Nhiều tỉnh ĐBSCL đề xuất ngừng tiếp nhận người dân trở về

Những ngày qua lượng lớn công nhân, lao động tự do, lao động thất nghiệp, cũng như những người mắc kẹt lại vì dịch Covid-19 ở TPHCM và các vùng Đông Nam bộ đã tự phát đi xe máy trở về ĐBSCL với số lượng lên đến hàng chục ngàn người.
Ngày 3-10 ghi nhận lượng lớn người dân tự phát trở về miền Tây tại Trạm thu phí T2 (Quốc lộ 91) hướng về An Giang

Báo cáo từ tỉnh Sóc Trăng cho biết, chỉ tính từ ngày 2-10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận gần 20.000 người dân từ TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ tự phát về quê. Tổng cộng số người đã được tiếp nhận trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục ngàn người, kéo theo việc vượt khả năng ở các khu cách ly, chăm sóc y tế… dù địa phương đã cố gắng hết sức có thể để sắp xếp.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trước tình hình trên, tỉnh đã quyết định tạm ngưng tiếp nhận người dân tự phát trở về quê trong 15 ngày kể từ hôm nay. Rất mong bà con đồng lòng, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh nhà để vượt qua đại dịch. Sau 15 ngày, tỉnh sẽ có thông báo kế hoạch tiếp nhận tiếp theo.

Đối với hàng chục ngàn người đã tiếp nhận, tỉnh Sóc Trăng phân bổ về các huyện. Bên cạnh đó, đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, người đã điều trị khỏi Covid-19 sẽ được theo dõi y tế tại nhà nhằm giảm áp lực cách ly, chăm sóc y tế.

Dòng người đổ về các tỉnh, thành ĐBSCL

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Chỉ tính trong 2 ngày (từ ngày 1-10 đến ngày 2-10), tỉnh đã tiếp hơn 2.600 người dân trở về địa phương. Tình hình hiện nay đang rất khó khăn cho tỉnh, vì đã vượt khả năng tiếp nhận cách ly. Lượng người đã tiếp nhận hiện được phân bổ về các huyện, nhiều điểm trường học đã được tận dụng làm điểm cách ly nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Do đó, phương án tạm ngưng tiếp nhận người dân tự phát về quê trong 15 ngày là rất cần thiết. Khi ổn định trở lại, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể tổ chức đón người dân có nguyện vọng trở về quê.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến sáng 3-10 đã có khoảng 20.000 người dân đi qua các chốt trên địa bàn tỉnh, trong đó người dân Đồng Tháp là hơn 5.000 người. Các ngành chức năng của tỉnh khi tập hợp khoảng 500 người là dân Đồng Tháp thì có lực lượng CSGT dẫn đường đưa về địa phương nơi người dân thường trú để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, sau đó cách ly tập trung. Còn những người dân các tỉnh như Kiên Giang, An Giang… thì tập hợp khoảng 500 người sẽ cử lực lượng CSGT dẫn đường đưa người dân tới địa bàn giáp ranh các tỉnh, bàn giao cho lực lượng của tỉnh đó để làm các thủ tục tiếp theo.

UBND tỉnh Đồng Tháp lo ngại, với số lượng hiện tại thì tỉnh đang đáp ứng được, tuy nhiên nếu người dân tự phát về lên đến 15.000 - 20.000 người sẽ rất khó. Vì vậy, rất mong bà con ở lại TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, bởi hiện nay các địa phương này đã kiểm soát được dịch, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cũng cao hơn các tỉnh ĐBSCL. Càng lo hơn khi sáng nay qua test nhanh đã có hàng chục ca nghi mắc Covid-19. Vì vậy, nếu dòng người cứ về quê quá đông sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát dịch.

Trong khi đó ở An Giang từ ngày 1 đến ngày 3-10, tỉnh tiếp đón hơn 15.000 người dân về quê tự phát. Các ngành chức năng rất vất vả trong việc bố trí địa điểm cách ly theo quy định. Sở GD-ĐT tỉnh An Giang phải mở 700 điểm, trường học trên địa bàn tỉnh làm nơi cách ly tập trung hoặc tiếp nhận người dân về quê. UBND tỉnh An Giang đề nghị người dân không nên tự phát về quê quá đông sẽ là nguy cơ lây nhiễm bệnh… 

Dòng người đổ về ĐBSCL ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Long

Chiều 3-10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt ký công văn "hỏa tốc" gửi các địa phương về việc chưa áp dụng quy định về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn từ thời điểm 0 giờ ngày 4-10, thời gian áp dụng sẽ được thông báo sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu mọi người dân không ra đường khi không có việc thực sự cần thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Vì vậy, Cà Mau sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và có một số biện pháp mạnh hơn.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong 2 ngày qua, số lượng người dân tự phát trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố khác rất lớn, với trên 6.000 người. Trong đó có nhiều người trở về từ các địa phương là vùng dịch (kết quả xét nghiệm ngày đầu tiên cho hơn 1.000 người, đã có 25 người mắc Covid-19).

Dự báo, trong những ngày tới người dân sẽ tiếp tục về, nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. 

Nhiều tỉnh ĐBSCL đề xuất ngừng tiếp nhận người dân trở về ảnh 4 Dòng người về Kiên Giang chờ ngành chức năng sàng lọc y tế
Chiều 3-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cho biết, những ngày qua có hàng ngàn người dân Kiên Giang đang sinh sống và làm việc tại TPHCM và các địa phương lân cận ồ ạt về quê bằng xe máy. Riêng tối ngày 2-10 và rạng sáng ngày 3-10 có gần 5.400 người dân về quê khiến cho tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc xử lý tình huống.

Cụ thể, khoảng 5.400 người dân tự phát đi xe máy về quê theo các hướng từ huyện Tân Hiệp (giáp ranh với TP Cần Thơ), huyện Gò Quao (giáp ranh với tỉnh Hậu Giang) và ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm phân luồng, không để lây lan dịch bệnh, sàng lọc đưa người dân đi cách ly theo quy định.

Do trong thời gian ngắn, số lượng người dân đổ về quá lớn, có lúc nhiều đoàn gần 700 – 800 người cùng về, nên đã gây ách tắc khu vực tập trung tại huyện Tân Hiệp. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tỉnh đã nhanh chóng điều động tăng cường nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các cơ quan, đơn vị để phối hợp với các huyện tiến hành phân luồng, lập danh sách cũng như quản lý người dân tại khu vực tập trung; hỗ trợ địa phương test nhanh sàng lọc cho người dân...”. Huyện Tân Hiệp đã bố trí các điểm tiếp nhận để người dân tạm thời có chỗ tạm trú, tổ chức chăm lo ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các điểm tiếp nhận, đặc biệt quan tâm đến trẻ em, phụ nữ mang thai…

Lực lượng Công an tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ thực phẩm cho người dân

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL nhận định: TPHCM mở cửa kinh tế, sản xuất kinh doanh trở lại là một tín hiệu tích cực, thế nhưng thách thức lớn nhất hiện nay sẽ là thiếu hụt nguồn lao động. Lý do các doanh nghiệp TPHCM sử dụng khoảng 2/3 lực lượng lao động từ những các tỉnh thành khác. Trong khi đó, vừa qua đã có hàng triệu người lao động về quê tránh dịch bằng mọi cách. Trong bối cảnh hiện nay, muốn “giữ chân” lực lượng lao động khiêm tốn còn lại thì chính quyền cũng cần tạo được niềm tin cho họ, không chỉ bằng vận động mà phải bằng hành động cụ thể, như: chính sách hỗ trợ an sinh, chính sách tiếp cận việc làm, tiêm vaccine…

Cùng ngày, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Trong 3 ngày qua, lượng người dân Bến Tre tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân với số lượng lớn, nếu cứ tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn cho tỉnh trong công tác tiếp nhận, phòng chống dịch Covid-19.
Người dân Bến Tre tự phát về quê bị kẹt tại chốt cầu Rạch Miễu, chờ kiểm tra y tế để được bố trí cách ly theo quy định
Theo ông Trần Ngọc Tam, chủ trương của tỉnh Bến Tre là cố gắng sắp xếp chỗ cách ly cho bà con tự phát về quê, không để lây lan dịch bệnh. Trước mắt là ưu tiên sắp xếp, bố trí ổn thỏa chỗ cách ly cho số lượng này, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng số lượng cứ tăng lên từng ngày thì tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Ngọc Tam chia sẻ: Bến Tre chủ trương là tổ chức rước người dân theo kế hoạch và đã làm rất tốt công tác tổ chức tiếp nhận. Trước đó, tỉnh phố hợp với Hội đồng hương Bến Tre lập danh sách, tổ chức đoàn đón khoảng 2.500 người dân trong tỉnh về, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mong rằng, các địa phương như vùng Đông Nam bộ, TPHCM có kế hoạch giữ chân các công nhân, người lao động ở lại nhằm tránh làm quá tải cho tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Bến Tre, cập nhật từ ngày 1 đến ngày 15 giờ ngày 3-10, chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu ghi nhận khoảng 2.500 người. Tính đến 21 giờ đêm qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã bố trí cho gần 1.000 người dân trong tỉnh về điểm cách ly tập trung theo quy định. Đồng thời, Công an giao thông tỉnh Bến Tre tổ chức xe hộ tống những người dân ngoài tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng về tại chốt cầu Cổ Chiên (thuộc huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh).

Nhiều tỉnh ĐBSCL đề xuất ngừng tiếp nhận người dân trở về ảnh 7 Người dân tự phát về quê bằng xe máy khá đông. Ảnh: CTV
Ghi nhận tại Trà Vinh trong những ngày qua, lượng người dân làm ăn xa đã khăn gói về quê rất đông, có hơn 1.000 người tập trung tại chốt kiểm soát cầu Cổ Chiên. Ngành chức năng của địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra y tế để giải quyết cho từng trường hợp được vào địa bàn tỉnh, cách ly theo quy định.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện số lượng người dân tự phát về bằng xe gắn máy khá lớn, nhưng trong hoàn cảnh này tỉnh buộc phải tiếp nhận.

TPHCM cũng đang triển khai gói hỗ trợ an sinh mới nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn giai đoạn này. Ngoài ra, việc ưu tiên phân bổ vaccine cho TPHCM vẫn đang tiếp tục được thực hiện, do đó người dân sẽ sớm được tiếp cận tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn khi khôi phục sản xuất. Đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn, không thể bám trụ lại thì các địa phương vẫn đang tiếp tục tổ chức đón người dân trở về.

Tin cùng chuyên mục