Những ngày đầu tiếp quản

Những ngày đầu tiếp quản

Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định

Trong lúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy đang bước vào giai đoạn kết thúc, ngày 10-4-1975, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị về việc chuẩn bị công tác tiếp quản, đặc biệt tại thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Theo đó, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập gồm 11 thành viên, do đồng chí Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Các Phó chủ tịch gồm các đồng chí: Võ Văn Kiệt, Hoàng Cầm, Trần Văn Danh, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm. Các ủy viên: Bùi Thanh Khiết, Nguyễn Văn Thủ, Dương Kỳ Hiệp, Nguyễn Võ Danh và Phan Minh Tánh. Đảng ủy Quân quản (còn gọi là Đảng ủy đặc biệt) gồm 11 thành viên do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư; các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư. Sau ngày 30-4, Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định làm lễ ra mắt đồng bào thành phố và bắt tay thực hiện các nhiệm vụ.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định chào đón Ủy ban Quân quản thành phố sau ngày giải phóng.

Ủy ban Quân quản xác định tổ chức hành chính thành phố gồm 14 quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây); 7 huyện ngoại thành (Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi). Cán bộ chính trị, quân sự, đoàn thể được cử tham gia chính quyền. Đến cuối tháng 8-1975, hệ thống chính quyền được thiết lập cả ở 4 cấp: thành phố, quận (huyện), phường (xã), khóm (ấp). Sau ngày 30-4, ngoài một số tướng lĩnh, nhân viên ngụy quyền cao cấp chạy ra nước ngoài, đại đa số vẫn còn ở lại. Ủy ban Quân quản thành phố đã chỉ đạo triển khai công tác tiếp nhận trình diện và cải huấn sĩ quan, binh lính, nhân viên trong bộ máy ngụy quyền. Gần 440.000 người đã ra đăng ký trình diện. Không kể một số ít có nợ máu phải tập trung cải huấn dài ngày, đại đa số được học tập trong thời gian ngắn rồi trở về địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít phần tử ngoan cố không ra trình diện, sống lẩn lút, móc nối tìm cách chống phá cách mạng bằng nhiều thủ đoạn hoặc ngấm ngầm hoặc công khai. Ủy ban Quân quản thành phố đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang tổ chức truy quét, trấn áp, phá nhiều vụ án chống phá cách mạng của các phe nhóm phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn địa bàn trong những tháng sau chiến tranh.

Trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ có 30.000 ha đất canh tác bỏ hoang, trên 1 triệu người thất nghiệp, 10.000 người ăn xin, 27 vạn người mù chữ, 20 vạn trẻ mồ côi, 23 vạn quả phụ bơ vơ, 30 vạn người mắc bệnh da liễu, 15.000 trẻ bụi đời, trên 10 vạn người nghiện xì ke, ma túy. Ủy ban Quân quản thành phố chỉ đạo tổ chức 4 đoàn, 34 đội công tác (5.500 người) xuống từng phường khóm làm nhiệm vụ cứu trợ, tổ chức đưa đồng bào chạy nạn về quê cũ sinh sống, cấp đất cho người nghèo và diện chính sách, khôi phục sản xuất, rà phá tháo gỡ bom mìn, vật nổ, thu dọn phế liệu chiến tranh và văn hóa phẩm độc hại, khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến cuối năm 1975, trên 1.700 xí nghiệp với 130.000 công nhân trở lại sản xuất, 65.000 ha đất vùng ngoại thành được canh tác, các đối tượng tệ nạn xã hội được đẩy lùi một bước quan trọng.

Chế độ Sài Gòn sụp đổ để lại một khối lượng vũ khí trang bị, cơ sở vật chất rất lớn. Ủy ban Quân quản thành phố đã chỉ đạo các ban ngành, lực lượng vũ trang nhanh chóng tiếp quản theo nguyên tắc ngành nào tiếp quản cơ sở ngành đó, cấp nào tiếp quản cấp đó. Đến cuối năm 1975, công tác kiểm kê, phân loại, bàn giao cơ sở vật chất doanh trại, kho tàng, trang bị, vũ khí đạn dược hoàn tất.

Ngày 2-6-1975, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Lực lượng vũ trang thành phố được kiện toàn cho phù hợp với điều kiện thời bình, gồm các cơ quan bộ tư lệnh, Sư đoàn 2, Trung đoàn 16, Trung đoàn 88, Trung đoàn Gia Định, Lữ đoàn kiểm soát quân sự, 4 tiểu đoàn binh chủng (195, 197, 199, thiết giáp), 21 quận (huyện) đội và  10.173 dân quân tự vệ.

Đầu năm 1976, tình hình mọi mặt của Sài Gòn - Gia Định đi vào ổn định. Ngày 24-1-1976, Ủy ban nhân dân Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định gồm Chủ tịch Võ Văn Kiệt và các Phó chủ tịch là Mai Chí Thọ, Lê Đình Nhơn, Nguyễn Văn Hiếu làm lễ ra mắt tại Nhà hát Lớn thành phố. Đến đây, Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Đại tá PGS-TS HỒ SƠN ĐÀI

Tin cùng chuyên mục