Những công trình ghi dấu ấn

Cây cầu của thế kỷ
Những công trình ghi dấu ấn

Hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, TPHCM đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cầu và đường. Sau nhiều năm triển khai xây dựng, trong năm 2009 và đầu năm 2010 hàng loạt công trình giao thông quan trọng như: Dự án Đại lộ Đông - Tây, cầu Thủ Thiêm (giai đoạn 2), cầu Phú Mỹ, dự án nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác (Cần Giờ), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận)… chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng và để lại nhiều dấu ấn trong mọi người dân TPHCM.

Một góc công trình cầu Thủ Thiêm tại nút giao thông phía quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG

Một góc công trình cầu Thủ Thiêm tại nút giao thông phía quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG

Cây cầu của thế kỷ

Điểm lại danh mục những công trình giao thông được đưa vào sử dụng trong thời gian mới đây, mọi người đều phải nhắc đến những cây cầu làm tô thêm vẻ đẹp cho TPHCM như: cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm… Đây chính là những công trình thế kỷ của TP.

Trước hết phải kể đến là công trình cầu Phú Mỹ, một trong những cây cầu dây văng lớn nhất hiện nay của TPHCM bắc qua sông Sài Gòn thuộc tuyến đường vành đai ngoài của TP, được thiết kế có tuổi thọ 100 năm với 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại, vì về kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế.

Bên cạnh đó, với độ tĩnh không của cầu 45m cầu đã đảm bảo cho tàu lớn có thể ra vào hệ thống cảng biển nằm sâu trong nội thành TPHCM, phục vụ cho việc phát triển hệ thống hàng hải nội địa. Một dấu ấn khó phai mà công trình này để lại đó là tiến độ thi công. Dù đây là một công trình hiện đại bậc nhất của TP, nhưng nó đã được nhà thầu thực hiện xong trước 4 tháng so với kế hoạch với độ an toàn và đảm bảo vẻ mỹ thuật cao.

Như vậy, với việc công trình cầu Phú Mỹ được đưa vào sử dụng không chỉ đóng vai trò gắn kết tuyến đường vành đai số 2 của TP mà nó còn tạo động lực để thành phố chuyển hướng phát triển kinh tế - xã hội về khu vực phía Đông.

Cũng không thua kém gì cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm nối hai bờ sông Sài Gòn (thuộc quận 2 và Bình Thạnh, TPHCM), một trong số những công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP hiện hữu. Cầu được thiết kế có tuổi thọ lên đến 100 năm với 5 nhịp và 6 làn xe, được khởi công xây dựng vào năm 2005 và thông xe vào đầu năm 2008.

Mới đây, giai đoạn 2 của dự án vừa khánh thành các nhánh cầu vượt, hầm chui trực thông... đã đưa công trình thế kỷ này phát huy tác dụng. Sau hơn 2 năm nỗ lực thi công, công trình chính thức thông xe (ngày 9-1-2008) đã xác lập kỷ lục thi công cầu có quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất do nhà thầu trong nước đảm nhận, tính đến thời điểm lúc đó.

Con đường hiện đại

Bên cạnh những cây cầu nói trên, hệ thống đường giao thông của TP cũng không ngừng được đầu tư xây dựng, tạo nên vóc dáng cho một đô thị văn minh hiện đại của cả nước. Tiêu biểu trong số đó là sự kiện thông xe giai đoạn 1 dự án Đại lộ Đông Tây vào ngày 2-9-2009, đã tạo ra dấu ấn lớn đối với người dân TP. Đại lộ Đông Tây (ĐLĐT) là một công trình giao thông trọng điểm, kết nối cửa ngõ phía Tây Nam với trung tâm quận 1. Công trình được đưa vào sử dụng đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng kẹt xe ở các tuyến đường trung tâm TP.

Trong khi tuyến ĐLĐT được coi là góp phần chia lửa cho sự quá tải về giao thông ở khu vực nội đô TP, tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi lại được coi là tuyến cửa ngõ đón khách vào TP bằng đường hàng không và trở thành tuyến đường “ngoại giao” của TP. Chính vì thế, năm 2003, UBND TP quyết định nâng cấp và mở rộng và cuối năm 2005 dự án được khởi công. Mục tiêu của dự án là phát triển mạng lưới giao thông trục đường chính và tạo vẻ mỹ quan trên tuyến đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP...

Theo báo cáo của Sở GTVT, đến nay giai đoạn 2 của dự án đã cơ bản hoàn thành đoạn từ cầu  Công Lý đến đường Điện Biên Phủ, dự kiến toàn bộ dự án sẽ được khánh thành vào ngày 7-2 tới.

Bên cạnh các công trình tiêu biểu nói trên, hiện nay với những công trình như dự án trục đường Bắc - Nam (giai đoạn 2) và 3 cây cầu trên tuyến, dự án nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác… đã hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2km, không kể đường dẫn; chiều rộng 27,5m, có 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, một khoang thông thuyền rộng 200m, tĩnh không 45m, cầu có thể cho phép 100.000 lượt xe lưu thông qua cầu mỗi ngày với tuổi thọ thiết kế 100 năm.

Cầu Thủ Thiêm có điểm đầu là  đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), điểm cuối dự án kết nối với đường Lương Định Của (quận 2), tương lai nối với đại lộ Đông Tây gồm: phần cầu chính Thủ Thiêm dài 1.250m với 5 nhịp, 6 làn xe; phần cầu dẫn phía quận Bình Thạnh với 4 nhánh và phía quận 2 dài 160m với 2 nhánh rộng tương đương 6 làn xe. Nút giao phía quận Bình Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460m, đường vượt trên cao...

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục