Những “quái kiệt” làng biển

1.
Những “quái kiệt” làng biển

Ba hậu thế của mẹ Suốt ở Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình đã làm việc phi thường để bám biển, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc vừa giúp làng ngày mỗi khá hơn. Đó là anh Nguyễn Công Hoan (39 tuổi), người “đi trước” cả Nghị định 67 và ngư dân sừng sỏ Phạm Tuyển (34 tuổi) có duyên với các chuyến ra khơi thu về tiền tỷ. Người thứ ba là một phụ nữ dám mở xưởng đóng tàu cho ngư dân bên sông Nhật Lệ, chị Hoàng Thị Sửu.

1. Ở bờ sông Nhật Lệ, ít khi người làng thấy anh Nguyễn Công Hoan ở lại bờ quá một tuần. Hẹn nhau nhiều lần chúng tôi mới gặp được ngư dân này có vóc dáng to cao, “hầm hố” đầu nhẵn thín. Anh Hoan kể: “Hồi nhỏ, nghe người lớn nói chuyện đánh cá, phụ nữ đi biển trong hợp tác xã nên thấy mê, họ ra biển bằng buồm thôi mà cuối ngày về cá đầy khoang, thiệt thích. Bọ (cha) tôi cũng làm nghề cá, lúc nhỏ tôi xin đi theo thuyền đánh bắt gần bờ để học nghề biển. 16 tuổi, gia đình vay tiền theo chương trình đánh bắt xa bờ, đóng 2 chiếc tàu. Tôi được bọ giao cho lo toan mọi việc. Bọ nói nghề biển cực khổ, đồng tiền bỏ ra lớn, làm nghề như đánh bạc nhưng quyết tâm mới thành công, phải biết giữ nghề để làng mình khá lên chứ ở trên cát, không có thước ruộng thì không làm chi ra. Nghe rứa nên ra biển chuyến mô tôi cũng cẩn thận. Đó là năm 1998, lênh đênh trên biển không có bộ đàm, không có máy dò cá, đi theo kiểu nhờ trời. May mà chuyến nào trúng chuyến đó. Vài năm sau, từ 2 chiếc tàu dần tôi sắm thành 3 chiếc, rồi 4 chiếc, mỗi chiếc lúc đó cũng 5 tỷ đồng”.

Anh Nguyễn Công Hoan trên cầu cảng gia đình, nơi có đội tàu anh đang quản lý

Khi nhận những chiếc tàu từ người cha giàu kinh nghiệm, Hoan luôn tìm tòi đổi mới. Vận hành đến năm 2010, thấy đội tàu cần nâng cấp anh đã mạnh dạn chuyển đổi 4 tàu cá cũ kỹ, vay mượn đóng mới 2 tàu loại công suất 800CV, mỗi chiếc vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Lúc đó, cả xã Bảo Ninh sững sờ, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã, nói: “Nghe thằng Hoan đóng tàu lớn nhất khu vực, lúc đó ai cũng lo hắn nợ nần, ai cũng nói hắn hoang tưởng nhưng riêng tôi thấy hắn như vậy là mạnh dạn. Tới chừ tôi vẫn hay nói hắn đi trước Nghị định 67, nghị định hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn đánh bắt vùng biển xa bờ”.

Hai tàu cá của anh Hoan tạo việc làm cho 60 lao động, mỗi năm lãi ròng 9 tỷ đồng. Với thành tích bám biển, chủ yếu ở Hoàng Sa, anh Hoan được Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tặng giấy khen về bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2013, đặc biệt được hàng triệu lá phiếu bầu chọn ngư dân xuất sắc nhất năm 2014.

2. Phạm Tuyển trẻ hơn Nguyễn Công Hoan vài tuổi nhưng người làng mẹ Suốt bảo Tuyển là một ngư dân sừng sỏ. Tuyển bám biển Hoàng Sa để làm giàu và rất có duyên với các chuyến biển từ 1 - 1,5 tỷ đồng.

Anh Phạm Tuyển trong lần từ biển về nhà

Phạm Tuyển sinh thành rên cát làng cháy bỏng, từ nhỏ đã biết bơi lặn bắt cá ven biển Bảo Ninh và sông Nhật Lệ. Lớn lên một chút được người làng và gia đình cho theo thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Khi trưởng thành anh Tuyển quyết vay mượn mua thuyền máy 60CV đánh bắt trước biển làng. Qua từng chuyến biển, tích nhỏ thành lớn mới có đồng vốn đóng tàu cá 90CV; dần dà làm ăn khấm khá, anh Tuyển lại mạnh dạn đóng tàu hơn 200CV, rồi 400CV để hành nghề ra với Hoàng Sa. Chưa dừng lại ở đó, năm 2013, anh vay tiền đóng 2 tàu mới lớn hơn, mỗi tàu 800CV. Từ ngày có tàu mới, ít chuyến biển nào anh thu vào dưới nửa tỷ đồng, còn thường mỗi chuyến từ 700 triệu đến 1,5 tỷ đồng.

Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, anh Tuyển vẫn kiên quyết bám biển Hoàng Sa một cách tự tin, kiên quyết. Cũng từ biển Hoàng Sa mà anh xây được căn nhà khang trang, mua sắm vật dụng đủ đầy. Bạn của Tuyển, anh Nguyễn Thanh Minh, Trạm trưởng Trạm bờ của hệ thống máy đài tàu (thuộc Chi cục Bảo vệ và khai thác thủy sản Quảng Bình) cho biết: “Ở Bảo Ninh có hơn 100 thanh niên như Tuyển mạnh dạn bám biển Hoàng Sa nên không ai nghèo cả”. Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, kể: “Xã có 180 tàu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Chuyến đi nào cũng thu tiền tỷ, thấp nhất cũng 500 triệu đồng. Ai ra bám biển Hoàng Sa cũng làm ăn phát đạt, sản lượng tăng cao nên về quê xây nhà mới, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới rất khí thế”. Sổ sách của các tàu cá ở Bảo Ninh cộng lại cuối năm 2015 mới thấy, đây là một xã biển hùng mạnh với nguồn thu 400 tỷ đồng.

3. Để có phương tiện cho những ngư dân như anh Hoan, anh Tuyển ra khơi thì phải có xưởng đóng tàu và người chắp cánh cho các chuyến tàu cá thành danh ở Bảo Ninh không chỉ đàn ông mà có một người phụ nữ rất rắn rỏi, đó là chị Hoàng Thị Sửu.

Chị Hoàng Thị Sửu và xưởng đóng tàu của mình

Bên sông Nhật Lệ, đoạn thuộc xã Bảo Ninh, có xưởng đóng tàu của chị Sửu luôn nhộn nhịp với 4 chiếc tàu đang đóng cho ngư dân theo Nghị định 67. Chưa bao giờ trong lịch sử nghề biển Bảo Ninh, đàn bà lại làm nghề đóng tàu. Chị Sửu sinh năm 1974, lớn lên giữa sa mạc cát Bảo Ninh; nhà nghèo, phải đi xuất khẩu lao động, bươn chải quê người, có được chút vốn, chị mơ ước về quê làm ăn. Ngày về làng, định mở xưởng đóng tàu thì gia đình, bạn bè can ngăn, kể cả chồng chị. Nhưng chị đã quyết, một ngày đầu năm 2011, chị xin đủ giấy phép và làm lễ mở xưởng. Trước đó, chị Sửu vào Nam ra Bắc học hỏi kinh nghiệm đóng tàu biển, đi làm thuê ở các xưởng đóng tàu lớn để rút kinh nghiệm. Chị Sửu tâm sự: “Đàn ông mở xưởng đóng tàu vất vả mười lần thì tôi khó gấp vạn lần vì không ai tin có thể làm được, nhưng tôi thuê thợ giỏi và trả lương tốt hơn xưởng khác nên thợ thầy về đầy”. Nếu người ta đầu tư xưởng đóng tàu bằng đà dọc thì chị Sửu mạnh dạn đầu tư bằng đà ngang hiện đại, vì thế chị thu hút được 40 thợ giỏi trong vùng về đầu quân.

Đến nay xưởng tàu của chị đã đứng số một trong các xưởng đóng tàu tư nhân ở khu vực. Mỗi năm chị đóng mới và sửa chữa hơn 35 chiếc, ngư dân thường tín nhiệm chữ tín của chị bởi cách làm việc cẩn trọng. Anh Nguyễn Trọng Thủy đang đầu tư 2 tàu cá, mỗi chiếc 15 tỷ đồng đều đặt hết niềm tin vào xưởng đóng tàu của chị Sửu. Anh Thủy tâm sự: “Đàn ông chúng tôi không còn nghĩ đàn bà làm sao đóng được tàu và nể phục chị Sửu, vì thế nên tôi quyết định đóng mới 2 tàu ở xưởng của chị. Cách làm việc sát sao, lắng nghe góp ý của anh em, tận tình đến cùng nên bà con tin tưởng”.

Từ chỗ ai cũng không tin chị Sửu làm được thì nay ai cũng công nhận chị Sửu thành công. Phụ nữ như thế giúp được ngư dân nhiều lắm; tàu qua tay chị đóng, chuyến biển nào cũng bội thu nên “cái vía” của chị được ngư dân đặt niềm tin vào đó và đưa vốn đến ký hợp đồng, chiếc nào cũng từ 10 - 15 tỷ đồng.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục