
40 ngày hoạt động sáng tác sôi động tại vùng núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc (An Giang), 60 tác giả của 17 quốc gia đã hoàn thành 70 tác phẩm bằng chất liệu đá cẩm thạch và granit. Sự kiện mỹ thuật lớn ở vùng ĐBSCL đã chứng minh tầm vóc mới của ngành điêu khắc Việt Nam.
Đất của …bén duyên
Trong buổi tối lễ bế mạc trại sáng tác, nhà điêu khắc Alan Gallet (Ireland) và Hoa Bích Đào (Việt Nam) đã thay mặt các nghệ sĩ bày tỏ tình cảm và suy nghĩ của họ thật hay và cảm động về con người, phong cảnh miền Tây Nam Bộ.

Một góc trại điêu khắc "Dấu ấn An giang 2005"
Phút chia tay cũng là phút giây những người làm nghệ thuật nhìn lại biết bao mẩu chuyện đời trong một “tốc độ 40 ngày” vừa tìm nguồn cảm hứng sáng tạo vừa thiết kế, thi công.

"Cây - gió - trẻ em" của Nguyễn Quân (Việt Nam)
Nhà điêu khắc trẻ Trần Thanh Nam không ngờ giữa đồng bằng sông Cửu Long anh có dịp gặp lại những người bạn Nga lần đầu tiên sang Việt Nam. Với vốn ngoại ngữ và kiến thức 7 năm du học ở Nga, Trần Thanh Nam đã đóng vai trò “cầu nối” cho Valentina Dusavitskaya, Yury Tkachenko, Valery Kuznetsov với bạn bè một cách thân thiết.
Cũng giống như anh và Bùi Hải Sơn, Nguyễn Hoàng Ánh…, ba người bạn Nga đang là giảng viên của một trường đại học kiến trúc, nghệ thuật ở Nga. Nhà điêu khắc Canada, Jock Hildebrand từng có mặt ở trại sáng tác điêu khắc An Giang năm 2003. Với tình cảm nồng nhiệt dành cho Việt Nam, ông đã “lôi cuốn” bạn bè đến An Giang trong đợt trại này khá đông, trong đó có cả nữ điêu khắc gia Pat Galbraith, người bạn thân của bà Phó Thủ tướng Canada, Mc Lellan.

"Trân châu" của Turner Thibault (Mỹ)
Trong những ngày làm việc dưới nắng nóng, bụi đá và có khi bị ướt đầm vì những cơn mưa trái mùa, họ rất vui khi nhận được thông điệp chúc mừng trại sáng tác Việt Nam của bà Phó Thủ tướng Canada gửi đến tất cả các nghệ sĩ đang tham gia.
Nhưng, câu chuyện vui và cảm động nhất có lẽ là lễ đính hôn của hai nhà điêu khắc Kees Buckens (Hà Lan) và Masami Aihara (Nhật Bản). Họ đã gặp nhau ba năm trước đây ở một trại điêu khắc quốc tế và tại trại sáng tác An Giang lần này là thời điểm để hai nhà điêu khắc đi đến quyết định…
Buổi sáng trước lễ đính hôn, hai người đã đi bộ lên núi Sam để cầu nguyện hạnh phúc. Một câu chuyện tình thật lãng mạn đậm màu sắc cổ tích-hiện đại Á Đông.
“Được mùa” … tượng
Lần thứ hai, các họa sĩ, điêu khắc gia vùng ĐBSCL đã có dịp thi thố tài năng điêu khắc cùng bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Mỗi người mỗi ý tưởng sáng tác thể hiện qua tác phẩm, mang phong cách tạo dáng khác nhau: Dương Đình Chiến với chút lãng mạn miền sông nước qua hai tác phẩm Bồng bềnh, Gió cuốn; Trần Thanh Phong với Người con của núi; Trần Thanh Tùng-Trưa hè; Trần Văn Trầm-Ghe ngo; Lương Văn Thạnh-Hóa thân; Nguyễn Oanh-Đua bò; Ngô Liêm-Nối kết 1,2… vừa tuân thủ theo tính mẫu mực của các hình khối điêu khắc, vừa mong muốn “phá cách” tìm tòi, tạo ấn tượng mới.

"Thiên thai" của Hori Yasushi (Nhật)
Các nhà điêu khắc TPHCM và Hà Nội cũng bộc lộ tâm huyết nghề nghiệp qua một trại sáng tác lớn. Suy nghĩ sáng tạo hình tượng điêu khắc, các nghệ sĩ đều tạo được “dấu ấn riêng” của mình trong không gian ba chiều.
Trương Đình Quế thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ qua hình khối dứt khoát, gọn gàng Nhất phương; Bùi Hải Sơn sắc sảo với Hòn ngọc Cửu Long; Trần Thanh Nam uyển chuyển theo Âm vang dòng sông; Nguyễn Hoàng Ánh bài bản, chăm chút các hình khối qua Hoa nước; Phạm Quang Ngọc chắt lọc cái đẹp từ Sen; Nguyễn Thành Thi chân thực cùng Hạnh phúc v.v…
Đi tìm ngôn ngữ điêu khắc vừa mang tính ý niệm đan xen hiện thực hoặc pha trộn một chút pop-art, một chút mỹ thuật đương đại, Nguyễn Quân có tác phẩm Cây-gió-trẻ em; Nguyễn Thân có Người đàn bà tắm… Riêng góc nghệ thuật điêu khắc sắp đặt Sinh tồn của Đặng Thị Khuê chất chứa một nội dung lịch sử, văn hóa khá phong phú nhưng hình thức hơi… “gai góc” .

"Người mẹ sông Cửu Long" của Emil Adamec (CH.Sec)
Các tác phẩm của Chris Peterson (Anh), Alois Lang (Aùo), Chang Yeon Tak, Choe So Dong (Hàn Quốc) là hình tượng những cánh chim, cánh đồng nước nổi được tạc thật giản dị, hình khối xinh xắn, nhẹ nhõm. Yury Tkachenko (Nga) tập hợp ba khối đường bệ Thiên, Thuỷ, Địa khá đẹp.
Lạ mắt hơn với một số tác phẩm thể hiện đầy cách điệu của Delayne Corbert, Deborah Wilson (Canada), Turner Thibault (Mỹ), Nguyễn Văn Hùng (Belgium); hoặc phá vỡ khuôn thước điêu khắc cổ điển qua cách tạo dáng “lưng chừng” được tìm thấy ở những tác phẩm của F. Kurtz (Pháp), Hori Yasushi (Nhật Bản)… Khuynh hướng pop-art luôn tạo sự vui mắt, gần gũi cho số đông công chúng qua tượng Phật Di lặc của Chong Fah Cheong (Singapore), vị nữ thần tượng trưng sự thịnh vượng của Peerapong Doungkaew (Thái Lan); tượng người phụ nữ phúc hậu của Stephen P. Tuner (Canada), bò tót và chim bằng của Morton Burke (Canada), hai chiếc loa bằng đá của Ericksson Fredriksson (Thụy Điển) v.v…
Thời gian còn lại bây giờ là công việc quy hoạch vườn tượng. Có thể nói, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật từ trại sáng tác quốc tế An Giang 2005 đang tạo nên những dấu ấn mới và tầm vóc mới cho ngành điêu khắc Việt Nam.
Bài và ảnh: KIM ỬNG