
Hội Nông dân TPHCM vừa tổ chức lễ tuyên dương và trao giấy chứng nhận “Người nông dân tiêu biểu TPHCM lần II – năm 2008” cho 12 nông dân tiêu biểu có nỗ lực vượt nghèo, vươn lên làm giàu và giúp đỡ nhiều nông dân khác cùng nhau làm giàu chính đáng… Sau đây là chuyện của 3 nông dân tiêu biểu.
1. Năm 2004, sau nhiều năm trồng lúa, anh Nguyễn Phước Thọ (ấp 4 xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè) nhận thấy vẫn không đủ ăn, cuộc sống mãi nghèo khó. Mất một thời gian tìm hiểu thị trường, Thọ chuyển 4ha diện tích đất trồng lúa sang xây dựng hệ thống gồm 8 ao nuôi cá.

Ban đầu Thọ mua cá rô phi, cá da trơn… về thả nuôi. Ngay vụ đầu, anh đã thắng lợi, thu hoạch cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa trước đây. Thấy mô hình nuôi cá “có ăn”, Thọ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, cập nhật các giống cá mới, áp dụng hình thức nuôi gối đầu. Với kiến thức đã tích lũy được, Thọ tự tay “ép” cá giống đẻ tạo nguồn cá con, chủ động thời vụ thả cá, tự sản xuất thức ăn để giảm chi phí đầu vào.
Hết nghèo, hết nợ, Thọ xây dựng 4 dãy chuồng nuôi heo, tận dụng nguồn phân thải từ heo để làm thức ăn cho cá. Để việc nuôi cá và heo đạt hiệu quả cao, Thọ thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do cán bộ khuyến nông huyện Nhà Bè tổ chức. Thọ tìm thông tin trên internet để hoàn thiện kỹ thuật nuôi của mình.
Sau một thời gian nuôi heo, Thọ đã nắm vững những kiến thức về chăn nuôi heo nái, heo con, heo thịt, thiết kế chuồng trại riêng cho từng loại heo, xử lý nước thải, vệ sinh chuồng trại, quản lý dịch tễ, tiêm phòng…
Đến nay trại nuôi heo của anh luôn luôn có khoảng 100 heo nái, 600 heo thịt và 1.000 heo con… Sau khi trừ chi phí hàng năm, lợi nhuận từ nuôi heo và cá đem lại cho gia đình anh khoảng 250-300 triệu đồng.
Với mô hình VAC của mình, Thọ đã tạo công ăn việc làm cho 12 lao động địa phương với thu nhập từ 1,5– 2 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Thọ thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo bằng cách cho nợ tiền mua heo con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, anh đã giúp đỡ hàng chục hộ nông dân tại địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
2. Đã từ lâu, anh Lê Văn Tâm (ấp Trần Hưng Đạo xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ) được người dân trong vùng gọi bằng cái tên thân thương “Tâm cua”, bởi anh đã gắn bó với nghề nuôi cua từ hơn chục năm nay.
Anh Tâm cho biết, trước đây gia đình anh và nhiều người nuôi tôm, cua trong vùng liên tục bị thất bại do nguồn nước ô nhiễm và nuôi chưa đúng kỹ thuật. Không chùn bước trước thất bại, quyết tâm khắc phục khó khăn, anh Tâm tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tìm tòi học hỏi và đã ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật cho mô hình nuôi tôm, cua hiệu quả cao.
Hiện nay với mô hình nuôi tôm, cua kết hợp trên diện tích ao rộng 26.000m² đã mang lại lãi ròng cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng/năm. Kể lại chuyện xưa, Tâm nói: “Không thể ngờ từ một nông dân nghèo kiết, tui lại vượt nghèo bằng chính đôi tay của mình như hôm nay”.
Anh Tâm được xem là nông dân điển hình của huyện Cần Giờ, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao, áp dụng thành công kỹ thuật khoa học vào sản xuất, chăn nuôi.
Mô hình nuôi tôm, cua kết hợp của anh được chọn làm điển hình nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn huyện. Ngoài ra, anh Tâm cũng giúp đỡ 15 hộ nông dân nghèo về con giống, vật tư để họ nuôi trồng, thoát nghèo cùng anh; hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, cua cho hàng trăm hộ nông dân khác để bà con có thêm một nghề. Từ những thành tích trên, anh Tâm được UBND huyện Cần Giờ, Hội Nông dân TPHCM khen tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.
3. Là Phó chủ nhiệm CLB Nông dân trẻ sản xuất kinh doanh giỏi TPHCM, anh Phạm Thanh Minh (ấp 2 xã Đa Phước huyện Bình Chánh) còn được nhiều nông dân biết đến là người tiên phong chuyển đổi từ ruộng trồng lúa năng suất thấp sang ao nuôi cá và vườn nuôi gà trên địa bàn huyện.
Sau đợt cúm gia cầm năm 2005-2006, anh cải tạo các ao vườn nuôi cá, gà chuyển sang nuôi tôm sú rất thành công. Mỗi năm anh thu 1,2-1,3 tấn tôm, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Thấy việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao, anh đã vận động, khuyến khích những hộ xung quanh mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm và đã có 7 hộ thoát nghèo nhờ nuôi tôm như anh. Ngoài ra, anh thường xuyên tổ chức nhiều buổi hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sú hiệu quả cao cho bà con trong vùng, tạo công ăn việc làm cho 4 lao động tại địa phương có cuộc sống ổn định…
Trong năm 2008, anh Tâm được trao danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp TƯ, được UBND TPHCM và các cấp Hội Nông dân tặng nhiều bằng khen, vì có thành tích giúp đỡ nhiều hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.
LÊ LONG