Khiếu nại khi bị gây rối hoạt động kinh doanh

Gần đây, nhiều bạn đọc đề nghị chuyên mục Luật sư của bạn tư vấn về việc hành xử theo quy định pháp luật khi bị đối thủ cạnh tranh gây rối hoạt động kinh doanh.

Gần đây, nhiều bạn đọc đề nghị chuyên mục Luật sư của bạn tư vấn về việc hành xử theo quy định pháp luật khi bị đối thủ cạnh tranh gây rối hoạt động kinh doanh.

Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004 có quy định rõ việc gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm: chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Cạnh tranh do Chính phủ quy định. Cũng theo quy định của Luật Cạnh tranh, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại; có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua mạng điện tử bằng hình thức bản sao (bản scan từ bản gốc, file văn bản).

Nội dung hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh phải có các nội dung chính sau: thông tin bên khiếu nại và bên bị khiếu nại; thông tin người làm chứng (nếu có); thông tin người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có); chứng cứ chứng minh đơn khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp; vấn đề cụ thể yêu cầu cơ quan quản lý cạnh tranh giải quyết; trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử, phải kèm theo chữ ký điện tử hợp pháp của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Thời hiệu khiếu nại vụ việc cạnh tranh là 2 năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

Bên cạnh việc quy định rõ quyền của tổ chức, cá nhân khiếu nại, Điều 32 Nghị định 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh trạnh cũng nêu rõ mức chế tài. Đối với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm cản trở, gián đoạn hoạt động kinh doanh thì bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng. Mức phạt tiền cao hơn từ 100 - 150 triệu đồng khi hành vi gây rối hoạt động kinh doanh làm cho doanh nghiệp bị gây rối không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh một cách bình thường, hoặc hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và buộc cải chính công khai.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục