Tiết kiệm - thông điệp đầu năm

Tiết kiệm - thông điệp đầu năm

Trong 2 ngày qua, qua đường dây nóng và email của Báo SGGP, nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến bày tỏ sự quan tâm và bình luận về Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra ngày 29-12-2014 nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Có thể nói thực hành tiết kiệm, siết chặt chi tiêu ngân sách là thông điệp chính mà Chính phủ muốn gửi đến người dân trong năm 2015. Trong năm 2014, cả nước đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ… Năm 2014 tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra. Dù vậy, trong tổng thể bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng, Chính phủ vẫn kiên quyết mục tiêu tăng cường quản lý thu chi ngân sách. Đây là một quyết sách đúng đắn, không thể “vung tay quá trán”.

Nhằm thực hành tiết kiệm, TPHCM đã quyết định thông xe cầu Lê Văn Sỹ đưa vào sử dụng mà không làm lễ khánh thành rườm rà, tốn kém. Ảnh: THANH HẢI

Trong năm 2014, chủ trương tiết kiệm đi vào cuộc sống và có xu hướng trở thành một nét văn hóa của xã hội. TPHCM đã quyết định thông xe 3 cầu mới (cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu và cầu Bông) đưa vào sử dụng mà không làm lễ khánh thành rườm rà, tốn kém. Một doanh nghiệp lớn ở TPHCM vừa nhận Huân chương Độc lập, đã rất ý thức khi ghi dòng chữ trong thiệp mời: “Thực hành tiết kiệm, không nhận hoa chúc mừng”. Nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết được tổ chức theo hướng ngắn gọn, đơn giản và đặc biệt phần “liên hoan tổng kết” hay phong bì “cơm trưa” đã bị cắt bỏ. Ở bình diện cả nước, nhiều đầu việc đã được tính toán chặt chẽ hơn, thí dụ như đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông từ 34.000 tỷ đồng đã giảm còn 800 tỷ đồng. Hay như việc Việt Nam xin rút đăng cai ASIAD 18 đã được người dân cả nước hoan nghênh do cần hạn chế chi phí tốn kém trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cho biết các đoàn đi nước ngoài trong năm qua đã giảm 20% ở cấp thứ trưởng trở lên và giảm 8% ở các đoàn địa phương. Đây là những con số ấn tượng, bởi như Thủ tướng phân tích: “Nói tiết kiệm, không dám mua ô tô 700 - 800 triệu đồng, nhưng chỉ một đoàn 10 người đi nước ngoài cũng hết 50.000 USD”.

Tiết kiệm là quốc sách, song không phải mọi việc đều dễ dàng, trơn tru. “Hiện nay còn lãng phí lớn lắm. Nơi đang thiếu phòng học, nơi phòng học không có học trò, chợ không có người ra vào” - điều Thủ tướng nêu ra tại hội nghị là nỗi trăn trở không chỉ của người lãnh đạo mà là nỗi day dứt của cả xã hội. Không day dứt sao được khi đồng tiền lãng phí ấy là đồng tiền nộp thuế của người dân. Vì thế, khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn lên 1,6 lần (hơn 890 triệu USD), tuyến metro số 1 TPHCM tăng 2,7 lần (hơn 47.000 tỷ đồng), tuyến metro số 2 giai đoạn 1 tăng 1,6 lần (gần 2,2 tỷ USD)…, và nhiều dự án đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, vừa xây xong đã xuống cấp, khiến dư luận sốc nặng.

“Tiền thuế của dân phải được sử dụng có hiệu quả” - phát biểu của Thủ tướng không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ đối với các ban ngành, đó còn là tâm tư, đòi hỏi của hàng triệu người Việt Nam. Làm sao để mệnh lệnh nói trên thấm sâu vào nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, đi vào đời sống xã hội như một thói quen tự nhiên. Bạn đọc hoan nghênh sự kiện cũng trong ngày 29-12, lãnh đạo TP Hà Nội đã ban hành quy định “lãnh đạo TP không được tham gia các đoàn công tác nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ; mỗi đoàn đi không quá 10 người, không quá 10 ngày”. Đây là một cách giúp doanh nghiệp tiết kiệm, đồng thời tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng sẽ là một phép thử - bớt quà cáp, biếu xén cán bộ lãnh đạo, và thay vào đó là dành nhiều phần quà thiết thực, ý nghĩa cho người lao động, người nghèo và các nhà mở, mái ấm… Tiết kiệm còn có nghĩa là làm sao để các công trình không đội vốn, bớt mua sắm xe công, bớt cất trụ sở mới quá hoành tráng, chuyển nguồn ngân sách sang những công trình đặc biệt, bức bách, phục vụ dân sinh như trường học, trạm xá, cầu đường ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn… Mong mỏi này là mong mỏi của Chính phủ và cũng của người dân cả nước.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục