Nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn cao hơn 1-3 điểm so với năm 2019

Trong chiều 4-10, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn xét tuyển vào trường, kết quả cho thấy điểm chuẩn năm nay cao hơn 1-3 điểm so với năm 2019. 

Cuối chiều 4-10, các trường đại học (ĐH) đã hoàn thành kết quả lọc ảo lần 6. Dự kiến, trước 17 giờ hôm nay 5-10, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Từ ngày 15-10, các trường xét tuyển bổ sung nếu còn thiếu chỉ tiêu. Tuy nhiên, ngay trong chiều 4-10, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn xét tuyển vào trường, kết quả cho thấy điểm chuẩn năm nay cao hơn 1-3 điểm so với năm 2019. 

Trường ĐH Sư phạm TPHCM có điểm chuẩn ĐH chính quy xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 như sau: đối với nhóm ngành Đào tạo giáo viên, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm tiếng Anh với 26,5 điểm. Hai ngành có điểm thấp nhất là Giáo dục đặc biệt và Sư phạm tiếng Pháp với 19 điểm. Đối với các ngành hệ ngoài sư phạm: ngành Ngôn ngữ Anh có điểm cao nhất là 25,25. Ngành có điểm thấp nhất là Ngôn ngữ Nga với 19 điểm.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, điểm chuẩn vào các ngành/nhóm ngành chương trình hệ đại trà cao nhất là ngành Marketing với 24,5 điểm. Các ngành thuộc chương trình đào tạo đại trà có điểm thấp nhất là 17. Đối với chương trình chất lượng cao, điểm trúng tuyển cao nhất là 19 và thấp nhất là 17. Đối với phân hiệu Quảng Ngãi, điểm chuẩn trúng tuyển tất cả ngành đều là 15.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn vào tất cả các ngành bậc ĐH đều tăng so với mức điểm chuẩn năm ngoái từ 2 đến gần 3 điểm. Trong đó, ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất là 28. Kế tiếp là ngành Kỹ thuật ô tô với 27,5 điểm. Những ngành có điểm chuẩn cao như Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học máy tính (chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) là 27,25 điểm, ngành Kỹ thuật cơ điện tử là 27 điểm. 

Trường ĐH Nông lâm TPHCM, điểm chuẩn ngành Thú y là 24,5. Những ngành còn lại có điểm chuẩn thấp nhất là 16. Tại phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, điểm chuẩn cao nhất là ngành Thú y với 16 điểm và tất cả các ngành còn lại đều 15 điểm.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn hệ đại trà ngành Robot và trí tuệ nhân tạo cao nhất là 27. Ngành Kiến trúc nội thất có điểm thấp nhất 21,25 điểm. Các ngành hệ chất lượng cao tiếng Việt và Việt - Nhật ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật ô tô có điểm chuẩn cao nhất là 25,5. Các ngành hệ liên kết quốc tế đều 16 điểm.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM, điểm trúng tuyển tại cơ sở TPHCM ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm cao nhất là 27,6 và thấp nhất là ngành Bảo hiểm với 22 điểm. Tại phân hiệu Vĩnh Long, điểm chuẩn tất cả các ngành đều là 16.

Ngành Y khoa Trường ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất là 28,9 điểm. Kế đến là ngành Răng hàm mặt có điểm chuẩn là 28,65 điểm. So với năm 2019 (điểm chuẩn từ 19,9 đến 26,75 điểm), năm 2020 điểm chuẩn khá cao từ 22,4 đến 28,9 điểm.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm trúng tuyển năm 2020 dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT, kết hợp điểm thi với bài kiểm tra tư duy. Với phương thức xét tuyển dựa hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Khoa học máy tính (IT1) có điểm chuẩn cao nhất, lên tới 29,04, tăng 1,62 điểm so với năm ngoái; ngành Quản trị kinh doanh hợp tác với Đại học Troy (Mỹ) có điểm chuẩn thấp nhất là 22,5 điểm, nhưng vẫn tăng 1,9 điểm so với năm trước. Ở phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và bài kiểm tra tư duy của trường, điểm chuẩn thấp hơn do bài kiểm tra của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có cấu trúc khác và độ khó cao hơn đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Theo đó, điểm trúng tuyển theo phương thức này dao động 19 - 26,27 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020. Chỉ tiêu cho phương thức này là 1.955 sinh viên, chiếm gần 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), nhóm ngành Kinh tế - Quản trị của cơ sở ĐH Ngoại thương tại TPHCM có điểm chuẩn cao nhất là 28,15 (trung bình 9,3 điểm/môn).

Điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Kinh tế quốc dân là 28 điểm đối với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Các ngành còn lại đều từ 26 điểm trở lên.

Bên cạnh đó, ngành Đông Phương học lấy 29,75 điểm (năm ngoái lấy 28,5 điểm khối Văn, Sử, Địa, cao nhất cả nước). Một số ngành học khác điểm trúng tuyển vào trường cũng rất cao như Quản trị văn phòng: 28,5; Quốc tế học: 28,75; Báo chí (tổ hợp Văn-Sử-Địa) 28,5...

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy điểm trúng tuyển 17 - 26,1 điểm.

Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), lấy điểm chuẩn cao nhất là 25,3 cho ngành Giáo dục tiểu học; điểm trúng tuyển vào nhóm ngành Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên là 22,75 điểm; Nhóm ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý lấy 23,3 điểm; Nhóm ngành Khoa học giáo dục và các ngành khác lấy 17 điểm; nhóm ngành Giáo dục mầm non lấy 19,25 điểm. Khoa Quốc tế, ĐH Hà Nội có điểm chuẩn 17 - 23,25 điểm, tăng 1,75 - 4 điểm so với năm 2019 (mức điểm tăng mạnh nhất từ trước đến nay của Khoa Quốc tế).

Học viện Ngân hàng lấy điểm chuẩn các ngành dao động 21,5 - 27 (năm 2019, điểm chuẩn ngành cao nhất của trường là ngành Luật kinh tế với 24,75 điểm; năm nay điểm xét tuyển vào ngành này tăng 2,25 điểm). 

Nhiều thí sinh, phụ huynh đã “sốc” khi Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy tới 30 điểm đối với ngành Hàn Quốc học (Tổ hợp C00 - Văn, Sử, Địa), tức thí sinh phải đạt 3 điểm 10 hoặc có điểm ưu tiên. Ngành này có điểm cao do chỉ tiêu chỉ tuyển 50 sinh viên, trong đó có 30 là tuyển thẳng.

Trong hôm nay, những trường còn lại công bố điểm chuẩn. Thí sinh có thể xem điểm chuẩn và lịch nhập học trên website của từng trường. 

Tin cùng chuyên mục