Khi tắm thấy vết bầm đỏ trên tai con trai 5 tuổi, chị H., nhà ở một quận ven của TPHCM, dò hỏi thì con nói bị cô giáo nhéo tai vì ăn chậm và làm đổ cơm trên bàn. Dù xót con nhưng chị H. cố giữ bình tĩnh để hôm sau đến trường gặp riêng cô góp ý nhẹ nhàng.
Cô giáo nhận lỗi có nhéo tai cháu vì cháu thường xuyên không nghe lời, ăn chậm… Cô cũng hứa sẽ không làm thế nữa. Nhưng sau sự việc “dám về méc mẹ”, cháu bị cô giáo dằn mặt là “lần sau không được kể với mẹ những chuyện ở trường”. Không những thế, cô còn bảo các bạn trong lớp “bo bo xì” - không chơi với con mình - một hình phạt nặng nhất với trẻ nhỏ. Thấy con buồn, không muốn đi học, chị H xót xa và nghĩ đến việc phải tìm chỗ học khác cho con. Thế nhưng, chị còn đắn đo vì trường mầm non con học ở gần nhà, có tên tuổi và tiện lợi việc đưa đón hàng ngày. Suy tính kỹ, chị quyết định gặp cô hiệu trưởng trình bày sự việc và xin chuyển cháu sang lớp khác. Rất may, cô hiệu trưởng lắng nghe, thay mặt nhà trường xin lỗi và chuyển cháu sang lớp khác.
Bảo mẫu đánh trẻ tại một lớp mầm non. Ảnh: T.L
Tương tự, cháu C. học lớp 1 ở một trường tiểu học ở quận trung tâm cũng hay bị cô giáo đánh vì tội nói chuyện nhiều, nghịch ngợm, ngồi không yên. Biết tính con mình hiếu động, thuộc dạng không dễ nghe lời, chị T. chủ động gặp cô giáo chủ nhiệm để trao đổi và mong cô quan tâm nhưng đừng làm cháu sợ. Hiểu ý phụ huynh trách mình vì đã đánh cháu C., cô chủ nhiệm tỏ ý bực bội và nói thẳng với cháu C. là “không được kể với mẹ” chuyện bị đánh ở trường. Không chấp nhận cách hành xử của giáo viên chủ nhiệm, sự bao che của ban giám hiệu, chị T. đành xin chuyển con qua trường khác.
Câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” được treo ở nhiều trường học, nhưng thực tế có bao nhiêu trẻ hàng ngày đến trường phải đối mặt với nạn bạo hành thân thể lẫn tinh thần như nêu trên. Thực tế khảo sát cho thấy trẻ em ở bậc mầm non thường bị cô giáo đánh, mắng nhiều nhất vì các cháu còn nhỏ, vừa nghịch ngợm, hiếu động lại vừa vụng về, ăn uống chậm, khó ngủ… Ai cũng hiểu chăm sóc trẻ em ở độ tuổi này rất cực và giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực với công việc nặng nhọc này. Thế nhưng, không thể vì lý do đó mà các cô có hành vi phản sư phạm, đối xử thiếu công bằng và nghiêm trọng hơn là đánh mắng, hành hạ các cháu. Đừng nghĩ các cháu còn nhỏ không biết nhận xét và cảm nhận được sự yêu thương của cô.
Trẻ con như tờ giấy trắng, tâm hồn trong sáng và khi giáo viên vẽ lên đó những đường nét xấu, hướng trẻ đến sự thiếu trung thực như bắt trẻ nói dối với người lớn thì làm sao dạy trẻ tính trung thực, thật thà? Gần đây, trên các phương tiện thông tin truyền thông ngày càng xuất hiện nhiều clip, câu chuyện đau lòng về trẻ em bị bạo hành dã man tại trường học. Mới nhất và nổi cộm nhất là clip về một bé gái 3 tuổi ở Trường Mầm non Cầu Kè (Trà Vinh) bị bảo mẫu tát vào mặt bầm tím, gào thét thảm thiết. Trước đó, một trẻ 16 tháng tuổi ở Trường Mầm non Ánh Sao (Hà Đông, Hà Nội) không chịu ăn bị cô giáo tát bầm tím mặt. Một vụ việc mang tính chất dã man và vô lương tâm hơn là một cô giáo mầm non ở tỉnh Tuyên Quang tát chảy máu miệng và đạp gãy xương đùi cháu nhỏ 3 tuổi…
Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy, những tỳ vết bị bạo hành về thể xác lẫn tinh thần ở trường, nhất là bậc mầm non, tiểu học sẽ khiến trẻ sợ đi học, thu mình lại và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển tâm sinh lý. Cần sớm có những giải pháp hiệu quả để giảm nạn bạo hành trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng.
HÀ KHÁNH