Những cột mốc sống trên biển: Hải trình đầu tiên

Để bảo vệ Tổ quốc từ biển, những người lính “áo vằn cánh sóng” thuộc Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân đóng quân ngoài thềm lục địa phía Nam, đang ngày đêm gồng mình với thời tiết khắc nghiệt và thiếu thốn mọi bề. Chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh, là sứ mệnh của người lính thời bình, được hơn 90 triệu người dân Việt gửi gắm niềm tin. Các anh chỉ trọn vẹn niềm vui khi những cột mốc chủ quyền mãi mãi vững thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi đất mẹ.Cho đến bây giờ đã hơn 26 năm, kể từ cuộc hải trình đầu tiên đi dựng Nhà giàn DK1 mang tên Phúc Tần 3, song những ngày tháng gian khổ, sống với biển, vui buồn cùng biển không bao giờ quên trong ký ức của Trung tá Nguyễn Tiến Cường, vị thuyền trưởng trên con tàu vỏ gỗ ngày ấy.
Những cột mốc sống trên biển: Hải trình đầu tiên

Để bảo vệ Tổ quốc từ biển, những người lính “áo vằn cánh sóng” thuộc Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân đóng quân ngoài thềm lục địa phía Nam, đang ngày đêm gồng mình với thời tiết khắc nghiệt và thiếu thốn mọi bề. Chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh, là sứ mệnh của người lính thời bình, được hơn 90 triệu người dân Việt gửi gắm niềm tin. Các anh chỉ trọn vẹn niềm vui khi những cột mốc chủ quyền mãi mãi vững thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi đất mẹ.

Cho đến bây giờ đã hơn 26 năm, kể từ cuộc hải trình đầu tiên đi dựng Nhà giàn DK1 mang tên Phúc Tần 3, song những ngày tháng gian khổ, sống với biển, vui buồn cùng biển không bao giờ quên trong ký ức của Trung tá Nguyễn Tiến Cường, vị thuyền trưởng trên con tàu vỏ gỗ ngày ấy.

Ăn cơm mắm, tắm nước biển

Để hiểu rõ về những ngày đầu tiên đi khảo sát dựng chân đế Nhà giàn DK1/3, tôi tìm gặp Trung tá Nguyễn Tiến Cường hiện đang giữ chức Trợ lý kế hoạch tổng hợp Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Năm 1988, anh Cường mang quân hàm Thượng úy giữ chức thuyền trưởng tàu HQ - 668, con tàu mà anh và đồng đội đã vật lộn với sóng cuồng bão tố giữa biển khơi cách đây 27 năm. Câu chuyện về chuyến hải trình đầu tiên được Trung tá Cường hồi tưởng trong niềm xúc động: “33 năm trong đời quân ngũ, đó là lần đi biển gian nan nhất. Bây giờ nghĩ lại thấy quá mạo hiểm. Những ngày tháng ấy không bao giờ quên được”.

Nhà giàn thế hệ đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần (Ảnh: TL DK1)

Sau khi có quyết định của Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thăm dò, khảo sát để xúc tiến xây dựng nhà cao chân trên các bãi cạn san hô ở vùng biển thềm lục địa phía Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, chiều 6-11-1988, thuyền trưởng Nguyễn Tiến Cường cùng 15 thủy thủ vượt sóng ra khơi làm nhiệm vụ trên con tàu HQ - 668. Đây là con tàu vỏ gỗ nhỏ nhất của Hải đội 811 lúc bấy giờ. Hành trang của các thủy thủ là 2 cuộn dây thừng, 6 sào tre, gạo, dầu diesel, lương khô, nước ngọt đủ sinh sống trong một tháng. Ngày ấy, tàu HQ - 668 chưa có thiết bị định vị vệ tinh hiện đại như bây giờ, phương tiện dẫn đường duy nhất là chiếc la bàn từ của Liên Xô được cấp phát. Trước giờ bước chân xuống tàu, anh Cường tạm biệt vợ và con gái. Chị Thủy (vợ anh Cường) níu áo chồng hỏi: “Anh đi khi nào mới về?”. Nhìn sâu vào mắt vợ, Cường động viên: “Em yên tâm ở nhà chăm con. Thời gian không tính được, hoàn thành nhiệm vụ anh sẽ về”. Bế con gái trong lòng, anh Cường rưng rưng nước mắt hôn lên đôi má của con. “Lúc đó tâm trạng mình buồn lắm. Sau sự kiện Trường Sa 88, nói đến đi biển khác gì vào chiến trận. Biển xa, sóng gió, biết đâu mình bỏ mạng ngoài biển. Rồi vợ con sống ra sao?”, anh Cường nhớ lại.

Tiễn chồng trên cầu cảng Hải đội 811, chị Thủy bồng con khóc nghẹn khi nhìn con tàu xa dần trong sóng nước. Những người vợ, người mẹ, người em tiễn người thân ra đi trên con tàu chiều ấy đều nghẹn ngào rơi lệ. Mẹ cầu mong con sớm trở về; vợ chúc chồng hải lộ bình an; bạn gái trao cho người yêu cuốn sổ, cây bút để viết thư và hẹn ngày tái ngộ. Cuộc chia xa đầy nước mắt!

Ra đi trong mùa gió chướng cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, con tàu “lá tre” chồm lên, ngụp xuống trong sóng gió. Sau 3 ngày đêm hải trình liên tục, tàu HQ - 668 neo đậu tại bãi san hô ngầm Phúc Tần. Công việc đầu tiên là đo độ sâu và xác định vị trí đặt chân đế nhà giàn. “Ngày đó đo độ sâu như tìm kim đáy biển. Giữa đại dương bao la, biết chỗ nào nông - sâu mà lần. Tôi vừa đưa cây sào tre xuống liền bị sóng đánh gãy đôi cuốn đi. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải dùng dây thừng thắt nút từng mét. Một đầu cột vào cục đá lớn thả xuống biển. Nước ngập đến đâu, đếm nút dây tính ra mét đến đó. Tuy không chuẩn xác tuyệt đối, nhưng khớp với tọa độ trên bản đồ. Sau khi xác định được tọa độ, anh em thả phao quả nhót đánh dấu và tổ chức canh giữ. Coi đó là cột mốc chủ quyền sẽ xây dựng ở tọa độ này”, Trung tá Cường kể lại.

Nhưng gian khổ ấy chưa phải là tận cùng. Kế hoạch đi biển chỉ một tháng, song do yêu cầu nhiệm vụ, tàu HQ - 668 tiếp tục ở lại khảo sát độ sâu ở các bãi cạn: Huyền Trân, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường. Làm gì để bám trụ với biển khi lương thực, nước ngọt cạn dần? Kế hoạch “ăn cơm mắm, tắm nước biển” được vạch ra. Biển động, sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt bị nhiễm mặn hòa lẫn gỉ sét. Để có nước nấu cơm, các chiến sĩ đã lấy áo lót của mình, căng lên mặt xô sắt làm tấm lọc, múc nước gỉ sét đổ lên. Nước lọc được dùng nấu cơm và uống. Cả tháng, các chiến sĩ không tắm, giặt; tóc người nào cũng “đổi màu” đỏ quạch, cứng như rễ tre; răng xỉn vàng vì cả tuần không chải. Những ngày biển động không nấu được cơm, bộ đội phải ăn lương khô trừ bữa. Có hôm “được” ăn cơm nhưng khi vừa bưng bát cơm đưa lên miệng liền bị sóng đánh hất tung, văng tung tóe trên mặt sàn tàu. Có ngày biển lặng như mặt gương, trên nắng chang chang, dưới hầm hập nóng, các thủy thủ ra mũi tàu ngồi “tắm” gió, người nọ kỳ lưng cho người kia. Chiến sĩ trẻ lấy thư người yêu ra đọc, người có vợ, con thì đem ảnh ra xem cho vơi nỗi nhớ. Họ truyền tay nhau điếu thuốc lá hiệu Sông Cầu. Trong phút giây lặng lẽ, chẳng ai nói ra, nhưng trong thâm tâm ai cũng ngóng về đất liền. Lúc đó cũng không có ti vi. 16 người ngồi quanh chiếc đài bán dẫn nghe tin tức ở đất liền. Nhưng biển sóng chập chờn, lúc nghe được lúc không...

Cuộc chiến sinh tử giữa đại dương

Trở về sau 31 năm lăn lộn cùng biển cả, Trung tá Trần Xuân Vọng vẫn nhớ như in ngày ông cùng bộ đội công binh Hải quân hạ đặt chân đế boong-tông Nhà giàn Phúc Tần 3 trên bãi cạn Phúc Tần. “Đó là cuộc chiến đấu sinh tử giữa lòng đại dương, chỉ khác là không có tiếng súng như thời chiến trận”, ông Vọng chia sẻ tại nhà riêng của ông ở phường 12 TP Vũng Tàu.

