Những người lính biên phòng nơi đầu sóng ngọn gió

Vượt gần 60km từ trung tâm TPHCM, chúng tôi đến thị trấn Cần Giờ. Thêm 45 phút lênh đênh trên sông nước, chúng tôi mới đến được Đồn biên phòng 554 ở xã đảo Thạnh An. Ở nơi ấy, các chiến sĩ biên phòng đang không ngại gian khổ, ngày đêm canh gác 23km bờ biển, cùng sống và làm việc với người dân ở đảo…
Những người lính biên phòng nơi đầu sóng ngọn gió

Vượt gần 60km từ trung tâm TPHCM, chúng tôi đến thị trấn Cần Giờ. Thêm 45 phút lênh đênh trên sông nước, chúng tôi mới đến được Đồn biên phòng 554 ở xã đảo Thạnh An. Ở nơi ấy, các chiến sĩ biên phòng đang không ngại gian khổ, ngày đêm canh gác 23km bờ biển, cùng sống và làm việc với người dân ở đảo…

  • Tình quân dân
Những người lính biên phòng nơi đầu sóng ngọn gió ảnh 1

Thiếu úy Vũ Trường Tín đang dạy học cho trẻ.

Anh Trần Phi Long, Trưởng Đồn biên phòng 554 cho biết: “Cuộc sống ở đây cơ cực lắm, đất đai khô cằn, nhiễm mặn…”. Để chứng minh, anh chỉ tay vào hàng dương cao chưa qua khỏi đầu, nói: “Hàng cây ấy đã trồng được gần 10 năm rồi nhưng chỉ lớn chừng ấy!”. Để cải thiện đời sống, mùa mưa, lính biên phòng xới đất lên phơi mưa rửa mặn để trồng rau.

Thấy thế, người dân đảo vốn sống bằng nghề chài lưới cũng làm theo. Khi thu hoạch rau, bà con bày trước nhà để buôn bán trao đổi, vì thế mới có chuyện… nhà nào cũng có “cửa hàng”.

Từ vài năm nay, đảo đã có bưu điện, có trạm phát điện, tuy nhiên người dân vẫn phải mua nước chở từ đất liền ra với giá 10.000 đồng/m3. Nhà cửa của dân địa phương phần lớn là nhà tình thương, do nhân dân các quận kết nghĩa trên địa bàn TPHCM xây tặng.

Còn phần sửa chữa, chống dột nhà cho dân là do lính biên phòng đảm nhiệm. Người dân địa phương kể với chúng tôi rằng bộ đội biên phòng thấy bà con làm gì cũng giúp sức, nên ở làng chài này, ai cũng coi bộ đội như con em trong nhà. Anh em trong đồn kể, mới đêm qua, chị em trong làng mang tặng các chiến sĩ một nồi chè 50 người ăn không hết, nhưng vì anh em đi làm nhiệm vụ hết, khiến những người ở lại phải cố ăn cho chị em khỏi giận.

“Bà con đã yêu quý mình thế thì mình phải cố gắng làm nhiệm vụ thật tốt để giữ yên bình cho dân”- anh Đỗ Đông Thành, Phó Đồn trưởng tâm niệm. Anh kể: “Trước đây, không có tàu, ca-nô, chúng tôi phải chèo thuyền, có khi phối hợp với cán bộ các trạm hàng hải cùng đi. Mỗi chuyến tuần tra như thế ít nhất cũng nửa tháng trên biển, nước mang theo không đủ uống nói gì đến tắm.

Nhiều chiến sĩ còn phải cải trang làm cửu vạn miễn phí trên các tàu đánh cá, tàu chài lưới để theo dõi, nắm bắt tình hình và phát hiện tội phạm. Năm 1997, sau chuyến đến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở về, đồn đã được tặng cho một chiếc ca-nô. Mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết đến thăm lại tặng thêm một chiếc nữa. Nhờ thế, việc tuần tra càng thuận tiện, chiến sĩ có nhiều thời gian giúp dân”.

  • “Lớp học theo con nước” của lính biên phòng

Sau những ca tuần tra gian khổ, giữ biển, trồng rừng, các chiến sĩ biên phòng còn tham gia sự nghiệp trồng người. Trước đây, ở xã đảo, trẻ chỉ học hết cấp 1 trường làng là nghỉ vì không có điều kiện ra huyện học tiếp. Nay nhiều trẻ em theo học các lớp học của lính biên phòng.

Chúng tôi rời trạm, đi ca-nô khoảng 30 phút mới đến được lớp học tại Trạm Kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng (ở ấp Thiềng Liềng). Đảo Thiềng Liềng có khoảng 100 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề muối. Diêm dân lo cái ăn còn chưa xong nói gì chuyện cho con đi học, nhất là khi phải đi học xa. Khi chúng tôi đến đã hơn 12 giờ trưa, lớp vẫn đang học.

Được hỏi về giờ học của lớp, các học sinh lẫn thầy giáo đều không ai biết chính xác - vì phải học theo con nước. Tức là lúc nước ròng trẻ em ra đồng làm muối, bắt cá, đến khi nước lớn không đi làm được thì tự động chèo xuồng tập trung lại trạm để học. Như thế vừa đảm bảo giờ làm kiếm sống, vừa thỏa được lòng ham học của bọn trẻ.

Thượng úy Đặng Thế Long, Trạm trưởng kể: “Lúc đầu, thấy nhiều trẻ muốn học quá mà không đủ điều kiện đi học nên chúng tôi rất thương, mở lớp phổ cập. Nhưng sau lớp được các cơ quan đơn vị chú ý hỗ trợ nên dần đi vào chính quy”.

Một phòng học, hơn chục học sinh và vài thầy giáo là lính biên phòng thay nhau dạy từ lớp 6 đến lớp 9, sau đó các em ra huyện thi lên cấp 3. Thiếu úy Vũ Trường Tín, một “thầy giáo” lâu năm của các em tâm sự: “Chọn con đường bộ đội có nghĩa là tình nguyện dấn thân, hy sinh, nên dù vất vả, chúng tôi vẫn tranh thủ giúp dân, dạy học. Được giúp dân, đem lại niềm vui cho người khác chính là tìm niềm vui cho mình…!”.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục