Những bài học sử Việt

Trên thị trường sách văn học mấy năm qua có một nghịch lý, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam rất hiếm trong khi tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc lại đầy ắp trên kệ sách. Trong số sách lịch sử Việt Nam hiếm hoi ấy, cuốn “Ba nhà cải cách” (NXB Văn Nghệ 8-2007) của nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã đáp ứng phần nào nhu cầu của bạn đọc…
Những bài học sử Việt

Trên thị trường sách văn học mấy năm qua có một nghịch lý, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam rất hiếm trong khi tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc lại đầy ắp trên kệ sách. Trong số sách lịch sử Việt Nam hiếm hoi ấy, cuốn “Ba nhà cải cách” (NXB Văn Nghệ 8-2007) của nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã đáp ứng phần nào nhu cầu của bạn đọc…

Những bài học sử Việt ảnh 1

Cảm nhận đầu tiên về cuốn Ba nhà cải cách là một bức tranh hoành tráng về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII. Ba câu chuyện về ba nhân vật lịch sử sống cách nhau vài thế kỷ: Khúc Hạo (thế kỷ X), Trần Thủ Độ (thế kỷ XIII), Đào Duy Từ (thế kỷ XVII). Song dưới ngòi bút hoạt biến của các tác giả, mỗi vị trong dẫn trình cải cách của mình đều phải tranh biện hay tổng kết những bài học lịch sử trước đó.

Nhờ vậy,  bức tranh lịch sử trở nên liền mạch, giúp bạn đọc có một cái nhìn khái quát toàn bộ giai đoạn 700 năm lịch sử, từ sau thời kỳ Bắc thuộc đến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Một kho kiến thức lịch sử phong phú như vậy rất cần thiết cho thanh thiếu niên, học sinh. Lâu nay, công luận đã nhiều lần lên tiếng về các vấn đề giáo dục, trong đó nổi cộm là chất lượng dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông. Mùa thi năm nay có những hội đồng thi trên 90% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn sử. Một dân tộc mà lớp trẻ không thuộc sử nước nhà dễ khiến các em nhận thức không đúng hoặc tự ti khi hội nhập với bên ngoài. Thiết nghĩ, những cuốn sách như Ba nhà cải cách nên có mặt ở các tủ sách gia đình, thư viện các trường học, góp phần dạy và học tốt môn sử.

Đất nước ta vừa qua 20 năm cải cách, đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng xuất hiện nhiều vấn đề mà các nhà quản lý phải sớm điều chỉnh. Đại hội Đảng lần X đánh dấu bước hai của quá trình cải cách, gắn cải cách kinh tế với cải cách hành chính và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Cuốn Ba nhà cải cách ra đời kịp thời đã cung cấp cho các nhà quản lý nhiều bài học bổ ích của tiền nhân. Khúc Hạo chết thảm ở Phong Châu vì quá tin người, sa đà vào cải cách những sự việc cụ thể mà thiếu cảnh giác. Trần Thủ Độ tài năng, tâm huyết với cải cách nhưng vì quyền lực không bị ai giám sát nên trở thành người “công bảy tội ba”…

Với Đào Duy Từ, ông quan niệm cải cách phải quyết liệt, toàn diện, triệt để… Những bài học ấy đến nay vẫn còn tính thời sự. Đi sâu vào từng chi tiết chúng ta còn thấy Đào Duy Từ sáng suốt khi bỏ chính sách “Nhà đồ”, thực chất là bãi bỏ độc quyền về ngoại thương của Nhà nước. Hay như chính sách thuế “Sai dư” mà ngày nay chúng ta gọi là thuế thu nhập cá nhân, ông chia ra nhiều mức thuế đánh theo giàu, nghèo, vị thế xã hội… Những gì mà ông khởi xướng đến nay  còn nguyên giá trị để các nhà quản lý tham khảo, học tập trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

Cuốn Ba nhà cải cách của Vũ Ngọc Tiến còn là cuốn sách tham khảo bổ ích cho kế hoạch xây dựng phim lịch sử truyền hình khi lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đang đến gần. Nhiều năm cộng tác viết kịch bản phim tài liệu với VTV1 đã giúp Vũ Ngọc Tiến có cách viết truyện mang tính logic hình trong điện ảnh. Các nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh có thể tìm thấy ở Ba nhà cải cách nhiều gợi ý để làm phim truyện lịch sử truyền hình nhiều tập. Điều thú vị ở chỗ mỗi cốt truyện đã hình thành ý tưởng cho một kịch bản dài.

Đi sâu vào từng cốt truyện, đôi khi chỉ một tình tiết cũng gợi ý cho nhà biên kịch hư cấu thành một hoặc hai tập phim ly kỳ, hấp dẫn mang màu sắc huyền thoại và võ hiệp: cảnh đêm hội thề ở Cúc Bồ hay cảnh đấu võ ngoài chợ giữa Ngô Mân với Dương Diên Nghệ (hồi thứ hai - Cúc Bồ tụ nghĩa); cảnh Xuân Mai, Hạ Lan đưa Chiêu Thánh trốn khỏi lãnh cung; cảnh cướp ngục cứu Hữu Dư của Duy Từ và Thục Nga ở phủ An Trường… Lâu nay ta chưa có nhiều phim lịch sử truyền hình ăn khách phải chăng vì Nhà nước thiếu quyết tâm đầu tư, còn nhà đài cũng chưa có nhiều những cốt truyện lịch sử như vậy để nhà biên kịch và đạo diễn khai thác?

Lê Mai

Tin cùng chuyên mục