Lơ là phòng chống cháy nổ

Gần đây, trên địa bàn TPHCM và một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Thực tế cho thấy việc phòng chống cháy ở một số nơi chưa được chú trọng.

Gần đây, trên địa bàn TPHCM và một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Thực tế cho thấy việc phòng chống cháy ở một số nơi chưa được chú trọng.

“Bom nổ chậm”!

Hiện nay có rất nhiều điểm thu mua phế liệu mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về kinh doanh, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ… Đi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) có thể thấy cảnh những bao tải phế liệu chất ngổn ngang, cao hơn mái nhà nhan nhản hai bên đường, các loại giấy, ni lông, sắt, thép, nhựa, hàng gia dụng... cũng chất chồng lên nhau trông rất phản cảm, một số nơi còn tận dụng luôn cả vỉa hè làm nơi tập kết phế liệu.

Dọc quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) cũng thành khu thu mua phế liệu lớn với hàng chục hộ hành nghề. Nhiều bãi phế liệu lớn, san sát nhau, chỉ chừa lối đi vừa đủ một người qua lọt. Ở các điểm này, các loại phế liệu dễ bắt lửa cháy nổ lại không được bảo quản cẩn thận. Qua đường dây nóng Báo SGGP, cư dân ngụ sát các điểm thu mua phế liệu này nhiều lần bày tỏ sự lo lắng vì nếu như có cháy nổ thì không biết chạy đâu cho kịp.

Cư dân ở đường Lê Văn Việt (quận 9) phản ánh một điểm thu mua tại đây bày biện ngổn ngang các loại phế liệu, trong khi đường dây điện cũ kỹ giăng mắc chằng chịt, rất dễ xảy ra chập điện. Hàng ngày, một lượng lớn phế liệu từ những người thu mua nhỏ lẻ các nơi đưa về đây tập kết. Trong cái nắng oi bức, nếu sơ ý, một đốm lửa từ tàn thuốc lá cũng có thể thổi bùng lên ngọn lửa và thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà.

Quan sát tại nhiều vựa thu mua phế liệu khác nằm rải rác trên các tuyến đường Thống Nhất (quận Gò Vấp), Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), quốc lộ 1A (quận 12, quận Thủ Đức), Phan Văn Khỏe (quận 6)... cũng thấy rõ tình trạng lơ là với việc phòng chống cháy nổ.

Để hạn chế những hiểm nguy cháy nổ từ các kho phế liệu, các địa phương cần nhắc nhở các hộ kinh doanh phải biết sắp xếp, lưu trữ ngăn nắp những loại vật liệu dễ cháy, buộc phải trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm.

Từng hộ phải phòng cháy

Mặc dù đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà thiệt hại nghiêm trọng nhưng nhiều hộ vẫn chưa chú trọng việc phòng cháy. Những vụ cháy nhà gây thiệt hại nghiêm trọng đều không được phát hiện kịp thời, thời gian cháy tự do quá lâu dẫn đến cháy lớn. Trong khi đó, cư dân tại chỗ không biết sử dụng các phương tiện chữa cháy, không nắm được các động tác kỹ thuật chữa cháy, thiếu dũng cảm và sự bình tĩnh khi chữa cháy ban đầu, thiếu nước để chữa cháy.

Có nhiều hộ không đảm bảo an toàn điện, gas và vật liệu dễ cháy, nhà hoặc cơ sở không có lối thoát hiểm. Những nguyên tắc rất đơn giản nhưng lại không được chú trọng: đun nấu phải có người trông coi; ra khỏi nhà phải tắt hết điện; châm bếp dầu phải tắt lửa; phải hết sức thận trọng việc thắp nhang đèn; nhắc nhở trẻ em không được nghịch lửa, không đốt lửa, giăng mắc điện thiếu an toàn gần các vật liệu dễ cháy; không khóa trái cửa để trẻ con bên trong nhà...

Để phòng cháy chữa cháy hiệu quả, từng hộ cần phải chuẩn bị bình chữa cháy xách tay, xô thùng, bồn chứa nước để sẵn sàng dập tắt ngay khi vừa phát cháy. Đối với nhà có từ 3 tầng trở lên, nên trang bị thang dây thoát hiểm bố trí trên sân thượng để có thể thoát ra kịp thời. Các địa phương nên tổ chức cho cư dân ở các khu dân cư dễ cháy tập luyện xử lý tình huống cháy, hướng dẫn các thao tác sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để có biện pháp chữa cháy kịp thời.

HUYỀN NHÃ - PHAN CHÚC

Tin cùng chuyên mục