Kết thúc về 3 đợt tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005

Những điều cần lưu ý

Những điều cần lưu ý

Những trường CĐ cuối cùng vừa hoàn tất việc tổ chức thi tuyển vào ngày 22-7. Ba đợt thi của mùa tuyển sinh năm 2005 vào các trường ĐH, CĐ đã kết thúc. Từ cái nhìn của người trong cuộc, TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM có bài viết đánh giá về việc tổ chức của 3 đợt thi vừa qua, đồng thời nhắc nhở thí sinh (TS) một số điều cần lưu ý của giai đoạn cuối kỳ tuyển sinh năm nay.

  • Tỉ lệ chọi của các trường cao đẳng cao
Những điều cần lưu ý ảnh 1

Thí sinh thi Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 trong giờ thi năng khiếu hội họa.

Như vậy, đến thời điểm này, xem như đã kết thúc 3 đợt thi ĐH và CĐ trên cả nước cũng như tại TPHCM. Nếu như tỉ lệ TS dự thi so với số lượng đăng ký của hai đợt thi ĐH có phần sụt giảm so với những năm trước thì tỉ lệ thí sinh dự thi CĐ tăng lên so với năm 2004, trong đó có những trường CĐ có số TS đăng ký rất đông, đông hơn so với nhiều trường ĐH.

Đây là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy có chuyển biến trong việc tự phân luồng của TS trong đào tạo sau trung học phổ thông.

Trong cả 3 đợt thi, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng tuyển sinh các trường và các cơ quan chức năng như công an, điện lực, giao thông…

Với sự hỗ trợ của công an, công tác in sao đề và vận chuyển đề thi đến các điểm thi được an toàn và bảo mật tuyệt đối.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý là trong kỳ tuyển sinh này, tuy vẫn có qui định về cụm thi đại học theo hộ khẩu thường trú, nhưng Ban chỉ đạo tuyển sinh cũng đã khuyến cáo các Hội đồng tuyển sinh tạo điều kiện cho TS chọn cụm thi thuận lợi. Thực tế cho thấy không có sự biến động lớn (đổ dồn về cụm thi TPHCM) như một số lo ngại ban đầu.

Trong đợt thi ĐH, có đến 60.000 TS, tuy đăng ký thi vào các trường ĐH tại TPHCM, nhưng đã ngồi thi tại cụm Qui Nhơn và Cần Thơ. Như vậy, trung bình cứ 6 TS đăng ký thi vào các trường ĐH tại TPHCM thì có 1 TS không cần đến TPHCM để dự thi.

  • Cán bộ coi thi - khâu yếu trong tổ chức thi

Cán bộ coi thi vẫn còn là một khâu yếu trong tổ chức thi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Do kỳ thi tập trung trong một thời gian ngắn với một lượng TS rất lớn (tại TPHCM có 260.000 lượt TS) nên số lượng cán bộ coi thi được huy động cũng rất lớn, phải sử dụng ước khoảng 20.000 lượt cán bộ coi thi.

Nhiều trường ĐH phải gọi cả sinh viên năm cuối và học viên sau ĐH tham gia coi thi. Vì vậy, nếu khâu tập huấn cán bộ coi thi không được chú ý, dễ xảy ra tình trạng cán bộ coi thi lại vi phạm qui chế coi thi. Thực tế kỳ tuyển sinh vừa qua cho thấy tuy số lượng TS vi phạm qui chế thi có giảm, nhưng số cán bộ coi thi không tuân thủ các qui định lại tăng hơn so với năm 2004.

Trong khi đó, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi cũng là một điểm cần hoàn chỉnh. Ở kỳ thi năm 2005 này, mục 16 của hồ sơ đăng ký dự thi làm cho một số TS hiểu lầm rằng đây là mục đăng ký NV2. Thật ra ý tưởng của Ban chỉ đạo tuyển sinh ở đây khá rõ, giúp cho những trường không tổ chức thi biết trước được số lượng TS đăng ký NV1 vào trường mình để chủ động hơn trong khâu xét tuyển. Tuy nhiên, vị trí và câu chữ của mục 16 này chưa phù hợp và gây hiểu lầm cho thí sinh, cần được nghiên cứu lại trong kỳ thi tới.

Một bất cập khác là qui định không thống nhất về sử dụng tài liệu và máy tính trong 2 kỳ thi rất gần nhau là kỳ thi tú tài và kỳ thi ĐH. Trong kỳ thi tú tài thí sinh được sử dụng bảng phân loại tuần hoàn của Nhà xuất bản Giáo dục và được sử dụng máy tính FX570MS, nhưng trong kỳ thi ĐH, TS lại không được sử dụng. Một số TS không biết được điều này nên đã bị đình chỉ thi một cách oan uổng. Chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có qui định thống nhất và phổ biến từ sớm các qui định này.

  • Một số mốc thời gian cần lưu ý

Hiện nay các trường trong giai đoạn chấm thi. Theo dự kiến, đến 10-8 các trường sẽ hoàn tất khâu chấm thi và sẽ công bố điểm sau khi chấm xong. Sau khi cân đối kết quả chấm thi với chỉ tiêu đào tạo, Ban chỉ đạo tuyển sinh sẽ công bố điểm sàn xét tuyển cho các khối thi trước ngày 20-8. Sau khi có điểm sàn, các trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển NV1 và gửi giấy báo nhập học cho các TS này.

Đối với các TS không trúng tuyển NV1 nhưng điểm thi còn cao hơn điểm sàn cao đẳng thì sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi khác nhau, số 1 và số 2. Giấy chứng nhận số 1 dùng để đăng ký xét tuyển NV2 và phải nộp cho trường có xét tuyển NV2 qua đường bưu điện từ 25-8 đến 10-9. Kết quả xét tuyển NV2 được công bố trước ngày 15-9.

Các TS không trúng tuyển NV2 sẽ tiếp tục nộp hồ sơ xin xét tuyển NV3 qua đường bưu điện từ 15-9 đến 30-9 và kết quả xét tuyển sẽ được công bố trước ngày 5-10. Những TS có điểm thi thấp hơn điểm sàn cao đẳng chỉ được cấp 1 giấy báo điểm. Trong trường hợp thấy kết quả điểm thi được công bố không tương xứng với bài làm của mình so với đáp án, thang điểm đã được công bố, muốn phúc khảo, TS phải làm đơn xin phúc khảo kèm theo lệ phí tại phòng đào tạo trường dự thi theo thời hạn qui định trên giấy báo thi.

Nhận định sơ bộ của nhiều giáo viên cho thấy đề thi năm nay không quá khó, dự kiến điểm thi bình quân của các TS sẽ cao hơn những năm trước. Như vậy, đối với những trường lớn, là những trường có đông TS dự thi và điểm chuẩn cao, dự kiến là hầu hết TS đều trúng tuyển theo NV1 và sẽ tựu trường sớm, theo thông lệ vào khoảng đầu tháng 9. Các trường phải tuyển nhiều theo NV2 và NV3 sẽ có thời gian nhập học trễ hơn. TS cần theo dõi các thông tin về tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những TS xin xét tuyển NV2 và NV3 để có được các thông tin đầy đủ, chính xác cho việc xét tuyển của mình.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

 

Tin cùng chuyên mục