
Được sự giới thiệu của Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tìm đường lên Trạm thu, phát sóng mặt đất của Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Thanh Hóa. Đây là một mục tiêu quan trọng của tỉnh, nên được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt và những người đảm nhận nhiệm vụ đó là lực lượng Cảnh sát Bảo vệ.
Giữ cho làn sóng, thông tin thông suốt
Mặc dù nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, nhưng phải khó khăn lắm tôi cùng một đồng nghiệp mới tìm được nơi ăn ở, sinh hoạt của các đồng chí Đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu Trạm thu, phát sóng Đài PTTH Thanh Hóa (gọi tắt là Đội CSBV). Được xây dựng trên đỉnh núi Cánh Tiên (đồi Quyết Thắng), một trong những ngọn núi cao nhất trong quần thể 99 ngọn núi đã tạo nên dáng hình Hàm Rồng và cũng là địa điểm lịch sử hào hùng của quân và dân tỉnh Thanh Hóa, các trạm thu, phát sóng của Đài PTTH, của VNPT và một số mạng viễn thông, di động của các đơn vị khác đã sừng sững, hiên ngang thách thức với thời gian nhiều thập kỷ nay. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, đặc biệt là đảm bảo an toàn, thông suốt sóng phát thanh, truyền hình và các sóng viễn thông, di động khác, ngay từ khi được xây dựng thì những chiến sĩ Đội CSBV đã phải ngày đêm bám trụ.
Đón chúng tôi là trung tá Lê Văn Minh, Đội trưởng Đội CSBV. Là người bám trụ trên đồi Quyết Thắng đã hơn 20 năm (từ năm 1993), đồng chí Minh đã chứng kiến không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả cũng như những đổi thay từng ngày trên mảnh đất này. Nhiệm vụ hàng ngày của đội là chia nhau (mỗi ca 4 - 5 đồng chí) đi tuần tra, kiểm soát khu vực trạm thu, phát sóng và vùng lân cận, qua đó phát hiện, xử lý những đối tượng có biểu hiện lợi dụng để phá hoại, trộm cắp vật tư, thiết bị, cáp quang cũng như các đối tượng tội phạm lợi dụng khu vực rừng núi để tổ chức hoạt động phạm tội như đánh bạc, trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy…
Cuối năm 2012, một chiếc xe sau khi đổ hàng đã không hạ ben nên vướng và làm đứt đường dây truyền tín hiệu của Trạm PTTH, gây mất sóng hoàn toàn. Tài xế bỏ chạy, anh Lê Văn Minh và một số cán bộ kỹ thuật bên Đài PTTH đã đi dò từng đoạn đường dây tín hiệu đi qua để nhanh chóng khắc phục sự cố, đồng thời truy tìm thủ phạm. Anh lần theo manh mối suốt hai ngày đêm, vào từng hộ dân kinh doanh vận tải, từng gara sửa ô tô và phát hiện được chiếc xe nói trên đang sửa chữa trong một gara ở khu vực Đình Hương, buộc doanh nghiệp và tài xế phải khắc phục hoàn toàn sự cố.
Trước đó, vào giữa năm 2002, trong khi tuần tra, các chiến sĩ phát hiện một nhóm hơn 10 người tổ chức dựng lán trong rừng để đánh bạc. Anh Minh cùng đồng đội đã bao vây bắt gọn các đối tượng, thu giữ 5 xe máy và nhiều tài sản khác.

Trung tá Lê Văn Minh (bên trái) và đồng đội bên các chảo parabol thu phát sóng.
Với những việc làm đó, trong những năm qua, Trạm thu, phát sóng của Đài PTTH Thanh Hóa, của VNPT, Viettel đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đối mặt với khó khăn, thử thách
Mang tiếng là ở giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, nhưng theo các anh thì điều kiện đi lại, sinh hoạt cũng khó khăn như nhiều đơn vị bám trụ ở địa bàn miền núi. Trung tá Lê Văn Minh cho biết, ở độ cao gần 200m so với mặt nước biển, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của cả chục con người hoàn toàn dựa vào nguồn nước mưa, nên mỗi năm lại mất từ 3 đến 5 tháng thiếu nước trầm trọng. Hàng ngày, anh em trong đội lại phải thay phiên nhau đi xuống khu dân cư xin hoặc mua nước để sử dụng. Nhưng để mang được 1 can nước 20 lít lên đến nơi cũng rất vất vả, vì đường tuy gần nhưng là đường rừng núi, phải đi bộ rất khó khăn. Anh em lại phải tận dụng nguồn nước thải từ máy điều hòa làm mát máy của các thiết bị kỹ thuật của trạm thu phát sóng để làm nước sinh hoạt.
Thiếu úy Đồng Văn Phú, Đội phó Đội CSBV, kể: “Hồi mới lên đây, em cũng không nghĩ rằng điều kiện lại thiếu thốn như vậy. Hàng ngày, anh em trong đội và các cán bộ bên Đài PTTH phải chia nhau từng giọt nước của máy điều hòa, làm nước sinh hoạt. Ngày đầu do chưa biết, em lấy nước đó tắm. Tắm xong thì người nổi đầy nốt đỏ, ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Khổ nhất là mùa đông, trên đỉnh đồi này nhiệt độ thường thấp hơn dưới thành phố, trong khi đó chúng em tắm bằng nước mưa, nhà tắm thì không có nên lạnh thấu xương”.
Còn với chiến sĩ Nguyễn Văn Tâm, một đồng chí đã trải qua rèn luyện cả trong quân đội và hiện tại là trong lực lượng công an thì lại có những kỷ niệm khác. Anh cho biết: Khó nhất là việc đi mua thức ăn hàng ngày. Những năm trước, khi chưa được đầu tư làm đường bê tông lên trạm thì việc đi lại thật gian nan. Khi trời mưa xuống là cả quãng đường hơn 2km toàn đất đỏ trở nên lầy lội, mà cái thứ đất này dính chân người kinh khủng. Có hôm xuống chợ Đình Hương (cách hơn 2km) mua được 2 yến gạo và ít thức ăn, hai anh em phải đi từ sáng sớm, gần trưa mới về đến nơi, toàn thân không khác gì người đi cày.
Trước khi chia tay, chúng tôi lượn một vòng dưới chân tháp những cột thu, phát sóng, nhìn các cột sóng sừng sững giữa trời, hàng chục chảo parabol chỉa về tứ phía mà không khỏi tự hào trước sự thay đổi, phát triển của đất nước, sự lớn mạnh của ngành công nghệ viễn thông nước nhà.
PHONG HẢI