, gồm cả các thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng BHXH là khó khăn và kéo dài nhất. Các thủ tục này đều phải có xác nhận của cơ quan thẩm quyền, có cơ quan như Tổng cục Hải quan mới được coi là đủ điều kiện. Hay thủ tục đăng 3 số báo liên tiếp về việc giải thể DN trên báo điện tử hoặc báo giấy (báo đăng xong để nguyên tờ không cắt rời, không photocopy) với chi phí thấp nhất cũng phải mất hơn 5 triệu đồng, khiến nhiều DN cảm thấy vô lý vì lãng phí không cần thiết.

Đối với thủ tục phá sản DN, theo Luật Phá sản DN năm 2004, để được tuyên bố phá sản là cả một núi hồ sơ, thủ tục với thời gian hoàn thành có DN đã phải mất đến hơn 3 năm. Theo quy định, những người có quyền nộp đơn phá sản DN, bao gồm: chủ nợ, người lao động (trường hợp DN, hợp tác xã không trả được lương, các khoản nợ khác cho người lao động), chủ sở hữu DN nhà nước, các cổ đông công ty cổ phần, thành viên hợp danh công ty hợp danh. Ngoài đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của những đối tượng nêu trên còn phải nộp kèm theo 7 loại giấy tờ, tài liệu liên quan. Trong đó có báo cáo giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán được cho là mất thời gian và tốn kém chi phí nhất vì phải bỏ tiền ra thuê đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận. Kết quả kiểm toán xác định đúng tình trạng DN mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản, mới được cho là hợp lệ. Trên thực tế, từ nhiều năm qua rất ít DN được tuyên bố phá sản bởi thủ tục nhiêu khê, vô cùng rắc rối này.

Trong nền kinh tế thị trường, để cho DN rút khỏi thị trường một cách hợp pháp khi không còn khả năng hoạt động, các thủ tục về giải thể, phá sản DN cần phải được đơn giản một cách tối đa theo hướng nhanh gọn, dễ thực hiện và thể hiện quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của mỗi DN. Nếu làm tốt được việc này, không chỉ Nhà nước không bị mất một khoản lớn các loại thuế, mà còn góp phần làm lành mạnh, minh bạch thông tin của các DN trong nền kinh tế, tránh những rủi ro không đáng có.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục