
3 họa sĩ cùng năm sinh 1945, cùng là chiến sĩ, học vẽ và về sau cùng là những giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM… Tương đồng ngẫu nhiên, Nguyễn Xuân Đông, Phan Hoài Phi, Phan Mai Trực quyết định cuộc gặp gỡ ở phòng tranh chung cuối năm nay, với tên “Người lính” (*).
Nguyễn Xuân Đông, người lính trinh sát-họa sĩ sư đoàn 7 quê Hải Dương, khởi đầu sự nghiệp từ dòng tranh đồ họa với nhiều tranh cổ động, tranh khắc gỗ truyền thống - cách tân nổi tiếng và đặc biệt sau này với chất liệu gò đồng đã đánh dấu một chặng đường nghệ thuật đầy nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ. Chỉ nhìn riêng các tác phẩm đặc sắc “Vinh quang được là người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc”, “Đặc công rừng Sác”, “Quê hương-Tổ quốc”… đã cho thấy tình cảm ở một họa sĩ một thời là chiến sĩ cho đến bây giờ vẫn còn giữ được “chất lính” thật mạnh mẽ, nhiệt thành.

Một tác phẩm của họa sĩ Phan Hoài Phi tại triển lãm.
Họa sĩ Phan Hoài Phi quê vùng mỏ Quảng Ninh, nhập ngũ vào chiến trường miền Nam và là lính sửa chữa máy thông tin cho quân đội thuộc Bộ Tư lệnh thông tin Miền gần 10 năm. Những bức tranh về “Kỷ niệm chiến khu”, về người bạn chiến đấu còn nằm lại chiến trường thật xúc động hay cả những kỷ niệm sinh hoạt đời thường “Tắm công cộng” của bộ đội trông thật “dã chiến” nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Sức thu hút ở tranh Phan Hoài Phi thường tìm thấy qua những đường nét tạo hình chặt chẽ nhưng luôn hài hòa trong màu sắc và gợi cảm xúc trong một không gian phóng khoáng.
Phan Mai Trực quê Bến Tre, tham gia Quân giải phóng từ năm 19 tuổi. Được đào tạo hội họa trong những năm tháng chiến tranh, Phan Mai Trực đã có cơ hội đi và vẽ, ký họa khắp các mặt trận đồng bằng sông Cửu Long. Mảng tranh trưng bày là những ký ức chiến tranh về “Người mẹ kháng chiến”, ông già nông dân, em bé giao liên, anh giải phóng quân… Nét đặc sắc trong tranh Phan Mai Trực khi sử dụng các gam màu lạnh, lãng đãng giữa màu xanh, tím và đen thỉnh thoảng bừng lên mảng màu nồng ấm đỏ, vàng về hồi ức các chiến trường, gợi một cảm xúc bi tráng qua những trận chiến đấu anh hùng tại “Đồi Tức Dụp”, hoặc tại một số vùng Đồng Tháp Mười, Trà Vinh…
Thỉnh thoảng, các tác giả cũng tạo được sự ngạc nhiên cho người xem. Bên cạnh những bức ký họa kháng chiến của những năm 70, Phan Mai Trực còn tìm tòi mảng tranh theo kiểu tổng hợp mới, bàng bạc chất liệu tranh sơn mài. Với những bức mảng khối tạo hình chặt chẽ như “Trưa Karic”, Phan Hoài Phi vẫn sôi nổi tìm kiếm, vận dụng mô típ hoa văn, mô típ điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam qua kiểu tạo hình táo bạo: vợ chồng chú Tễu khỏa thân bên lá sen. Hoặc, ở Nguyễn Xuân Đông, ngoài những tác phẩm gò đồng thể hiện chất anh hùng ca, tác phẩm khác còn cho thấy chất trữ tình và cả nét đời thường qua hình tượng người phụ nữ khỏa thân bằng chất liệu gò đồng kim loại gỉ axít màu xanh tối, thật độc đáo…
Những ngẫu hứng sáng tạo mới mẻ của ba họa sĩ-giảng viên Trường Mỹ thuật đôi khi tạo được sự bất ngờ và hết sức thú vị cho người thưởng thức là như vậy.
* Triển lãm từ 22-12-2005 đến 10-1-2006 tại số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.
Yên Ngọc