Năm 1988, ông Vọng đeo hàm trung tá, giữ chức chỉ huy biên đội gồm hai tàu HQ - 771 và HQ - 723 thuộc Hải đoàn 129 Hải quân, thực hiện nhiệm vụ hành quân khẩn cấp ra bãi cạn Phúc Tần dựng chân đế nhà giàn. Hải trình cùng biên đội tàu của Hải đoàn 129 có biên đội tàu của Lữ đoàn 171, gồm tàu HQ - 713, HQ - 668 do Trung tá Hoàng Kim Nông, Phó Lữ đoàn trưởng về chính trị chỉ huy. Sau khi cùng tàu kéo chuyên dụng của Bộ GTVT chở chân đế boong-tông cùng vật liệu sắt thép ra bãi cạn Phúc Tần, cuộc “chiến đấu đặc biệt” trong lòng đại dương của các thợ lặn bắt đầu. Công việc đầu tiên là tạo mặt bằng đáy san hô. 13 thợ lặn chuyên nghiệp của Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn (thuộc Liên doanh Dầu khí Vietsovptro) mặc quần áo nhái, đeo bình ô xy lặn sâu dưới biển, dùng công cụ chuyên dùng san phẳng bãi san hô, rồi khoét một lỗ rộng bán kính 16m, đặt khối boong-tông vào đó. Khi khối boong-tông được bơm đầy xi măng đánh chìm xuống đáy, những thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng nước chảy, vừa “lái” khối boong-tông vào đúng lỗ đã được đào sẵn.

Ông Nghiêm Văn Hùng, một thợ lặn kỳ cựu của Xí nghiệp vận tải biển và Công tác lặn có mặt từ ngày đầu tiên đặt chân đế Nhà giàn Phúc Tần 3, cho biết: “Để bảo đảm tiến độ công trình, chúng tôi làm bất kể ngày đêm. Hàn xì dưới đáy biển nên hiểm nguy rình rập, chỉ cần chập điện hoặc đứt ống dẫn khí là tử vong. Thời tiết luôn bất thường. Có khi trời đang trong xanh bỗng sấm chớp ầm ầm, sóng biển cuồn cuộn dâng lên. Chuyện đóng nhà giàn gian khổ lắm, nhưng nghĩ lại thấy sung sướng vì được cống hiến sức lực cho biển đảo”.

Cột mốc đầu tiên

Sau hơn 7 tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10-6-1989, cột mốc chủ quyền đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần 3 hoàn thành. Nhìn nhà giàn sừng sững trên sóng nước, những người lính công binh hải quân và thợ lặn vui sướng trào nước mắt. Họ nghĩ về đất liền, vợ, con, người thân gia đình đang chờ đón họ trở về.

Nhà giàn Phúc Tần được xây dựng theo mô hình boong-tông do Bộ GTVT thiết kế. Để giữ cho nhà giàn đứng thẳng, không bị lật, khối boong-tông đánh chìm dưới đáy san hô được kết nối với phần sàn ở và sàn công tác bằng 4 cọc bích siêu bền chịu lực. Song đây cũng chính là “hạn chế” của công trình. Do không tính kỹ đến độ dâng cao của thủy triều, nên mỗi lần biển động, sóng cấp 7 cấp 8, một phần ba phía dưới sàn ở của nhà giàn bị ngập trong nước. Nhà giàn cũng lắc lư theo sóng gió bởi khối boong-tông dịch chuyển theo dòng chảy của thủy triều. Tuy nhiên, như cựu binh Nguyễn Văn Nam, người chỉ huy đầu tiên có mặt tại Nhà giàn Phúc Tần 3, tâm sự: “Nhà giàn Phúc Tần 3 như một cuộc thử nghiệm, nhưng đó là cột mốc đầu tiên mang hình Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam, đánh dấu ngày đầu tiên cán bộ, chiến sĩ DK1 ra trấn giữ, bảo vệ”.

Sau Nhà giàn Phúc Tần 3, các nhà giàn khác cũng lần lượt được xây dựng ở các bãi cạn Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè, Cà Mau. Mỗi nhà giàn là một cột mốc sống trên biển, làm điểm tựa cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục