Cùng quan tâm nội dung này, ĐB Trần Quang Thắng nhận xét, hiện nay TPHCM chỉ có 4 trạm quan trắc ô nhiễm không khí, không đảm bảo ghi nhận, phản ánh chính xác thực trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Trước các thắc mắc này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng vấn đề môi trường cần được nhận diện và đánh giá chính xác. Trên địa bàn TPHCM có 327 trạm quan trắc thủ công và 6 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí, đất, nước, lún để đưa ra các thông số về môi trường. Các thông tin này sẽ được đưa lên 48 bảng thông tin giao thông và website của sở để người dân biết, giám sát và có ý kiến phản ánh. Vấn đề là trạm quan trắc tự động hiện nay ít nên thời gian công bố chưa kịp thời, đầy đủ. Do đó, sắp tới sẽ bổ sung trạm quan trắc tự động đầy đủ với thời gian quan trắc liên tục, đảm bảo yêu cầu.
Thông tin thêm về chất lượng không khí thời gian qua, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, vừa qua TPHCM có hiện tượng mù quang hóa, bởi ô nhiễm từ giao thông, công nghiệp, xây dựng. Không khí bị ảnh hưởng tạo nên bụi mịn có kích thước khác nhau. Sở TN-MT đã đưa ra thông tin, cảnh báo và phối hợp với các ngành để thực hiện giải pháp. Ví dụ, đưa ra nguyên nhân ô nhiễm từ hoạt động giao thông và phối hợp với Sở GTVT kiểm soát khí thải từ ô tô (800.000 phương tiện). Ông Thắng cho rằng, điều quan trọng nữa là phải có giải pháp kiểm soát ô nhiễm từ 8 triệu xe gắn máy trên địa bàn TPHCM.
Tiếp tục quan tâm đến môi trường, ĐB Vũ Thanh Lưu hoan nghênh chủ trương thay đổi công nghệ xử lý rác, biến rác thành điện. Song liệu đến năm 2020, TP có xử lý 50% lượng rác (9.000 tấn rác/ngày) thành điện không? Đặc biệt, khi đốt rác thì có khả năng phát sinh khí thải, vậy phải xử lý thế nào để không làm gia tăng ô nhiễm khí thải? Đây cũng là mối quan tâm của nhiều ĐB khác.
Trước các thắc mắc này, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định sẽ đảm bảo xử lý 50% lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày bằng hình thức đốt rác phát điện, cụ thể là TP đã khởi công xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện, công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày/nhà máy và chuẩn bị khởi công nhà máy đốt rác thứ 3. “Vấn đề các ĐB lo lắng là khi đốt thì khói có gây ô nhiễm không?”, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, với suy nghĩ của các ĐB và khẳng định, việc đốt rác được thực hiện trong môi trường kín, với nhiệt độ cao nên không phát sinh khí thải gây ô nhiễm. Quy trình xem xét, thẩm định công nghệ các dự án đốt rác phát điện được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Trong quá trình vận hành, các cơ quan chức năng cũng tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Bởi, nếu không kiểm soát tốt, khói thải từ các nhà máy đốt rác phát điện này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
-------------------------
Thông qua Nghị quyết 21 tờ trình của UBND TPHCM
Chiều 9-12, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX bế mạc sau 3 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho hay, đại biểu (ĐB) còn băn khoăn về ngân sách để lại cho TP quá thấp, không đủ nguồn lực để đầu tư cho phát triển; nguồn vốn không đủ để triển khai các dự án đầu tư cấp bách. Cùng với vấn đề kinh tế - ngân sách, nhiều ĐB cũng đặt ra nhiều giải pháp để giải quyết những điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông, đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm. Những nội dung về chăm lo an sinh xã hội cần được quan tâm điều chỉnh kịp thời hơn…
Năm 2020, HĐND TPHCM tăng cường phối hợp giám sát, trong đó tiếp tục tập trung giám sát sâu hơn những vấn đề cử tri TP quan tâm về trật tự an toàn xã hội, về vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và công tác vận động nhân dân trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”; Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Trước đó, HĐND TPHCM thảo luận và thông qua Nghị quyết 21 tờ trình của UBND TPHCM. Trong đó, có Nghị quyết tiếp tục thực hiện đề án chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TPHCM, thực hiện đến hết học kỳ 2 năm học 2019-2020. HĐND TPHCM cũng thông qua các nghị quyết cho phép UBND TP vay lại (nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) gần 23.932 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên); vay lại hơn 29.885 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Các ĐB đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (GRDP) đạt 8,3%-8,5%.