Nhớ mãi Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc

Trong cuộc sống có những điều trùng hợp kỳ lạ. Cách đây không lâu, vào một chiều hoàng hôn, tôi và anh Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT, cựu chiến binh Sư đoàn 5 về thăm đơn vị cũ đóng quân trên đất Tây Ninh. Lòng tôi cứ nao nao nhớ về những người đã một thời cùng chiến hào đánh Mỹ. Trong số ấy, hình ảnh ông Năm Phúc (Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7) cứ ẩn hiện trong tôi. Tôi nhớ đến nụ cười và giọng nói ấm áp của người Trung đoàn trưởng mà mình hằng kính trọng và đặc biệt gương mặt ông khóc khi nhắc về những tình huống chiến tranh, khi những người lính của ông - những chàng trai tuổi mười chín, đôi mươi ngã xuống.
Nhớ mãi Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc

Trong cuộc sống có những điều trùng hợp kỳ lạ. Cách đây không lâu, vào một chiều hoàng hôn, tôi và anh Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT, cựu chiến binh Sư đoàn 5 về thăm đơn vị cũ đóng quân trên đất Tây Ninh. Lòng tôi cứ nao nao nhớ về những người đã một thời cùng chiến hào đánh Mỹ. Trong số ấy, hình ảnh ông Năm Phúc (Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7) cứ ẩn hiện trong tôi. Tôi nhớ đến nụ cười và giọng nói ấm áp của người Trung đoàn trưởng mà mình hằng kính trọng và đặc biệt gương mặt ông khóc khi nhắc về những tình huống chiến tranh, khi những người lính của ông - những chàng trai tuổi mười chín, đôi mươi ngã xuống.

MỘT

Lần đầu tôi gặp ông Năm Phúc cách đây gần 40 năm, khi ông từ Sư đoàn 5 về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 đang làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu dưới chân núi Thị Vải, chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhưng trước đó, tôi đã biết tiếng ông, một sĩ quan chỉ huy pháo binh, một cán bộ tham mưu tác chiến năng nổ gắn liền với những chiến công lừng lẫy của Sư đoàn. Là chỉ huy cấp trên của tôi, nhưng ông Năm luôn coi tôi như một người bạn vong niên, thân thiết.

Ông thường trao đổi một cách bình đẳng với tôi về những câu chuyện thời sự và cả tâm tư của người lính khi vừa bước ra cuộc chiến tranh và sẵn sàng dấn thân cho một cuộc chiến tranh mới. Ông không tự nói về mình, nhưng qua lời kể của những người cùng thời với ông, tôi càng thêm quý trọng người chỉ huy đáng kính.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn – Gia Định trước đây, năm 1947, khi vừa bước vào tuổi 15, cậu bé Nguyễn Thành Tho (tên khai sinh của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc) đã tình nguyện tham gia cách mạng. Từ một giáo viên bình dân học vụ, Thư ký Ủy ban Hành chính xã Vĩnh Lộc, ông trở thành sĩ quan quân đội, làm Chủ nhiệm trinh sát pháo binh Trung đoàn, Trưởng ban Pháo, Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn rồi làm Trung đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng, Phó Tư lệnh thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 7, Đại biểu Quốc hội khóa IX.

Chiến sĩ Trung đoàn 174 tập bắn súng trên thao trường. Ảnh: Website QĐND

Chiến sĩ Trung đoàn 174 tập bắn súng trên thao trường. Ảnh: Website QĐND

Hơn nửa thế kỷ tham gia quân đội với nhiều nhiệm vụ, trọng trách khác nhau, ông đều vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều ấy rất đáng nói, rất đáng trân trọng, nhưng với tôi, ông để lại những ấn tượng sâu sắc lại bởi những câu chuyện tưởng như bình dị mà không thể phai mờ.

Tôi nhớ cuối năm ấy, khi Trung đoàn 174 của chúng tôi đang làm nhiệm vụ huấn luyện tại Đồng Nai thì nửa đêm ông Năm Phúc gõ cửa phòng tôi :

- Này nhà báo (ông vẫn thường gọi thế) – anh em đã nhận quyết định giải ngũ cả rồi, điều họ trở lại chiến trường thì nói với họ sao nhỉ ?

Tôi biết ông hỏi là chỉ để hỏi cho vơi đi nỗi lòng, chứ bằng bản lĩnh và tấm lòng của ông, câu trả lời đã có sẵn trong đầu người chỉ huy chiến trận dạn dày kinh nghiệm. Đêm ấy, ông dẫn theo một sĩ quan tác chiến phóng xe lên Tiểu đoàn 5 đang đóng quân ở Gia Tân – Gia Kiệm ( Đồng Nai ). Giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn trưởng Bùi Đức Trần mà giọng ông như sắp khóc:

- Mình biết anh em đã có quyết định giải ngũ. Nhưng biên giới lại có giặc, ông tập trung anh em lại để mình nói chuyện, động viên anh em tiếp tục ở lại đơn vị chiến đấu.

