Không ai biết chính xác tấm biển nói trên, thường kèm theo cả tiếng Anh xuất hiện từ khi nào. Nhưng nay nó trở nên phổ biến như một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Nó có mặt từ những công trình lớn như tòa cao ốc chọc trời, ga điện ngầm, các khu chung cư… cho đến các công trình xây dựng tư nhân. Có những tấm biển được đặt vị trí ngay ngắn, ngay lối ra vào khu vực xây dựng. Có những tấm biển tồn tại cùng nắng mưa với thời gian tính bằng vài năm.
Nhưng, giữa thành phố tấp nập đâu chỉ có những tấm biển xin lỗi như thế. Có những tấm biển trở thành khẩu hiệu, xuất hiện trên mỗi chiếc xe buýt “Xin lỗi đã làm phiền khi ra vào trạm”. Có những tấm biển do chính chủ nhân tự sáng tạo, kiểu: “Lái xe mới, xin lỗi nếu đã làm phiền”, “Vợ tôi mới lái xe, nếu có làm phiền xin gọi cho tôi”, “Nhà có đám, xin mọi người thông cảm; xin lỗi đã làm phiền”…
Nó có thể được in ngay ngắn, chỉn chu. Hoặc đôi khi được viết trên những tấm bìa các tông, thùng xốp. Thôi thì, tiện sao làm vậy. Sau này, còn có các sticker (nhãn dán) có in sẵn lời xin lỗi được bán trên khắp các trang thương mại điện tử, phổ biến nhất là “Xin lỗi đỗ xe ở đây đã làm phiền, vui lòng gọi…”. Âu cũng là cách làm kinh doanh dịch vụ làm sao để vừa hợp nhãn, vừa tiện sử dụng cho người dùng.
Xin lỗi và cảm ơn là một trong những biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Người Sài Gòn, với bản chất sống đơn giản, phóng khoáng và dễ cảm thông, xin lỗi là câu nói cửa miệng. Lời xin lỗi được cất lên trong mọi trường hợp. Từ đó, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ dễ dàng xí xóa. Lời xin lỗi đúng lúc hóa giải những mâu thuẫn và xung đột. Đôi khi từ những đụng độ, va chạm lại hiểu nhau hơn rồi thành bạn. Người nói ra cảm thấy nhẹ lòng và người tiếp nhận cũng thấy dễ chịu.
Nhưng, không phải lúc nào những tấm biển xin lỗi kia cũng làm vừa lòng hết mọi người. Có nhiều người khó tính hoặc vô tình gặp những trường hợp không như mong muốn cho rằng tấm biển xin lỗi kia chỉ làm cho có. Xin lỗi nhưng không ít tấm biển đã trở nên nhếch nhác. Xin lỗi nhưng công trường vẫn vương đầy đất đá. Xin lỗi nhưng xe buýt vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, ra vào trạm tùy tiện. Xin lỗi vì sự bất tiện nhưng gia chủ lại ngang nhiên chiếm hết cả lòng đường, dùng cho việc riêng. Thôi thì, muôn hình vạn trạng. Những trường hợp như thế, lời xin lỗi đã không còn vẹn nguyên giá trị và bị đánh giá chỉ nặng tính hình thức. Những tấm biển cũng trở nên vô nghĩa, đôi khi còn gây cảm giác khó chịu.
Nhưng xét cho cùng, những tấm biển xin lỗi tưởng chừng vô tri vô giác kia cũng là phương tiện để biểu đạt thành ý theo cách đơn giản nhất và cũng rất được lòng. Thêm hay bớt một tấm biển xin lỗi, cuộc sống vẫn sẽ quay vòng như nó vẫn luôn không ngừng nghỉ. Nhưng, đôi khi sự vắng bóng đó lại có cảm giác thiếu điều gì đó. Thôi thì, hãy cứ để những tấm biển xin lỗi kia làm công việc thầm lặng của nó, dẫu có người yêu, người ghét.