Nhiều nơi... sớm không thể sống

Ai cũng biết thời tiết nóng ẩm khó chịu hơn khô ráo. Nhiều nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu toàn cầu chỉ ra sự kết hợp giữa nhiệt độ nóng và độ ẩm cao sẽ vượt quá giới hạn sinh lý chịu đựng của con người, sớm làm cho nhiều nơi không thể sinh sống được.
Cơ thể con người không thể chịu được sự kết hợp  giữa nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt

Các nhà khoa học từ Viện Quan sát Trái đất (Đại học Columbia ở Mỹ) và Đại học Loughborough (Anh) quyết định tìm hiểu xem loài người đã tiến gần đến mức ranh giới nào, mà hệ  lụy sau đó có thể sẽ xuất hiện dòng di cư lớn từ các khu vực thời tiết bất lợi cũng như sự sụp đổ kinh tế của các quốc gia.

Họ phân tích dữ liệu từ 7.877 trạm thời tiết trên khắp thế giới trong giai đoạn 1979-2017, đo lường tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm trên thang đo bầu ướt (nhiệt độ nhiệt kế ướt). Theo đó, số giai đoạn có nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt tăng gấp 2 lần trong suốt thời gian quan sát và tần suất có tương quan trực tiếp với sự nóng lên toàn cầu.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy ngay cả những người khỏe mạnh, thích nghi tốt nhất cũng không thể làm việc ngoài trời ở nhiệt độ bầu ướt trên 32oC. Với sức tải quá lớn lên cơ thể, nếu một người không thể di chuyển vào căn phòng có điều hòa, các cơ quan nội tạng bắt đầu gặp vấn đề. 

“Nghiên cứu trước đây dự đoán điều này sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới nhưng chúng tôi thấy nó đang diễn ra”, chuyên gia Colin Raymond của Viện Quan sát Trái đất cho biết. Hàng ngàn địa điểm đã được xác định tại châu Á, châu Phi, Australia, Nam và Bắc Mỹ, trong đó có rất nhiều nơi dọc theo bờ biển vịnh Ba Tư, vịnh Mexico và bờ biển Ấn Độ Dương, nơi nước biển bốc hơi tạo ra một lượng ẩm dồi dào được hấp thụ bởi không khí nóng. 

Tin cùng chuyên mục