Trước mặt anh em, ông cố giấu đi nỗi xúc động, thân thiết như người cha, người anh nói với con em mình về việc nhà, việc nước không thể không có mặt của họ. Hơn một trăm con người ấy đã nghe theo ông, trả lại quyết định phục viên, tiếp tục cầm súng ra trận. Và trong số ấy có rất nhiều người đã nằm lại trên biên giới, trên đất bạn, không bao giờ có dịp gặp lại cha mẹ, vợ con nữa.

Lần thứ hai, ông để lại ấn tượng sâu sắc là khi Liên Xô sụp đổ. Đó là khoảng cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Lúc ấy đang làm Tham mưu phó phụ trách tác chiến của Quân khu, ông được cử đi học ở Học viện Vô-Rô-Si-Lốp (Liên Xô cũ). Chưa hoàn thành khóa học phải trở về nước, ông hiểu rõ nguyên nhân của sự biến chính trị long trời, lở đất này. Gặp tôi, giọng ông gay gắt:

- Không thể như thế được, nhà báo ạ…

Một lúc sau, ông chậm rãi nói :

- Thôi, đó là việc của người ta, còn mình, mình không thể để xương máu của hàng triệu đồng đội, đồng bào mình đổ xuống sông xuống biển. Phải bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn…

Tôi nhớ lại giọng nói của ông một thời chiến trận – đanh thép và dứt khoát.

HAI

Cách đây chưa đầy một tháng, tôi gặp ông trong cuộc họp mặt kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn. Ông vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Tôi tặng ông cuốn sách mới Ký ức xanh viết về bộ đội, trong đó có nhiều bài về Trung đoàn 174, Sư đoàn 5. Ông vui lắm. Lật qua các trang sách, giọng ông ấm áp, sôi nổi:

- Được đấy, phải ghi chép lại cho thế hệ sau hiểu được sự hy sinh của người lính bộ đội Cụ Hồ hôm nay.

Nhìn gương mặt rạng rỡ của ông, tôi nhớ lại lần gặp ông cách đây không lâu ở Trung đoàn 174. Lần này thì ông không kìm được sự xúc động nữa. Nhắc lại câu chuyện hơn 30 năm về trước khi xuống giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 5, ông nói:

- Sau này về Quân khu, tôi mới biết rõ, trong số hơn 100 anh em mà tôi động viên trả quyết định phục viên ra trận ngày ấy chỉ còn vài chục người trở về.

Và ông khóc như chưa bao giờ được khóc.

Biết chúng tôi đang chuẩn bị giai đoạn 2 chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, ông động viên:

- Các bạn làm việc ấy thật ý nghĩa. Lo cho cả nước, nhưng cũng chú ý lo cho anh em cựu chiến binh của Sư đoàn, Trung đoàn mình đang gặp khó khăn. Sau chiến tranh còn nhiều người không có nhà ở; còn nhiều đồng chí có con cháu bị nhiễm chất độc màu da cam… cần được sự giúp đỡ.

Chúng tôi chưa có dịp thực hiện trọn vẹn lời ông dặn, thì ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Biết đó là quy luật của muôn đời, có sinh có tử, nhưng nghe tin ấy lòng tôi bỗng nhói đau như vừa mất đi một kỷ vật vô giá. Vừa bước xuống sân bay, sau một chuyến công tác dài ngày, tôi chạy đến bên ông. Ông nằm đó, gương mặt thanh thản như đang ngủ. Đồng đội và những người thân thiết quây quần bên ông. Trong số ấy chắc chắn có những người lính của Trung đoàn 174 - đoàn Cao Bắc Lạng mà một thời ông làm Trung đoàn trưởng.

Tôi nhớ đến tượng đài chiến sĩ đặt trước sở chỉ huy Sư đoàn 5, nơi tôi và Lê Doãn Hợp cùng đồng đội vừa đến thắp nhang. Sự trùng hợp kỳ lạ như thế đấy, ngay lúc ấy tôi nghĩ đến ông Năm Phúc – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc.

Bây giờ thân thể ông đã trở về với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của quê hương Bình Chánh và linh hồn ông đang phiêu diêu cùng đồng đội, trong đó có những người lính Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174 mà cách đây hơn 30 năm ông đã động viên họ trở lại mặt trận hy sinh vì quê hương, đất nước.

Đêm 18-12-2011 

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục