Nhớ - Ơn - Cách - Mạng

Vào một ngày cuối tháng 10, tôi nhận được điện thoại của một người bạn rủ về Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Bạn nhắn nhủ: Tranh thủ về, vì 4 người mang tên “Nhớ - Ơn - Cách - Mạng” ở Đất Mũi đã mất 3 người, chỉ còn lại một người.
Nhớ - Ơn - Cách - Mạng

Vào một ngày cuối tháng 10, tôi nhận được điện thoại của một người bạn rủ về Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Bạn nhắn nhủ: Tranh thủ về, vì 4 người mang tên “Nhớ - Ơn - Cách - Mạng” ở Đất Mũi đã mất 3 người, chỉ còn lại một người.

“Bộ tứ” mà người bạn tôi nói đến là bốn ông mang bí danh trong thời kháng chiến chống Mỹ: Nhớ - Ơn - Cách - Mạng. Nghe nói vậy, tôi giật mình và hẹn đầu tuần sẽ xuống…

Thấy chúng tôi là khách lạ và đến không hẹn trước, ông Ba Mạng và gia đình khá bất ngờ. Khi nghe tôi giới thiệu đã từng gặp ông cách đây hơn 4 năm trong một lần họp mặt cựu chiến binh Đoàn 962 (điểm cuối trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển) thì ông Ba mới nhớ ra.

Ông Ba Đời - một trong "bộ tứ" ở Đất Mũi

Ông Ba Mạng hiện sống giản dị trong một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ven rừng. Bên ly trà, ông say sưa kể cho khách những câu chuyện xưa và nay ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc:

1. ...15 tuổi tôi đã tham gia hoạt động cách mạng, lúc bấy giờ là đoàn viên phụ trách 37 hộ dân sống ở cồn Mũi, nhiệm vụ chính là tuyên truyền quần chúng nhân dân giác ngộ cách mạng. Thời này dân cư thưa thớt, ba mặt giáp biển, phần còn lại là rừng xanh ngút ngàn. Trong rừng thì cá, tôm nhiều vô số kể, khi bơi xuồng chỉ cần lấy cây dầm rà qua rà lại trước mũi thì tôm búng lên tung tóe mặt nước.

Năm 1959, tình hình hoạt động cách mạng của ta lúc này gặp nhiều khó khăn, địch tăng cường khủng bố, đạo Luật 10/59 của chính quyền tay sai Mỹ lê máy chém khắp nơi, còn bọn mật thám hoạt động rất mạnh nên lực lượng cách mạng của ta phải rút vào cứ (trong rừng). Trong một đêm sinh hoạt ở cứ, chú Mười Nhạt (Nguyễn Văn Nhạt, tổ Đảng ở ấp Mũi) nói với chúng tôi: “Chúng ta làm cách mạng thì phải ghi nhớ đến cách mạng”. Để không quên đời làm cách mạng, chú đặt cho anh em chúng tôi 4 bí danh: “Nhớ - Ơn - Cách - Mạng”. Trong “bộ tứ” này, lớn tuổi nhất là anh Ba Nhớ (Nguyễn Văn Dễ, con chú Mười Nhạt), rồi anh Ba Ơn (Võ Văn Đàm), Ba Cách (Lý Văn Coi) và tôi là Ba Mạng (Võ Văn Bời). Và từ đó đến nay gặp tôi ai cũng kêu Ba Mạng, còn cái tên “cúng cơm” không còn mấy ai nhớ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhạt (xã Đất Mũi) đã có công che chở đồng chí Lê Duẩn bám trụ hoạt động cách mạng

2. Xã Đất Mũi ngày nay nằm trong một phần của xã Viên An trước đây. Vùng đất cực Nam này tuy dân cư còn thưa thớt nhưng sớm trở thành cái nôi của cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hoạt động cách mạng đã diễn ra sôi nổi, đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nổ ra ngày 13-12-1940 do thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo. Dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng tinh thần khởi nghĩa Hòn Khoai luôn được người dân ghi nhớ và phát huy. Sau này, tỉnh Cà Mau chọn ngày khởi nghĩa Hòn Khoai làm ngày truyền thống của tỉnh. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất cực Nam cũng nổi tiếng là điểm cuối của tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.

Sau phong trào Đồng Khởi nổ ra ở Bến Tre, Trung ương chủ trương mở tuyến đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Những ngày đầu, tôi và một số người hoạt động cách mạng ở đây được chọn tham gia khảo sát mở đường. Tuy nhiên, không may mắn cho tôi khi hai chuyến đi đều không thành công. Chuyến đi lần thứ nhất (6 người) vào năm 1961 bằng thuyền gỗ, ngụy trang như tàu đánh cá do Bí thư Tư Lưới chỉ huy, thuyền trưởng là Sáu Danh. Trước khi lên tàu, tất cả làm lễ “truy điệu” vì khi ra đi không biết ngày nào về và không biết sống chết ra sao. Khi tàu xuất bến được 2 ngày thì Bí thư Tư Lưới làm lễ kết nạp Đảng chính thức cho tôi. Lễ kết nạp diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng ở trên tàu. Tuy nhiên, khi đi trên biển đến ngày thứ 4 thì tàu bị phá nước chỗ ống tiếp, lại gặp lúc biển động nên Bí thư Tư Lưới quyết định cho tàu hướng vào bờ sửa chữa và sau đó quay trở về.

Một năm sau, tôi tiếp tục được chọn đi ra Bắc một chuyến nữa. Chuyến đi này do đồng chí Tư Mau làm Bí thư, thuyền trưởng là Mười Thượng. Tàu tôi rời bến trước tàu của anh Bông Văn Dĩa (Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, người mở đường Hồ Chí Minh trên biển) một ngày. Khi đến vùng biển Đà Nẵng thì gặp tàu tuần tra địch. Sau đó, toàn bộ anh em gồm 6 người đều bị bắt giam. Trước khi bị bắt, các đồng chí đều thống nhất khai tàu ở Kiên Giang, đang đánh bắt hải sản thì gặp bão nên bị lạc đường. Mọi người đều thề trước sau như một trung thành với cách mạng. Các anh em bị bắt giam gần một năm nhưng địch không khai thác được gì nên thả.

Khi về, tôi bắt liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng chung. Tôi được phân công nhiệm vụ mới ở Đoàn 962 là tiếp nhận, vận chuyển vũ khí từ các cụm, bến của các Đoàn tàu không số. Hoạt động được một thời gian, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ, nhất là sau sự kiện tàu C143 của ta bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2-1965). Sau sự kiện này, địch tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, vì vậy hoạt động vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển ngày càng khó khăn.

3. Sau trận đánh Mậu Thân 1968, tôi được điều về Tiểu Đoàn 420 (làm Tiểu Đoàn trưởng, sau đó làm Tham mưu trưởng) thuộc Trung đoàn 195. Nhiệm vụ mới là hoạt động ở chiến trường Tây Nam, vùng biên giới Camphuchia (tuyến đường 1C). Trong quá trình hoạt động ở đây, một hôm tôi được đồng đội báo tin dữ: Vợ tôi đã hy sinh trong trận đánh ở đồn Bào Chấu (Đầm Cùng, huyện Cái Nước) vào đêm 24-7-1970. Nghe tin vợ mất, nhưng tôi không kịp về làm đám tang nên hối tiếc mãi đến nay. Vợ tôi mất để lại 3 đứa con đang tuổi lớn nên hoàn cảnh tôi lúc này hết sức khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này chiến tranh đang diễn ra hết sức ác liệt, vì vậy tôi nén đau thương tiếp tục chiến đấu. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất thì tôi xin nghỉ công tác để về quê chăm lo các con. Đến nay, tôi sống cuộc đời bình thường ở vùng Đất Mũi.

***

...Kể với khách đến đây, ông Ba Mạng bất chợ quay về hiện tại. Ông nói, cuối năm nay người dân Đất Mũi sẽ đón niềm vui lớn, đó là đường Hồ Chí Minh trên bộ về đến Đất Mũi. “Đây là niềm mong ước ngàn đời của người dân nơi đây. Trong chiến tranh, đường Hồ Chí Minh trên biển đã cập bến Vàm Lũng đầu tiên và bây giờ thì đường Hồ Chí Minh trên bộ lại “cập bến”. Tôi tin chắc vùng Đất Mũi sẽ nhanh chóng đổi thay, cuộc sống của người dân sẽ tốt đẹp hơn. Và hơn hết, điều mong mỏi nhất của người dân là hai điểm thiêng liêng của Tổ quốc là Pắc Bó (Cao Bằng) và mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã gần hơn, đường thiên lý Bắc - Nam liền một dải”, Ba Mạng tâm sự trước lúc tiễn khách ra về.

 Năm 1998, ông Võ Văn Bời được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ba người còn lại, trong “bộ tứ” ở Đất Mũi cũng được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Nhạt - người khai sinh ra “bộ tứ” ở Đất Mũi là một “địa chỉ đỏ” ở vùng đất này. Gia đình ông Nhạt trong những năm 1955-1958, đã che chở đồng chí Lê Duẩn bám trụ hoạt động cách mạng. Chính khoảng thời gian này, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo Đề cương Cách mạng miền Nam - tiền thân của Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng (theo Bảo tàng Cà Mau).

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục